Hào hứng với đua xe mô hình
Xe hơi mô hình tuy có kích thước nhỏ nhưng tỉ lệ và thông số kỹ thuật, tốc độ có thể đạt được y như xe thật. Chính tốc độ của nó mang lại cho người chơi cảm giác tuyệt vời khi xe “bay” qua những địa hình mấp mô và lao thẳng về phía trước...
Sáng 21-8, giới chơi xe mô hình Việt Nam lần đầu tiên tổ chức một giải đua xe mô hình có tầm quốc tế với sự tham gia của 2 khách mời là đội Hong Nor (Singapore) và đội Run Speed (Indonesia).
Lướt như bay
Kết quả, chức vô địch của 2 bảng thi đấu chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp đều thuộc về 2 đội khách. Tay đua Singapore Augustin, 25 tuổi, vô địch bảng thi đấu chuyên nghiệp, nhận xét: “Các tay đua VN chơi tốt nhưng về kỹ thuật cần được hướng dẫn thêm, cần cọ xát hơn nữa trong những giải quốc tế để học hỏi kinh nghiệm”. Nhìn chiếc X1-CR (giá khoảng 400 USD), tốc độ tối đa khoảng 70 - 80 km/giờ của Augustin lướt như bay trên đường đua, hầu như ít gặp phải những trục trặc như xe các đối thủ khác, mới thấy yếu tố kỹ thuật của người chơi cực kỳ quan trọng. Đức Thắng, một thành viên chơi xe mô hình, cũng khẳng định điều này, bởi theo anh 50 % yếu tố quyết định thắng lợi của người chơi trên đường đua thuộc về người chơi, 40% thuộc về xe và 10% là sự may mắn.
200 thành viên nhiều quốc tịch
Nổi tiếng về chơi xe mô hình ở TPHCM phải kể đến Hoài Phi, kỹ sư vi tính và thạc sĩ mạng ở Úc khi mới 25 tuổi, về nước năm 2003 thì tháng 7-2004 đã lập ra nhóm chơi xe mô hình TY 1 vì quá ham mê môn chơi này. Hoài Phi cho biết hiện nay nhóm có khoảng hơn 200 thành viên tham gia với 20 tay đua, có cả người nước ngoài: Úc, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... với đủ nghề nghiệp: sinh viên, kỹ sư, kiến trúc sư, phóng viên, doanh nhân... Hoài Phi hiện đang sở hữu chiếc MBX5 có tốc độ trên 100 km/giờ, giá khoảng 2.000 USD.
Nhưng xét về thành tích thì không thể không nhắc đến “tay đua kiệt xuất” Dương Đức Thắng, 28 tuổi, nhân viên kỹ thuật xe mô hình. Sau 8 năm chơi máy bay và ca nô mô hình, bị gãy và chìm cả chục chiếc, đến năm 1999, Thắng bắt đầu làm quen với xe đua mô hình. Giá một chiếc xe mô hình như thế không phải rẻ, Thắng kể anh đã phải dành dụm suốt 2 năm mới mua được một chiếc “xe độ” cũ do Đài Loan sản xuất từ một người bạn với giá hơn 2 triệu đồng. “Nhưng chính nhờ chiếc xe đó cùng với khoảng thời gian dài say mê tập luyện mà tôi đã dẫn đầu cuộc đua do giới chơi xe ở TPHCM tổ chức ở Thủ Đức vào năm 2002” - Thắng tự hào khoe về chiếc xe quý của mình. Tính đến nay những cuộc đua như thế được tổ chức 5 lần và trong đó hết 3 lần chiếc cúp vô địch thuộc về Thắng.
Bỏ tiền tỉ xây đường đua
Chơi xe mô hình mà không có đường đua thì còn gì là... chơi! Để thỏa mãn cho thú chơi này, cách đây vài tháng anh Nguyễn Ngọc Hoan, Chủ tịch câu lạc bộ TY1, đã cùng Hoài Phi chung sức bỏ tiền tỉ ra để xây dựng đường đua xe mô hình rộng 1.500 m2 tại Tân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - TPHCM. Đường đua có cả các đường nhánh cho trạm tiếp nhiên liệu, khu chuẩn bị để cân chỉnh xe trước khi đua... được giới chơi xe đánh giá là đạt chuẩn.
Chưa hết, người chơi còn chi ra những khoản khá tốn kém. Ngoài tiền mua xe và bộ điều khiển dành cho xe địa hình, loại thường khoảng 200 USD, người chơi xe còn tốn tiền mua nhiên liệu, dầu bôi trơn, bảo trì xe sau mỗi lần chơi (chuyện các xe đụng vào nhau, đâm vào rào chắn... là chuyện thường tình trên đường đua). Anh Lưu, người có hơn 5 năm gắn bó với thú chơi này, cho biết thêm: người chơi xe thường không thích chơi xe “zin” bao giờ, mà thường thay đổi những bộ phận của xe hay tự lắp ráp xe theo ý thích của mình.
Từng đi nhiều nước trên thế giới, được tận mắt chứng kiến nhiều giải thi đấu quốc tế tầm cỡ dành cho những người chơi xe mô hình, Hoài Phi ấp ủ vào giữa tháng 9 tới, anh và các bạn sẽ khai trương sân đua đường nhựa đầu tiên dành cho những người chơi xe mô hình tại Trường đua Phú Thọ.
Tự phát
Theo những thành viên đội Run Speed (Indonesia), môn chơi xe mô hình hiện rất phổ biến trên thế giới. Riêng ở Indonesia, Hiệp hội RCC (Radio Control Car) đứng ra bảo trợ các tay đua về kỹ thuật lẫn tài chính và giúp tổ chức các giải đấu quốc tế mỗi năm với giải thưởng lên đến hàng ngàn USD. Hằng tuần, cứ đến chủ nhật, những người chơi xe mô hình ở TPHCM và các tỉnh lân cận lại tập trung về Hóc Môn với những chiếc xe mô hình đủ loại. Du nhập vào VN từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng những nhóm chơi, câu lạc bộ xe mô hình như thế này hiện vẫn chỉ là tự phát. TPHCM hiện có khoảng hơn 300 người chơi môn giải trí này với 6 nhóm chính là: TY1, Nguyễn Toy, Lê Minh Xuân, TLC, Mishushibi và Mây Lang Thang. |