Tính kỹ việc phân chia nguồn thu
Nếu TP HCM chỉ được giữ 70% nguồn thu từ đất, sẽ hụt 33.000 tỉ đồng/năm, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công
Ngày 26-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).
Nới trần dư nợ vay cho địa phương
Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) ủng hộ quy định liên quan tới mức dư nợ vay của ngân sách địa phương (NSĐP), song cũng có ĐB bày tỏ băn khoăn. Theo dự thảo, địa phương tự cân đối thu chi được vay tối đa 120% số thu ngân sách được hưởng (quy định hiện hành là 60%). ĐB Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - cho rằng cách tính hạn mức dư nợ vay của NSĐP hiện nay chưa phản ánh đúng năng lực thực tế, không phù hợp với các địa phương có quy mô kinh tế lớn, có năng lực huy động vốn cao như TP HCM.
Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ, TP HCM, có năng lực tài chính, uy tín tín dụng và khả năng huy động vốn cao, hoàn toàn có thể vay lại từ ODA, phát hành trái phiếu chính quyền để đầu tư các công trình trọng điểm. Do đó, bà Lệ đề xuất ngoài tiêu chí thu phân cấp, cần bổ sung tiêu chí định lượng như GRDP, năng lực trả nợ, xếp hạng tín nhiệm và khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính - tín dụng. ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cũng đồng tình về nâng trần nợ vay của NSĐP. Theo ông Ngân, quy định trên là rất cần thiết vì các địa phương đang rất cần nguồn lực để đầu tư phát triển, dù có thể sẽ làm nợ công tăng. Thậm chí, ĐB này còn đề nghị đối với các đô thị đặc biệt như TP HCM, Hà Nội - nơi tập trung nhiều dự án lớn có thể nâng trần nợ vay lên 150% - 200%. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đánh giá quy định này sẽ khiến các địa phương rất phấn khởi. Tuy nhiên, ĐB cũng đề nghị cùng với tăng trần nợ vay của địa phương thì phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng trả nợ vay, tránh tình trạng không trả nổi sau khi vay, khiến ngân sách trung ương (NSTƯ) phải bù, làm nợ công tăng cao.
Làm rõ vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng quy định về nâng trần nợ vay của NSĐP đã được bộ nghiên cứu rất kỹ. Hiện nay, trần nợ công QH cho phép là 60%. Đến hết năm 2024, tỉ lệ này mới là 34,7% GDP. Do đó, việc điều chỉnh mức dư nợ của NSĐP cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tương quan với các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được QH quyết định trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng tình với ý kiến các ĐB về việc nâng trần dư nợ vay của địa phương nhưng phải kiểm soát được, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh hai vấn đề lớn. Một là, kiểm soát nợ công, bội chi trong giới hạn cho phép của QH. Hai là, kiểm soát chất lượng các dự án, tránh trường hợp ở một số giai đoạn, một số địa phương sử dụng không hiệu quả dẫn đến gánh nặng cho ngân sách. Bộ trưởng cho rằng cần "tư duy như khoản vay của ngân hàng", dù là khoản vay ODA, vay từ Trung ương, vay nước ngoài, phát hành trái phiếu hay những khoản vay của địa phương đều phải tính toán bảo đảm hiệu quả về kinh tế - xã hội và và hiệu quả vốn vay.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM - phát biểu tại phiên họp Ảnh: Phạm Thắng
Lo thiếu nguồn lực để đầu tư
Quy định về phân chia số thu ngân sách giữa trung ương và địa phương cũng là nội dung được các ĐB quan tâm. Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất 2 phương án phân chia và tỉ lệ phần trăm giữa NSTƯ và địa phương. Phương án 1, quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm phân chia giữa NSTƯ và địa phương của một số khoản thu.
Phương án 2, dự thảo luật chỉ quy định về nguyên tắc các nguồn thu phân chia. Chính phủ xây dựng phương án về tỉ lệ phân chia, trình QH xem xét quyết định. Với cả 2 phương án, các địa phương (gồm Hà Nội, TP HCM...) có thể không được giữ lại 100% số thu từ tiền sử dụng, cho thuê đất (trừ khoản thu từ sử dụng đất gắn với tài sản do các cơ quan, đơn vị thuộc trung ương quản lý) như hiện nay. Thay vào đó, địa phương chỉ được giữ 70% - 80% số thu này, số còn lại nộp về NSTƯ.
ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cân nhắc phân chia số thu từ tiền sử dụng, cho thuê đất phù hợp với thời điểm, bối cảnh hiện nay. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số và phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương sau khi sáp nhập, việc mở rộng không gian phát triển và kết nối vùng đòi hỏi đầu tư mạnh vào hạ tầng, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP HCM. Ông Trần Hoàng Ngân cho biết theo kế hoạch, giai đoạn 2026 - 2030, TP HCM cần khoảng 1,1 triệu tỉ đồng cho đầu tư công, trong đó nguồn thu từ đất chiếm 550.000 tỉ đồng. Nếu trung ương điều tiết 30% nguồn thu này, TP HCM sẽ hụt 165.000 tỉ đồng trong 5 năm, tương đương 33.000 tỉ đồng mỗi năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công, đặc biệt cho các dự án lớn như đường sắt đô thị (dự kiến chi 40 tỉ USD trong 10 năm, với 16 tỉ USD trong 5 năm đầu) và các dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác. Ngoài ra, TP HCM cũng cần nguồn lực để kết nối với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, ĐB Ngân đề xuất trung ương xem xét không thu khoản điều tiết này trong 10 năm tới, hoặc nếu thu, chỉ nên áp dụng mức 5% - 10% để bảo đảm nguồn lực cho các dự án chiến lược của TP.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng quy mô thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất trên địa bàn phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tổ chức thực hiện của các địa phương và quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và đất đai, khả năng thu hút đầu tư từng địa phương. "Trên thế giới, nguồn thu này phải được sử dụng để tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả địa phương và của vùng kinh tế" - bà Hà cho hay. Đồng quan điểm, ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị trong điều kiện hiện nay, nên để cho địa phương hưởng 100% tiền sử dụng đất và vấn đề này giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với từng thời kỳ. Vị ĐB đoàn Quảng Ninh đề nghị ban soạn thảo xem xét tỉ lệ phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp cho các địa phương để bảo đảm các địa phương có thể được cân đối nguồn thu đất đai chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu nội địa, tránh ảnh hưởng đột biến đến khả năng cân đối NSĐP và tạo động lực để địa phương phát triển.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 27-5, QH thảo luận về dự án Bộ Luật Hình sự (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Chính phủ sẽ trình QH dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Trình Quốc hội 2 dự án luật về tương trợ tư pháp
Cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Các cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã trình QH dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.