Dâu hụt
Tình cảm đã nhen lên từ những cuộc gặp gỡ rất khó xóa nhòa. Việc cắt đứt quan hệ với gia đình người cũ cũng chưa phải là giải pháp tốt nhất
Nhận được túi tré gửi theo xe từ miền Trung vào, Hoàng Mai, quản lý nhân sự một công ty đa quốc gia, xúc động đến chực trào nước mắt. Bốn tháng sau khi nói lời chia tay, cô vẫn nhận được sự quan tâm của mẹ chồng hụt, như những ngày còn tay trong tay với Khánh. Bối rối, lo lắng xen lẫn với cảm xúc yêu thương ngày xưa tràn về, cô không biết xử lý sao với gói tình cảm của người mẹ ấy.
Chuyện của ngày xưa
Ngày theo Khánh về quê, ra mắt song thân người tình, Hoàng Mai không tránh được sự hồi hộp và lo ngại mình sẽ bị chê vì cái “mác” con gái Sài Gòn. Rất may, sự hồn nhiên, gần gũi của Mai khiến mẹ của Khánh thương nhiều. Những ngày ở quê, bà dạy cô cách nấu nướng, cách vén khéo việc nhà... tận tình như dạy con gái mình. Hai bác cháu cùng nhau đi chợ, cùng nhau làm việc nhà, tỉ tê với nhau như hai người bạn. Về lại thành phố, những cuộc điện thoại thăm hỏi lại càng khiến tình cảm giữa họ lớn dần. Mai nhận xét: “Tôi cảm nhận được tình cảm của bác cũng đầy tràn như mẹ ruột”. Cô kể, biết cô thích ăn cá nục kho, lần nào về thăm, bác gái cũng chuẩn bị món này từ trước. Nem, tré... bác gái cũng tự tay làm cho cô thưởng thức. “Tiếc là chúng tôi không đi được với nhau đến cuối con đường”- Mai thổn thức. Thói lăng nhăng của người yêu đã đẩy cô đến quyết định này. Cô bộc bạch: “Nỗi đau khiến tôi không muốn dính dáng gì đến con người ấy”. Tuy vậy, mối dây tình cảm giữa cô và mẹ của Khánh thì khó có thể dứt lìa. Những cuộc điện thoại, những hành động chăm sóc ân cần của người mẹ ở xa khiến Mai càng vùi mình vào sâu trong ký ức khó quên.
Không trách móc, không nặng nhẹ... mà ngày càng yêu thương hơn cũng là cách mẹ chồng hụt dành cho H. Oanh, chuyên viên thẩm định giá một ngân hàng, khi tình yêu đôi trẻ tan vỡ. Chẳng những bà không trách H. Oanh vì sự cương quyết ra đi của cô mà chỉ trách con trai mình quá thô vụng, không giữ được tình yêu. “Đôi khi thái độ của mẹ anh ấy khiến tôi bần thần, không biết có phải mình đã quyết định sai lầm”. Lý do của cuộc chia tay ấy là sự hời hợt, lúc nào cũng cắm đầu vào công việc đến mức quên cả gia đình lẫn tình yêu của Đ. Quân, bạn trai cô.
Người ngoài cười nụ...
Được yêu thương, được chăm sóc, bất cứ cô gái nào cũng vui và tự hào. Cả H. Oanh lẫn Hoàng Mai đều rất biết ơn tình cảm người mẹ ấy dành cho mình. Tuy nhiên, ngoài việc điều này khiến các cô nhớ nhiều đến người cũ, người trong cuộc còn phải đối mặt với những rắc rối phát sinh.
Sáu tháng sau khi chia tay, Hoàng Mai tìm được người phù hợp với mình. Tình yêu mới vừa chớm nở thì cô đã phải đối mặt với câu hỏi: “Sao em có nhiều mẹ vậy?” của người tình. Chia sẻ thật với người yêu và nhận được sự cảm thông nhưng Mai vẫn thấy người yêu lấn cấn vì nghĩ mình vẫn còn dây dưa với người cũ. Cũng may, cách cư xử rõ ràng của cô khiến người yêu có thể đặt lòng tin.
Tuy không sớm tìm được đối tượng như Mai, H. Oanh lại phải đối mặt với người mới. Vừa tan sở thì cô nhận được điện thoại của một người phụ nữ lạ với yêu cầu: “Cô còn dây cà dây muống với gia đình chồng tương lai của tôi thì tôi sẽ không để cô yên”. Tìm hiểu mãi, H. Oanh mới biết Đ. Quân, người yêu cũ của mình đã chọn được đối tượng. Oái oăm là sự ngang bướng của cô gái ấy lại không vừa mắt mẹ Đ. Quân. Bà phản đối kịch liệt song song với việc so sánh người mới với H. Oanh. Thế là ra chuyện. Như một sự cày xới vết thương lòng, H. Oanh chỉ biết cố gắng bước qua chuyện rắc rối này.
Rõ ràng, khi tình cảm đặt không đúng vị trí, lại có thể làm tổn thương chính người được yêu thương. Nặng nề hơn, tình cảm ấy còn có thể bị lợi dụng. Biết mẹ mình và người yêu rất gắn bó với nhau, K. Hải, nhân viên kinh doanh sản phẩm may mặc, thường xuyên nhắn tin với người cũ với nội dung: “Ba má muốn mình nên đôi, em ráng bỏ qua chuyện cũ” hay “Má bệnh, muốn anh đưa em về thăm”... Chỉ có người yêu của K. Hải là khó xử với cách lấy tình cảm của mẹ mình ra níu kéo tình yêu này.
Người già nghĩ thoáng
“Cái nết nó hiền lành, dễ thương quá. Nó không cưới con trai mình thì mình nhận nó làm con gái để còn có dịp mà thăm nhau” - bà Hai Đức, ngụ ở Hóc Môn - TPHCM, vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa nói như vậy. Suốt ba năm lui tới, tình cảm của gia đình hai bên đã thân thiết, nghĩ đến việc đôi trẻ đường ai nấy đi, bà thương đứt ruột nhưng khuyên bảo mãi mà không được, bà đành chọn giải pháp này. Bà Hai đùa: “Làm căng, nó sợ nó đi luôn coi như mình mất trắng”. Bà cũng không giấu hy vọng của mình: “Biết đâu, tụi trẻ nghĩ thoáng hơn rồi quay lại với nhau”.
Một khi sợi dây tình cảm đã kết nối giữa hai con người, dù muốn dù không, nó cũng khó thể mất đi trong ngày một, ngày hai. Giữ lại tình cảm ấy là điều đáng trân trọng nhưng khi đã ở một vị trí khác, các nàng dâu, mẹ chồng hụt phải biết cách điều tiết đúng mực. Như vậy, khi những mối quan hệ mới phát sinh, người trong cuộc không phải lâm vào tình huống khó xử.