Cân bằng giữa vật chất và tinh thần
Tiền là nỗi lo thường trực của mỗi người chúng ta và ai cũng lo kiếm tiền để bảo đảm cuộc sống. Nhưng, mất tiền mất bạc còn kiếm lại được nếu chúng ta biết siêng năng làm lụng, còn mất danh dự, tình cảm và đặc biệt là mất ý chí và dũng khí thì rất khó mà lấy lại được.
Tiền chỉ là phương tiện, phương tiện thì có rồi không, hết rồi có. Cái quý nhất của mỗi người chúng ta là tình cảm, là hạnh phúc gia đình, cộng đồng, xã hội.
Muốn đứng vững giữa “vòng xoáy đồng tiền”, chúng ta phải nhận chân được cái nào là giá trị thật của đời người: Vật chất không bao giờ làm ta thỏa mãn được. Còn tinh thần thường làm ta thanh thản hơn. Từ sự vui sống ta mới hăng say làm việc và tất yếu sẽ tạo ra nhiều tiền. Cần cân bằng giá trị tinh thần và vật chất, đặc biệt cần xem trọng giá trị quý báu của tinh thần. Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, biết bao nhiêu người lưu danh muôn thuở mà đâu phải do tiền! Họ được trọng vọng tưởng nhớ vì đã chiến đấu, cống hiến, phụng sự con người. Họ đã để lại một giá trị tinh thần lớn lao.
Cổ nhân có câu: “Thiểu dục tri túc (nghĩa là muốn ít, biết đủ)”. Tùy năng lực của mình mà con người chúng ta cống hiến và hưởng thụ ở mức phù hợp. Không vì hấp lực của đồng tiền mà chúng ta bất chấp tất cả khiến một ngày phải “thân tàn ma dại”. Phải biết kiến tạo và giữ gìn đời sống tinh thần phong phú thì mới vững vàng giữa “vòng xoáy đồng tiền”.