Khi nàng khoe rốn

Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, có dạo nổi lên mốt đàn ông một số nước mặc áo sơ mi bỏ ra ngoài quần và không thèm gài nút bụng. Vì đây chỉ là mốt nhất thời nên sau đó sở thích mặc áo lòi rốn trở thành “đặc quyền” không phải chỉ dành riêng trẻ con mà còn cho các cô gái

Quả thế, những nhà thiết kế thời trang ngày nay thường cố ý làm cho lai áo các cô phải ngắn lên còn cạp quần phải trễ thấp xuống, cốt làm sao phơi bày được khoảnh da bụng nõn nà.

Thật ra, ở một số nước phương Tây, việc khoe rốn vẫn bị xem là cấm kỵ bởi lẽ người ta nhìn thấy chỗ lõm nơi rốn nổi lên giữa phần da bụng trơn láng, căng tròn mỡ màng của cô gái chính là một hình ảnh gợi dục. Điều này hoàn toàn trái ngược với áo saris truyền thống của phụ nữ Ấn Độ và Pakistan, vì saris thường hào phóng chừa ra trọn phần bụng từ ngang eo cho tới sát phía dưới ngực. Chính vì tính cách khêu gợi của saris mà các họa sĩ Ấn Độ đã không thể bỏ sót nó mỗi khi vẽ tranh minh họa cho quyển Kama sutra (Kinh yêu đương) của Mallanaga Vatsyayana, hướng dẫn về thuật phòng the, viết từ thế kỷ 4 trước công nguyên.

img
Áo saris truyền thống của phụ nữ Ấn Độ và Paki-stan phô bày bụng và rốn

Lần hồi, khi xã hội đã chấp nhận hình ảnh con gái mặc áo lòi rốn thì các cô bèn tiến xa thêm một bước, đó là đeo khoen cho rốn hay cẩn thêm vài cái hột nho nhỏ, lấp lánh bao chung quanh lỗ rốn. Cách trang điểm cho rốn như thế mặc nhiên đã phản ánh thái độ khiêu khích của các cô. Các cô gái trẻ ngày nay chẳng thèm giấu giếm quyền năng khêu gợi tính dục của họ nữa. Dường như họ quan niệm rằng tuổi xuân chóng qua, sắc đẹp mau tàn, vậy dại gì mà không tranh thủ khoe của khi chị em đang còn cơ hội.

Về phương diện cơ thể học, cái rốn đơn giản chỉ là một vết sẹo nằm trên bụng. Nó hình thành sau khi đứa trẻ lọt lòng mẹ và được bà đỡ cắt lìa dây rốn (umbilical cord). Rất nhiều người có rốn lõm (innie) nhưng không hiếm trường hợp rốn lồi (outie).

Dù lồi hay lõm, cũng không có hai cái rốn nào giống hệt nhau, ngay cả đối với trẻ sinh đôi. Tóm lại, cái sẹo ở bụng chả có chức năng gì đặc biệt. Nhưng rồi người ta lại thấy dường như không hẳn vậy.

Có một thời ở vài địa phương miền Nam người ta từng nghêu ngao rằng:

Tóc em dài anh cài bông bí,

Rốn em lồi anh để ý anh thương.

Tuy bông phèng nhưng câu hát ấy dường như có liên hệ tới tính gợi dục của cái rốn.

Chính người Ấn Độ thời cổ đại đã sớm phát hiện ra cái rốn có tính năng hậu thuẫn cho đôi rồng phượng tác chiến được thêm hứng thú. Vì thế trong lúc bày vẽ các bí quyết chăn gối, tác giả quyển Kama sutra khuyên đàn ông Ấn Độ hãy biết dùng lòng bàn tay vỗ nhẹ lên rốn của bạn tình vào hai ngày mùng 7 và mùng 9 âm lịch để tạo ra hiệu quả đáp ứng được lòng ham muốn của khách hồng nhan tri kỷ.

Ở phương Tây, các bậc thầy trong nghề quảng cáo thương mại chẳng hề lơ đễnh chút nào trong việc nắm bắt xu hướng tính dục của con người. Cái rốn các cô sớm lọt vào tầm ngắm, và họ đã khai thác hình ảnh rất gợi cảm của nó để quảng cáo cho một sản phẩm chẳng liên quan tí gì tới cái rốn!

Thật vậy, năm 2004 trên khắp nước Đan Mạch xuất hiện những tấm bảng to tướng quảng cáo bia Cult Shaker. Shaker (người lắc) do động từ shake (lắc), thế nên trên quảng cáo hiện rõ ba chữ “Shake it baby!” (Lắc nó đi cưng!) màu trắng, tương phản với nước da nâu dòn của một cô gái. Nàng bị giấu mặt vì nhà quảng cáo chỉ muốn nhấn mạnh ở phần ngực quá gợi dục và lỗ rốn được cẩn khá nhiều hột.

Đan Mạch là một nước Bắc Âu thường được xem là xứ sở có quan niệm tính dục rất thoáng. Thế nhưng quảng cáo này đã gây nên xì-căng-đan. Dân chúng phàn nàn và kiến nghị ráo riết. Cuối cùng chính quyền phải ra lệnh tháo dỡ hết các quảng cáo bia Cult Shaker.