Tỉnh Quảng Ngãi rộng thứ 5 cả nước sau sáp nhập, có 2 sân bay
(NLĐO)- Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi (mới) có diện tích rộng thứ 5 cả nước, với 43 dân tộc anh em, có 2 sân bay.
Sáng 28-4, tại kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết về việc sáp nhập, hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.
Sau sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, tỉnh mới sẽ có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, đơn vị hành chính tỉnh Quảng Ngãi (mới) có diện tích là 14.832,548km² (đạt 296,65% so với tiêu chuẩn), dân số 2.161.755 người (đạt 154,41% so với tiêu chuẩn), với 96 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.
Các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề: TP Đà Nẵng, tỉnh Gia Lai; tỉnh Sekong, tỉnh Attapeu của Lào và tỉnh Ratanakiri của Campuchia.

Kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính tỉnh Quảng Ngãi: TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
Theo chỉ đạo của trung ương, 2 tỉnh phải hoàn thành việc sáp nhập, đảm bảo trước ngày 1-9 tỉnh Quảng Ngãi mới đi vào hoạt động.
Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có 43 dân tộc anh em, rất đa dạng về bản sắc văn hóa, tập tục. Cùng với đó dư địa phát triển rất lớn khi thông từ cảng biển Dung Quất đến tận cửa khẩu Pờ Y; có vùng cây trồng công nghiệp (cao su, cà phê, sầu riêng…) ở phía tây và hệ thống giao thông thuận lợi, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp ở phía đông.
Về phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh Quảng Ngãi mới cũng mở ra một không gian rộng lớn với nhiều cảnh điểm, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, như: Khu du lịch quốc gia Măng Đen (được mệnh danh là Đà Lạt 2); đảo Lý Sơn (Trung ương định hướng phát triển thành Trung tâm du lịch biển đảo Quốc gia)…
Đặc biệt, trước khi sáp nhập, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi từng đề xuất xây dựng sân bay ở 2 địa phương. Đó là sân bay trên đảo Lý Sơn và sân bay ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Pông (Kon Tum).
Tỉnh Quảng Ngãi mới cũng có diện tích rộng thứ 4 cả nước, xếp sau các tỉnh Lâm Đồng (24.233,1km²), Gia Lai (21.576,5km²) và Đắk Lắk (18.096,4km²) và Nghệ An (16.490,2km2).

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu khai mạc kỳ họp
Trước đó các địa phương ở Quảng Ngãi đã lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Kết quả 99,65% cử tri đại diện hộ gia đình đồng ý hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi; HĐND cấp xã, cấp huyện cũng họp và ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sáp nhập 2 tỉnh.
Việc sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum thực hiện theo nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4 của hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết kỳ họp nằm trong kế hoạch công tác của HĐND tỉnh năm 2025.
Tuy nhiên để đảm bảo thời gian sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị và kế hoạch của Chính phủ, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ họp thứ 33 vào ngày 28-4.
"Đây là kỳ họp rất đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính", bà Vân nhấn mạnh.