Hạnh phúc cũng cần phải học
Làm thế nào để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc? Câu trả lời chia sẻ từ ba chuyên gia tư vấn tâm lý đã gặp nhau ở cùng một điểm: Hạnh phúc cũng cần phải học
Học làm vợ chồng
ThS Nguyễn Thị Tâm, giám đốc trung tâm đào tạo Hồn Việt.
Dù bạn định nghĩa hạnh phúc là gì và chọn con đường đi đến hạnh phúc như thế nào thì điều đầu tiên là mỗi người cần phải nhận thức đúng đắn về cuộc sống. Cuộc sống luôn luôn biến đổi, là cơ hội, là thách thức. Bạn muốn là một người cân bằng trong cuộc sống mà cứ lao theo những cơ hội và thách thức đó thì bạn có cơ hội để đạt được hạnh phúc hay không? Bạn phải vạch ra một chiến lược của cuộc đời và chọn giá trị nào là giá trị cốt lõi của mình.
Để duy trì một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, điều đầu tiên người ta phải nhận thức rằng nó vô cũng khó khăn. Muốn có hạnh phúc, mỗi người phải ý thức luôn luôn giữ gìn, đầu tư cho nó. Nếu chọn cuộc sống gia đình là trên hết thì phải nghĩ hạnh phúc gia đình là một thứ nhìn không thấy, nhưng vừa là tinh thần, vừa là vật chất cụ thể, nó không phải là cái mình không thể sờ mó được. Hạnh phúc như cái thể lý của mình, ngày nào cũng phải ăn, nếu không ăn thì không sống được, có cảm xúc thì mới có hạnh phúc.
Tại sao nhiều bạn trẻ không thấy hạnh phúc ngay trong tuần trăng mật? Bởi vì khi người ta không có thái độ thích hợp, thích đáng cho cuộc sống hôn nhân. Hai cá thể độc lập ghép lại thành một cuộc đời chung và cực kỳ khó khăn trong sự tương thích. Thời kỳ tiền hôn nhân tìm hiểu rất sơ sài, tìm hiểu cái bản chất bên ngoài, thấy anh ta đẹp trai, con nhà giàu… là lấy chứ không biết cái bản chất bên trong cốt lõi.
Trong quá trình tìm hiểu yêu đương, bạn trẻ phải tìm hiểu thật kỹ xem hệ thống giá trị của hai người có hợp nhau hay không: gia đình gia giáo hay gia đình hiện đại, có làm dâu được hay không, có đủ khả năng để mình thích ứng với gia đình không…, chứ không chỉ rung động, thích là cưới. Nếu cuộc sống hôn nhân đổ vỡ, nó ảnh hưởng đến sự thành bại trong cuộc đời của cá nhân ấy rất lớn. Trước khi kết hôn, bạn trẻ phải học làm vợ làm chồng để biết xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
ảnh Đức Nguyễn
Tôn trọng, bao dung
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, giảng viên trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, điều đầu tiên là phải dựa trên tình yêu và hạnh phúc. Cả hai người phải xác định xem nó có phải là tình yêu hay không, điều này cần có thời gian tìm hiểu sâu sắc và hết sức nghiêm túc, không nóng vội. Ngày nay nhiều bạn trẻ sống nhanh, sống gấp nên mới thấy có cảm giác rung động, cảm giác thích đã nhầm lẫn nó là tình yêu.
Điều hết sức thực tế để có cuộc hôn nhân hạnh phúc là phải dựa trên khả năng kinh tế của hai người cũng như những người có liên quan để có thể chọn một cái đám cưới phù hợp và chọn lễ cưới sao cho hiệu quả, vừa tầm với khả năng.
Khi chung sống trong một gia đình, hai cá thể phải tạo ra sự dung hoà trong cuộc sống, ví dụ: trước khi tiến đến hôn nhân mỗi người sống như thế nào cũng được, nhưng sau khi kết hôn, mỗi người cần phải điều chỉnh những thói quen và phải dự phòng những tình huống cần thiết để hai người thích ứng với nhau.
