Hậu ly thân

Ly thân là một giải pháp khi lửa tình đã tắt trong cuộc sống hôn nhân. Nhưng tro tàn thì vẫn có than hồng. Liệu người trong cuộc sẽ khơi lên ngọn lửa yêu thương hay lại để than kia chỉ một lần lóe sáng?

Chọn giải pháp ly thân là những người có trách nhiệm với gia đình, con cái. Trong thâm tâm, ít nhất một người luôn muốn hàn gắn và cứu vãn hạnh phúc. Nẻo đường ly thân giúp hai người nhìn nhận lại mối quan hệ, nhìn lại bản thân để từ đó tìm ra con đường sáng cuối cùng. Bởi thế, mối dây liên hệ con cái, những quyến luyến tình cảm  trong thời gian này luôn là con dao hai lưỡi nếu không biết khéo léo điều chỉnh.

 

Sóng ngầm bủa vây

 

Ly thân là một hình thức sống riêng (không ăn ở chung, không quan hệ chăn gối nhưng vẫn phải có trách nhiệm với gia đình, con cái) của hai vợ chồng. Như vậy là để giảm thiểu những va chạm, mâu thuẫn, tuy nhiên không phải đôi vợ chồng nào cũng có một cuộc sống ly thân đúng nghĩa, xuôi chèo mát mái. “Ly thân nhưng chúng tôi vẫn phải gặp gỡ nhau hằng ngày vì... làm chung công ty, thế nên đôi khi có chuyện gì ấm ức, thấy mặt không nhịn được thế là vẫn lôi nhau ra hành lang, quán cà phê gần đó mà dằn vặt”. Chị V. Hằng, nhân viên kế toán một công ty TNHH, than thở.

Con cái cũng là một mối dây ràng buộc khá chặt chẽ khiến việc ly thân đôi khi dở dở ương ương. Anh T. Long, kỹ sư nhà máy thủy điện ở Đồng Nai, dù đã dọn ra sống riêng, thỏa thuận với vợ là sẽ bảo với đứa con trai “ba đi công tác xa” để con không bị tổn thương nhưng anh quá gắn bó với con, khoảng 2-3 ngày xa nó là anh không chịu nổi. Giờ thì sống chung nhà không xong, ở riêng cũng không được, anh vò đầu bứt tóc chẳng biết giải quyết thế nào cho ổn thỏa.  

img
Bếp lửa tình yêu có nguội lạnh hay không tùy thuộc vào tình cảm cả hai người. Ảnh: Corbis

Nan

giải hơn là có nhiều cặp vợ chồng không có điều kiện ra riêng, chọn giải pháp ly thân chung nhà. Họ vẫn ăn chung mâm bát nhưng phân chia giang sơn, lãnh thổ rõ ràng, việc ai nấy làm, hồn ai nấy giữ. Nhưng liệu có “giữ” được không khi bản tính con người vốn tò mò và ích kỷ. Bởi ly thân không phải là ly hôn nên họ vẫn cho mình quyền hạn kiểm soát cuộc đời nhau. “Bất cứ động tĩnh gì của tôi đều được cô ấy dò xét và ghim gút, thành ra tình hình ngày càng tệ hơn”- anh M. Khánh, một tiểu thương ở Tân Uyên (Bình Dương), thở dài.

Bàn về những tình trạng ly thân mà vẫn không được yên, các chuyên gia tâm lý đã có lời khuyên: “Ly thân không phải là bước đệm của ly hôn, nên mỗi người trong cuộc phải có ý thức về hành vi cũng như cách hành xử của mình. Hãy cho nhau một không gian mới và tôn trọng cuộc sống riêng tư của nhau trong thời gian này.” Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ dàng chút nào.

 

Khơi than dưới đám tro tàn

 

Cơ hội hàn gắn trong thời gian ly thân không phải là không có, nếu người trong cuộc biết cách. Nhóm lại bếp lửa sau những tàn tro không dễ, đòi hỏi người nhóm phải khéo léo. Bởi đôi khi cời được than hồng nhưng có người lại để nó tắt ngúm như trường hợp của chị T. Minh, chủ hiệu sách ở TP Vũng Tàu. Vợ chồng chị tuy sống ly thân, nhưng được cái vẫn thăm nom, chăm sóc con cái. Hôm đó, anh ghé nhà chị thì bị trúng gió và nghỉ lại. Cạo gió cho anh xong, anh và chị đều... không kìm được lòng mình. Chị cũng nghĩ, nếu cơ hội này mà có một đứa con, chồng chị sẽ về lại bên gia đình. Đến giờ chị mới biết đó là sai lầm, bởi “Anh ấy có trách nhiệm, dọn về chung nhà nhưng tình cảm thì không còn vì cứ nghĩ mình đang bị... bẫy”. Quả vậy, trong khi mâu thuẫn chưa giải quyết xong, lại thêm một sợi dây ràng buộc không đúng lúc, mọi chuyện lại càng thêm rối rắm.

Khôn ngoan hơn, vợ của anh T. Long lại tận dụng lợi thế là con trẻ để kéo anh về với gia đình. Biết anh thương con, chị thường nhắc con gọi điện thoại cho anh, sẵn thêm vài câu thông báo về tình hình của mẹ, đại loại như: “Ba, hôm nay con thấy mẹ lục ảnh ba, để đầy bàn”, hay thỉnh thoảng vẫn nhắn tin nhờ anh đón con hộ rồi rủ hai cha con đi ăn, đi chơi. Trong những lần như thế, chị tìm cách gợi chuyện, xóa bỏ những vướng mắc, cuối cùng sau một thời gian gia đình chị đã đoàn tụ.

Thời gian ly thân có thể nói là thời gian tự do nhất trong đời sống vợ chồng. Bếp lửa tình yêu sẽ rực lửa sau đó hay nguội lạnh đều tùy thuộc vào ý thức, trách nhiệm và tình cảm của đôi bên. Đừng bao giờ nghĩ đây là bước đệm của  ly hôn. Hãy nắm lấy cơ hội này và “yêu lại từ đầu” bằng những cách hâm nóng tình cảm khác nhau đã bị lãng quên. Nhìn nhau như chưa từng có ràng buộc, chăm sóc nhau từ xa, bao dung, tha thứ... đều là những ngọn gió lành giúp cho đốm than hồng dưới đám tro tàn bừng sáng.