Hữu ích phần mềm cho nghiên cứu khoa học
(ictworld.vn) - Trong thời gian gần đây đã có rất nhiều phần mềm CNTT cần thiết, hữu ích do các nhà khoa học Việt Nam xây dựng nên đã được ứng dụng cho công tác nghiên cứu, triển khai các hoạt động khoa học phục vụ người dân trong nước

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay việc xây dựng, ứng dụng các phần mềm vào công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học là việc làm hết sức cần thiết mang lại sự tiện lợi cho các nhà khoa học cũng như hữu ích cho người dân. Trong thời gian gần đây các nhà khoa học Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng, triển khai các phần mềm ứng dụng vào trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đa dạng phần mềm phục vụ khoa học
Mới đây đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám vào việc giám sát tình hình, cảnh báo và dự báo về một số loài sâu bệnh chính hại lúa, phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng”, do TS Nguyễn Đăng Vỹ (Trung tâm Công nghệ Phần mềm Thủy lợi) làm chủ nhiệm, đã được triển khai. Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được hệ thống thông tin GIS - viễn thám giám sát tình hình các loại sâu bệnh hại lúa chính là sâu đục thân, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ; xây dựng module phần mềm xác định hàm quan hệ giữa quá trình phát triển của sâu đục thân và các yếu tố có liên quan; xây dựng hệ chuyên gia dự báo ngắn hạn về sâu đục thân; tích hợp hệ thống GIS - viễn thám với trang WebGIS của Cục Bảo vệ Thực vật để đưa thông tin về phân bố sâu bệnh, kết quả dự báo và các biện pháp phòng trừ lên mạng Internet.
Cùng ứng dụng công nghệ GIS mới đây PGS.TS Lê Văn Thăng, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ sinh học (Đại học Huế) cùng cộng sự đã thành công trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hệ thống thu gom chất thải. Đây được xem là cơ sở để đánh giá hiện trạng hệ thống thu gom chất thải và cung cấp dữ liệu, quy trình để nâng cao công tác quản lý chất thải bằng công nghệ GIS. Ứng dụng GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải dựa trên dữ liệu không gian, dữ liệu thuộc tính và xây dựng bản đồ hệ thống thu gom chất thải. Hệ thống thùng rác được sắp xếp dựa trên kết quả phân tích không gian lớp thùng rác hiện có.
Công tác phòng chống thiên tai đặc biệt là lũ lụt trong thời gian gần đây rất được quan tâm và mới đây đề tài cấp “Nghiên cứu các giải pháp sử dụng rừng để chắn sóng ven biển và giảm lũ ở Việt Nam”, do PGS.TS Vương Văn Quỳnh (Trường Đại học Lâm nghiệp) làm chủ nhiệm đã xây dựng được phần mềm giúp hỗ trợ người dân và các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống thiên tai. Phần mềm xác định cấu trúc và bề rộng cần thiết của các đai rừng chắn sóng ven biển, xác định diện tích và phân bố rừng đầu nguồn cần thiết cho giảm lũ ở lưu vực được xây dựng với thuật toán mô phỏng theo những phương pháp xác định bề rộng cần thiết và đặc điểm cấu trúc của rừng ngập mặn chắn sóng, rừng giảm lũ đầu nguồn.
Nhằm hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến việc lưu trữ, quản lý một cách có hệ thống và tra cứu hệ thực vật Việt Nam, đồng thời cung cấp một công cụ tra cứu và nhận biết các họ thực vật hạt kín, GS. TS Nguyễn Văn Sinh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xây dựng phần mềm PlantsVN. Phần mềm PlantsVN cho phép người dùng tạo ngân hàng dữ liệu để quản lý các dữ liệu đa dạng thực vật của một đơn vị địa lý hoặc của một cá nhân.
Ngoài ra còn có rất nhiều phần mềm ứng dụng khác phục vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học cũng đã được các nhà khoa Việt Nam xây dựng, triển khai ứng dụng thực tế tại các địa phương rất hữu ích và cần thiết cho người dân và nền khoa học nước nhà.
Hữu ích cho khoa học và người dân
Việc ứng dụng các phần mềm vào trong hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học đã thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho các nhà khoa học và quan trọng hơn là phục vụ cho người dân Việt Nam. Mới đây, Sở KH&CN Ninh Thuận phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung bộ và Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Ninh Thuận tổ chức lớp Tập huấn “Phổ biến, tuyên truyền các hiện tượng thiên tai nguy hiểm trên địa bàn các huyện, thành phố” tại tỉnh này. Các học viên đã được hướng dẫn khai thác phần mềm phòng chống lũ quét, đây là sản phẩm khoa học từ đề tài “Nghiên cứu các biện pháp phòng chống lũ quét trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Qua đó, từng bước nâng cao ý thức đối với mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do các hiểm họa thiên nhiên gây ra.
Từ đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám vào việc giám sát tình hình, cảnh báo và dự báo về một số loài sâu bệnh chính hại lúa, phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng”, do TS Nguyễn Đăng Vỹ làm chủ nhiệm đã tạo ra được hệ thống GIS - viễn thám được tích hợp với hệ thống WebGIS quản lý thông tin về rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ đã được ứng dụng tại Chi cục Bảo vệ Thực vật Hải Phòng từ giữa năm 2009 cho kết quả tốt.
Ứng dụng GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải tại tiểu khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), nơi có 71% thùng rác quá tải; 10% chứa ít rác; 53% đặt không hợp lý và hư hỏng 47% cho thấy cần thêm 18 thùng rác mới; điều chỉnh 10 vị trí; giữ nguyên 17 thùng; qua đó giải quyết được vấn nạn đổ rác ra bên ngoài thùng rác. Ứng dụng công nghệ GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải cho cả khu vực Nam sông Hương thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế) - nơi có 239 thùng rác với tỷ lệ 6 thùng rác/km2, 666 người/thùng rác, đã khắc phục được bất cập trong thu gom chất thải ở khu vực có thùng rác quá tải, rác đổ ra vỉa hè, lề đường, bờ sông... .
Hệ thực vật Việt Nam rất phong phú nên việc ghi nhớ các loài thực vật rất phức tạp. Việc quản lý và lưu trữ một cách có hệ thống những loài thực vật đã gặp sẽ hỗ trợ tích cực cho việc tiếp cận tính đa dạng của một hệ thực vật nói chung và hệ thực vật Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, việc tra cứu định loài cho những loài mới gặp là một việc hết sức cần thiết để tăng cường hiểu biết về các loài thực vật. Phần mềm PlantsVN của GS. TS Nguyễn Văn Sinh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giúp người sử dụng tra cứu và xác định họ các loài thực vật hạt kín của Việt Nam, đồng thời thực hiện các thống kê đa dạng thực vật cho các nhóm được chọn hoặc toàn bộ ngân hàng dữ liệu.
Số lượng các sản phẩm phần mềm phục vụ khoa học của Việt Nam hiện có thực sự chưa phải là nhiều song với những kết quả, sản phẩm phần mềm đã được xây dựng, ứng dụng thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phục vụ đời sống người dân là rất đáng trân trọng. Chúng ta đều có quyền hy vọng nền khoa học của Việt Nam hứa hẹn sẽ còn có nhiều bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.