Giới trẻ ngày nay: Biết kiếm tiền và xài tiền hợp lý

Khác với mươi năm trước, đại đa số bạn trẻ ngày nay lựa chọn làm việc nhiều để có nhiều tiền xài hơn là "ăn dè hà tiện". Dường như có một mẫu số chung cho giới trẻ TP ngày nay: Làm việc nhiều, đòi thù lao cao, nhưng lại có một thái độ phân minh, sòng phẳng về tiền bạc. Liệu có thể coi đó là một dấu hiệu lạc quan được không?

Đôi lần tán chuyện trà dư tửu hậu với giám đốc nhân sự của một số công ty đa quốc gia có tiếng trong TP, tôi chợt ngộ ra rằng giới trẻ bây giờ lúc đi xin việc rất thẳng thắn, đôi khi rất mạnh miệng và có vẻ đòi hỏi khi bàn đến lương tiền. Tò mò tôi thử làm một cuộc thăm dò mini, hóa ra những người trẻ, nam cũng như nữ, đúng là có xu hướng như thế. Cuộc thăm dò nho nhỏ này với non hai trăm phản hồi cũng làm sáng ra nhiều điều lý thú về những suy nghĩ và thái độ “tưởng-vậy-mà-không-phải-vậy” về tiền bạc của một lớp trẻ mới.

60% chọn công việc nhiều áp lực nhưng lương cao

Dù tỏ vẻ trung dung - không hẳn phản đối hay nhất trí - đối với ý kiến cho rằng chỉ chọn công việc dựa vào lương và bổng lộc, đa số cho biết không ngần ngại đòi được tưởng thưởng xứng đáng trong công việc. Nếu phải chọn giữa một việc hợp chuyên môn, ổn định nhưng ít tiền và một công việc nhiều áp lực nhưng thu nhập cao, 60% sẵn sàng chọn phương án sau, dù phải chấp nhận rủi ro. Hai phần ba trong số họ chấp nhận hy sinh mấy năm tuổi trẻ, làm việc với cường độ cao để có một lưng vốn kha khá. Quả là đáng mừng dù nhìn từ góc độ cá nhân hay tổng thể nền kinh tế.

Tiền chiếm bao nhiêu ngăn trong tâm tư bạn trẻ?Khoảng 84% nhất trí rằng tiền không phải là điều quan trọng nhất, nhưng cũng rất quan trọng đối với mình; đặc biệt đại đa số bạn nữ (91%) tâm đắc điều này.

Ngoài bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ các kỹ năng hành chính, văn phòng là những phương tiện không thể thiếu. Đa số  có từ hai chứng chỉ trở lên trong hồ sơ xin việc, thậm chí đó là những ngành học chẳng mấy liên quan đến nhau như sư phạm với kế toán, văn chương với quản trị kinh doanh. Có lẽ vì thế mà lúc đi xin việc, họ sẵn sàng và rất tự tin trong việc thương lượng mức lương bổng và các đãi ngộ. Những người trẻ tuổi này (khoảng hai phần ba trong độ tuổi rất đẹp: 26-30) hiểu rõ cái giá của mình trong lúc mặc cả ở “chợ lao động”. Điều này có thể là cú sốc lớn đối với những người đi trước, vốn đã quen cái nếp nghĩ còn lại từ thời bao cấp, khi mà có được việc làm đã là phúc lắm rồi còn lương tiền chỉ là hương là hoa.

Khoảng 60% người được hỏi đồng ý - nam mạnh miệng hơn nữ - rằng thu nhập thể hiện năng lực và nỗ lực của một người. Gần phân nửa tự hào với những thành công về công việc và tài chính của mình, nhưng ít ai muốn khoe mẽ. Phải chăng vì thế mà chỉ có khoảng một phần tư trong số họ cảm thấy túi tiền của mình bé hơn của bạn bè? Có vẻ như nam giới chịu nhiều áp lực đồng trang lứa hơn nữ giới; có đến 40% bạn nam (nữ: 14%) nghĩ rằng phần lớn bạn bè giàu có hơn mình.

