“Thiếu gia” nào phải là con “đại gia”!

Nhiều năm gần đây, người ta mặc nhiên hiểu “thiếu gia” là con của “đại gia” mà không ngờ rằng hai danh ngữ này chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau.

Đại gia (大家) là một danh ngữ tiếng Hán, vốn có nghĩa là “chuyên gia danh tiếng hoặc thế gia vọng tộc”, đã được tiếng Việt hiện đại dùng theo nghĩa rộng hơn: “nhà sản xuất, nhà kinh doanh lớn hoặc người tài giỏi, có tên tuổi trong một lĩnh vực nào đó” (“Từ điển tiếng Việt” của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên). Bây giờ, “đại gia” đã bắt đầu mang nghĩa xấu.

Vậy “thiếu gia” có phải là con của “đại gia” không? Vì chẳng liên quan gì với “đại gia” về mặt tạo nghĩa nên hai chữ trong câu hỏi trên không thể viết thành “thiếu gia”. Tuy phương ngữ tiếng Hán cũng có danh ngữ “lão gia” (老家) dùng để chỉ cha, mẹ hoặc bậc trưởng bối nhưng hai tiếng trong câu hỏi trên thì lại liên quan đến danh ngữ “lão da” (老爺) nên phải được viết thành “thiếu da” (少爺, d- chứ không phải gi-).

“Lão da” (老爺) là một danh ngữ thời xưa dùng để gọi quan lại, chủ nhà (đối với người làm) hoặc kẻ có quyền thế. Đối trọng với “lão da” là “thiếu da” (少爺) mà thời trước tôi tớ dùng để gọi con nhà chủ (chúng ta thường nghe trong nhiều bộ phim Tàu, nhất là phim cổ trang). Liên quan đến chữ “da” (爺), còn có danh ngữ “đại da” (大爺), nghĩa là ông lớn, cụ lớn; cũng dùng để chỉ vai bác (anh của cha) hoặc người đàn ông lớn tuổi hơn mình.

Từ nguyên của hai tiếng “thiếu da” là vậy. Do không biết gốc gác của nó trong tiếng Hán, lại thêm cảm nhận chủ quan, nên hầu như mọi người đều viết thành “thiếu gia”. Thêm nữa, ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc nước ta, hai từ “gia” và “da” đều đồng âm ([ja] và [za]). Tính đồng âm này cũng dẫn đến cách viết sai thành “thiếu gia” mà chắc là từ nay trở đi không còn hy vọng có thể sửa chữa được nữa!