Khi con trẻ nói hỗn với người lớn

Từ 10 đến 12 tuổi các em thường tỏ thái độ thách thức để thể hiện ý muốn độc lập tự chủ. Có lúc nói ra lời cằn nhằn phê phán bố mẹ, lúc đó là các em muốn tỏ ra mình bất cần người lớn.

Như vậy hơi sớm, nhưng rõ ràng tuổi thiếu niên đã gần kề và các em cảm thấy cần phải nhanh chóng rời khỏi vòng tay bố mẹ. Vì không ý thức được điều mình cảm nhận, em chọn ngôn ngữ để diễn đạt là thái độ xấc láo trêu ngươi.

Thái độ ấy nhằm hai mục đích: Thoát khỏi khuôn khổ giáo dục trước đây và làm ngược lại các điều bố mẹ dạy bảo. Em dùng lời cục cằn vô lễ tỏ cho mọi người hiểu rằng: “Từ nay tôi muốn nói gì thì nói, không ai cấm được tôi”.

Theo em thái độ khiêu khích chứng minh sự độc lập và khoảng cách của em đối với bố mẹ. Em không biết rằng chuyện tách ra là một vấn đề phức tạp, vì ở tuổi thiếu niên tâm lý còn lắm mâu thuẫn, một mặt muốn tự do hành động, thoát khỏi mọi ràng buộc, mặt khác lại có nhu cầu được bảo vệ che chở.

Chính những em hỗn láo nhất là những em ít có tính độc lập cao. Tâm lý này dẫn đến thái độ chống đối người lớn để tự tìm chỗ đứng. Vì vậy sự hỗn xược vừa là bức rào chắn những cảm xúc hỗn loạn đang giày vò em, vừa là biện pháp để em tự khẳng định mình và phát triển cá tính.

Trong mỗi cuộc tranh luận, đáng lẽ phải hiểu mình thực sự muốn gì và tìm lý lẽ để bày tỏ thì em lại giở ra... những câu nói hỗn. Nhưng thái độ thích hợp nhất là người lớn phải bình tĩnh nghe em nói, rồi chuyện trò với em để em khỏi thốt lên thêm những lời hỗn xược, với phong độ ôn hòa để tránh những bi kịch, trao đổi cách xây dựng để cho em nguôi dần.

Cũng có thể áp dụng chiến thuật khác vờ như không nghe thấy, và bước ra chỗ khác. Khi cơn bực đã qua cần trở lại thái độ giáo dục nghiêm túc. Người bố có thể nói: “Bố yêu cầu con không được nói năng với mẹ kiểu đó, vô lễ như vậy là xấu, không thể chấp nhận được”. Hãy chỉ cho em thấy những gương tốt và cách nói năng trong nhà xưa nay không hề có những câu tương tự.

Ai làm bố mẹ đều hiểu rằng mình phải răn dạy con đến nơi đến chốn, nhưng cũng cần thấy đôi lúc, dù thật là khó khăn, phải chịu đựng sự khiêu khích và hỗn xược của con mình. Không nên cáu giận và đánh đập con mà phải kiên trì bảo ban.

Những cuộc trao đổi kinh nghiệm về mặt này với các bậc cha mẹ khác có thể mang lại bài học hay, rồi ai cũng sẽ nhận ra một điều bổ ích. Tuổi thiếu niên đều trải qua cơn khủng hoang đó. Chứng kiến nó với nụ cười sẽ làm cho bạn nhẹ nhõm tinh thần và nhất là giúp bạn tự mình xác định khoảng cách thích hợp nhất đối với con trẻ.