Không đua đòi "bằng chị bằng em" với mọi giá

Không những có khả năng kiếm tiền và tự tin về khả năng đó, bạn trẻ còn tỏ ra biết xài tiền hợp lý, dù là để hưởng thụ một cuộc sống chất lượng, để chia sẻ với người thân, hay để phòng khi trái gió trở trời. Gần 90% cho biết thường không gặp khó khăn trong việc quyết định tiêu tiền ra sao. Khoảng ba phần tư đồng ý rằng chỉ chi tiêu trong khả năng của mình, không bao giờ đi vay mượn của ai; đặc biệt về mặt này, nữ tỏ ra căn cơ hơn nam (84% so với 63%). Cứ 10 người được hỏi, có đến 8 người hãnh diện là mình biết chăm lo cho gia đình (bố mẹ và/hoặc vợ (chồng) con).

Nhu cầu tiêu xài khá lớn - khoảng phân nửa xài từ một nửa đến ba phần tư thu nhập, và một phần tư xài từ 75% đến 90% thu nhập. Khác với mươi năm trước, đại đa số bạn trẻ ngày nay lựa chọn làm việc nhiều để có nhiều tiền xài hơn là “ăn dè hà tiện”. Đó là một sự thay đổi ghê gớm trong tư duy. Tuy nhiên, bạn trẻ trân trọng những đồng tiền do mình đổ mồ hôi kiếm được và biết chi dùng đúng mục đích. Chỉ có 17% tán thành là thích gì sắm đó, dù đôi khi đó là món không cần thiết. Về mặt này nữ có vẻ rộng rãi hơn nam: 63% nữ và 80% nam phản đối ý kiến trên.

Khác với quan niệm thường thấy về bạn trẻ làm việc ở những nơi có thu nhập cao (khoảng 70% bạn trẻ trong mẫu khảo sát của chúng tôi làm ở công ty nước ngoài), họ không phải cố đua đòi “bằng chị bằng em” với mọi giá. Đến 91% phản đối nhận định rằng bạn trẻ chỉ xài hàng hiệu, bất kể giá cả ra sao. Nhiều người trong số họ thú nhận mình ít có cơ hội để tiêu xài xa xỉ vì áp lực của công việc đem lại thu nhập cao đã ngốn hết thời gian rảnh rỗi dành cho mua sắm. Điều lý thú là cả nam lẫn nữ đều rất giống nhau ở điểm này.

71% cảm thấy không tằn tiện như bố mẹ

Bạn trẻ có vẻ không vững tâm lắm về chuyện tích cốc phòng cơ của mình. Khoảng 34% đồng ý và 40% lưỡng lự với ý kiến rằng mình tự hào về khả năng tiết kiệm của bản thân. Đặc biệt có đến 71% cảm thấy mình không tằn tiện như bố mẹ. Bạn nữ tỏ ra quan tâm nhiều hơn về chuyện dành dụm: Tuy có vẻ biết tiết kiệm hơn nam giới, đến 80% bạn nữ thấy thua xa các bậc tiền bối về chuyện chi tiêu dè xẻn. Biết kiếm ra tiền, biết chi tiêu đúng mực, nhưng dường như bạn trẻ vẫn ước vọng càng giàu càng tốt. Khoảng phân nửa mơ được là tỉ phú và có lắm tiền để xài thỏa thích.

Khác với quan niệm thường gặp: “Đồng tiền là chìa khóa mở được mọi cánh cửa, kể cả đi vào con tim người khác”, chỉ có 24% đồng ý rằng có tiền sẽ được người ta trọng.

“Share đi!”. Cạnh bàn tôi ngồi hôm qua có một đôi bạn trẻ, cô gái dứt khoát đòi “cưa đôi” số tiền uống nước với bồ. “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Dường như có một mẫu số chung cho giới trẻ TP ngày nay: Làm việc nhiều, đòi thù lao cao, nhưng lại có một thái độ phân minh, sòng phẳng về tiền bạc. Liệu có thể coi đó là một dấu hiệu lạc quan được không?