Gái “part – time”

Một nửa thời gian, họ là người vợ, người mẹ đảm đang của gia đình. Nửa còn lại, họ lao vào “làm thêm” để bảo đảm cuộc sống còn đang chật vật của mình

Trưa Sài Gòn, nắng gay gắt đến độ tưởng chừng con đường nhựa muốn nứt ra. Con hẻm nhỏ vắng lặng trên đường 3 Tháng 2 (Q.10 – TPHCM) xuất hiện một phụ nữ trang bị từ đầu đến chân với mũ, khăn bịt mặt, kính đen... Chị dừng trước một ngôi nhà có giàn hoa giấy màu đỏ trên ban-công. Vội vàng nhìn trước, sau, chị đưa tay bấm chuông cửa.

Một cặp vợ chồng tri thức

Người đàn ông chừng 50 tuổi, ló ra từ tầng 1, gật đầu rồi biến vào trong. Không lâu sau, cánh cổng hé mở, người phụ nữ lại nhìn trước sau một lần nữa rồi lách vào trong.

Chủ nhân căn nhà đó là cặp vợ chồng tri thức. Ông Nhã, người chồng, là công chức, còn người vợ, bà Luyến, là giáo viên.

Hai vợ chồng đều là những người đàng hoàng, sống rất kín đáo. Hàng xóm chưa bao giờ nghe thấy họ gây gổ với nhau một lời nào. Hai vợ chồng có cậu con trai, nhưng đã lấy vợ dọn ra riêng, hiện đang làm ăn xa.

Sáng nào, ông cũng chở bà đi làm rồi đến sở, chiều lại đón về. Cuộc sống thật êm đềm. Thế nhưng, tất cả những điều tốt đẹp ấy chỉ là cái vỏ bên ngoài. Chuyện chăn gối giữa họ đã tắt lửa từ những năm đầu kết hôn.

Vén bức màn của một gia đình hạnh phúc

Sau khi sinh con, bà Luyến bỗng bị bệnh trầm uất. Bà trở nên dị ứng với chuyện chăn gối. Năm này qua tháng khác, bà trở thành người phụ nữ lãnh cảm.

Mỗi lần ông chạm đến, bà đều tìm cách lẩn tránh, thậm chí có lúc quỳ xuống van xin ông đừng làm thế. Nếu không, bà cứ nằm im như khúc gỗ, phó mặc ông muốn làm gì thì làm. Dần dần, ông Nhã cảm thấy chán nản mỗi khi đêm về. Vợ chồng ông đã hơn 15 năm không gối chăn.

Dù đã cố kiềm chế, nhưng nhu cầu sinh lý của đàn ông cứ trỗi dậy, càng dồn nén càng như muốn vỡ òa. Các chiến hữu khuyên ông nên lập phòng nhì, hay thỉnh thoảng kiếm em nào đó giải khuây. Nghĩ đến nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với gái điếm, ông lắc đầu, dù sao cũng còn sĩ diện.

Người phụ nữ giữa trưa

Trong một lần trà dư tửu hậu, một ông bạn thân rỉ tai: “Để tôi giới thiệu cho ông một mối rất sạch sẽ, đàng hoàng, hợp với gu trí thức của ông. Bảo đảm ông hài lòng. Thế là ông Nhã gọi điện thoại cho Minh Diệu. Cô chính là người phụ nữ đến nhà ông giữa trưa.

Minh Diệu, 32 tuổi, là người có ngoại hình dễ nhìn, với vẻ ngoài giản dị, chín muồi của một người đã có gia đình. Chị sống cùng chồng, cô con gái 4 tuổi và người mẹ già, trong khu nhà cho thuê ở Q.8.

Chị làm công nhân may, chồng là phụ thợ hồ. Cả hai làm lụng vất vả vẫn không khá lên nổi. Năm rồi, chồng chị bị ngã khi đang lao động. Anh yếu hẳn, chuyên làm những việc lặt vặt nên mỗi tháng chỉ kiếm được 300.000 đồng. Cuộc sống gia đình chị càng ngày càng nghèo hơn.

Tình cờ, chị gặp Tuyết, cô bạn cũ. Hàn huyên một lúc, Diệu rớt nước mắt: “Mày chỉ tao làm thêm việc gì đi, chứ với đồng lương hiện giờ, cả nhà tao đói mất”.

Gương mặt Tuyết bỗng trở nên bí mật hơn. Cô ghé sát tai Diệu, nói khẽ: “Tao chỉ cho mày với điều kiện mày phải giữ bí mật...”.

Sau khi nghe bạn nói, Diệu thảng thốt, lắc đầu: “Không được đâu mày ơi! Nghèo thì nghèo chứ tao không làm cái nghề ấy đâu”.

Thật không lường trước số phận. Vài ngày sau khi gặp Tuyết, mẹ Diệu ngã trong buồng tắm, gãy lưng. Chỉ trong một tuần, tiền đổ vào chữa bệnh cho mẹ lên đến hàng triệu. Những thứ có giá trị nhất trong nhà lần lượt ra đi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đắn đo, Diệu cắn răng gọi điện cho Tuyết.

Chỉ để giải quyết cái nghèo trước mắt

Con đường làm “gái bán thời gian” của Diệu bắt đầu từ đấy. Cô chỉ đến với những người đàn ông qua giới thiệu, quen biết, đàng hoàng, tri thức, tuyệt nhiên không “đi bậy” cùng người lạ. Cả năm trời nay, chồng Diệu vẫn tưởng vợ phải tăng ca như lời cô nói.

Trường hợp của Diệu không là duy nhất. Thanh Ngân, nhân viên bán tranh, cùng làm một lúc hai việc như Diệu. Cô lấy chồng được hơn 4 năm thì chồng cô bị tai nạn xe máy, bại liệt toàn thân, đến việc ăn uống cũng khó khăn. Cuộc hôn nhân đầy hoa mộng của cô nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Một tay cô phải gánh hết tài chính của cả gia đình.

Thương vợ, nhiều lần chồng cô nhịn ăn, muốn chết cho xong, để cô được giải thoát, nhưng Ngân cản.

Cô quyết định ở vậy, chăm sóc cho anh suốt đời. Tuy nhiên, nhiều đêm nằm cạnh anh, ôm chặt tấm thân bất động của chồng, trong lòng cô vẫn có một cái gì đó âm ỉ cháy.

Cách đây khoảng nửa năm, trong dịp tình cờ, cô gặp gỡ một họa sĩ vừa góa vợ. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, nghe cô tâm sự về hoàn cảnh và nỗi lòng, ông “đặt thẳng vấn đề: “Chỉ một đêm thôi. Tôi cũng không phải là kẻ trăng hoa, nhưng vợ tôi đã mất cả năm nay... Tôi sẽ không để cô thiệt thòi”.

Những khao khát bị đè nén cộng thêm thiếu thốn tiền bạc, Ngân đồng ý “lời đề nghị khiếm nhã”.

Thế là cô có thêm nghề tay trái. Sau đó, người họa sĩ ấy còn giới thiệu vài người bạn trong giới trí thức cho cô. Thấm thoát, cô làm “part-time” đã được 3 năm mà nào ai hay biết.

Những lúc nhìn lại, cả Diệu và Ngân đều thấy mình đã đi quá xa. Nhưng dừng lại? Không dễ! Thôi thì đành bao biện: “Họ toàn là người đàng hoàng. Cuộc sống mình cùng dễ thở hơn và đâu có ai hay. Đến đâu hay đến đó thôi!”.