Bạn trẻ cần phải học những kỹ năng để giải quyết những mâu thuẫn, những xung đột, sự khác biệt và tránh những hiểu lầm đang tiếc xảy ra. Tuy nhiên, phải tôn trọng sự riêng tư của nhau, biết bao dung và tha thứ để cùng vun đắp, xây dựng hạnh phúc gia đình.
Đừng xao nhãng chăm chút tình yêu
Bà Lý Thị Mai, giám đốc công ty tâm lý học ứng dụng TP.HCM.
Hạnh phúc luôn vô tư và hồ hởi đến với mọi nhà, vấn đề còn lại chỉ là ở chỗ chúng ta có biết trân trọng đón chào và hết lòng bảo vệ hay không. Hình như có bao nhiêu người thì cũng gần như có bấy nhiêu hệ thống tiêu chí định lượng và định tính, nhưng giữa vô vàn sự khác nhau đó, ai cũng đều có thể dễ dàng nhận ra một số nét đồng nhất trong quan niệm về hạnh phúc của hôn nhân.
Trước hết, hạnh phúc chỉ thực sự có khi người ta kết hôn chỉ vì tình yêu nồng nàn và sâu sắc. Nếu kết hôn vì bất cứ một lý do nào khác thì cao lắm họ cũng chỉ tạo lập được một cuộc sống chung yên ả chứ chưa phải là đã thực sự có hạnh phúc. Không có gì đẹp như tình yêu mà cũng chẳng có gì dễ dàng tan vỡ như tình yêu, bởi vậy, chăm chút cho tình yêu là việc không được quyền sao nhãng.
Trong hôn nhân, gắn bó đến mức không thể nào tách rời tình yêu là tinh thần trách nhiệm cao cả. Chân thành bàn bạc và bảo ban nhau thực hiện tốt đẹp hàng loạt những công việc không tên của đời thường, có lẽ không nên coi là nghĩa vụ mà hãy cố gắng biến thành niềm vui thực sự và tự nhiên của hai vợ chồng. Thành công cùng chung hưởng, thất bại cùng sẻ chia, trung thực và chân thành trong mọi ứng xử. Vợ chồng là như vậy. Kết hôn với nhau nghĩa là ít nhất, trí tuệ được nhân đôi, vẻ đẹp tâm hồn cũng được nhân đôi, nếu không có được phép nhân đó, hạnh phúc sẽ khó mà bền vững.
Gia đình hạnh phúc phải là gia đình lao động chân chính, chỉ sống bằng những khoản thu nhập thơm tho do hai vợ chồng làm ra. Thực tế cho thấy rất rõ rằng, chỉ những người lao động mới hiểu hết giá trị của lao động. Kẻ ăn bám chỉ có những niềm vui giả tạo trong nhất thời chứ không bao giờ có hạnh phúc. Quá trình lao động cũng chính là quá trình tự khám phá những giá trị của bản thân. Khi không còn tìm thấy giá trị của chính mình nữa, người ta dễ có những ứng xử rất đáng lo ngại.
Trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế tri thức đã khẳng định được vị trí chủ đạo lớn lao thì hạnh phúc gia đình cũng luôn đi đôi với ý chí không ngừng học hỏi để vươn lên. Học chuyên môn. Học nghiệp vụ. Học văn hoá giao tiếp. Học tất cả những gì cần học và có thể học. Học để thấy mình chẳng những không bị lạc lõng mà còn hoà nhập rất tự nhiên với nhịp sống mới.
Cuối cùng, hạnh phúc trong hôn nhân không bao giờ tồn tại biệt lập với ý thức gắn kết và tinh thần chung lo cho hạnh phúc, cho sự bình an của cộng đồng. Hình như có ai đó đã nói rằng, trong trường hợp này, cho cũng chính là nhận vậy.