Bé Hảo và nơi ở mới
Ngày 10-10, bé Nguyễn Thị Hảo xuất viện, được Trung tâm (TT) nuôi dưỡng người già, tàn tật và trẻ mồ côi Bình Phước đón về nuôi dưỡng. Hiện bé sống cùng gia đình của bảo mẫu Trần Thị Thanh Thủy ngay trong TT.
Ông Lê Xuân Nẫm - GĐ TT tâm sự: “Chị Thủy đã từng xuống BV thăm và chơi với bé Hảo, rất xúc động khi thấy bé gọi những người phụ nữ bế mình là “má”. Là một người tận tình chăm nuôi trẻ mồ côi hơn 10 năm nay tại TT, lại có một gia đình hạnh phúc, chúng tôi thấy rằng, ở với chị Thủy, cháu Hảo sẽ được sống trong không khí của một gia đình”.
Căn phòng nhỏ trong nhà chị Thủy dành cho ba thành viên nhỏ tuổi: hai con nhỏ của chị (cháu lớn 10 tuổi, cháu nhỏ bốn tuổi) và bé Hảo. Những con búp bê xinh xắn và đồ chơi mọi người tặng bé khi nằm viện được để gọn gàng trong hai chiếc thùng lớn. Trong số 16 đứa trẻ mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt tại TT thì Hảo nhỏ tuổi nhất. Từ khi Hảo về TT, ngày nào các bé cũng xuống chơi, dạy Hảo hát, Hảo cũng rất hòa đồng với những đứa trẻ khác.
Chị Thanh Thủy cho biết, Hảo là một đứa trẻ ngoan, nhẹ nhàng và biết vâng lời. Tinh thần của bé hiện rất tốt. Có lẽ vì thiếu thốn tình cảm nên hễ ai gắn bó, cháu đều không chịu rời và đòi “ở lại đây chơi với con”. Hảo cũng đã bỏ thói quen gặp ai cũng xin tiền từ khi “mẹ Thủy” nhẹ nhàng khuyên nhủ.
Hàng ngày, Hảo ăn cùng với gia đình chị Thủy, bé tự biết xúc ăn. Giấc ngủ của bé giờ đây không còn những ác mộng hay giật mình la hét như trước. Hiện các vết thương của Hảo vẫn còn nhiều chỗ sưng tấy, vẫn phải tiếp tục điều trị. Vết cắt gân ở chân đã lành, nhưng cháu đi lại cũng còn yếu ớt. Thỉnh thoảng cháu vẫn chỉ vào những vết thương và nói: “Má và ba đánh con đấy!”.
Từ khi cháu về đây, không thấy ai đến nhận là người thân. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vừa có kết quả giám định ADN, xác định cháu Hảo là con đẻ của Nguyễn Văn Tước và Nguyễn Thị Mỳ. Tuy nhiên, với hành động đánh đập, ngược đãi dã man bé Hảo, theo Luật Hôn nhân và gia đình, Mỳ và Tước có thể bị tước quyền nuôi dưỡng con.
Vấn đề bé Hảo sẽ ở lại TT này bao lâu, theo ông Nẫm, còn tùy thuộc vào các cơ quan chức năng. “Việc cần làm bây giờ là giúp cháu ổn định hoàn toàn về thể lực và tinh thần để sang năm tới, cháu có thể đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác” - ông Nẫm nói.