Làm gì khi con sa ngã?
Ở tuổi mới lớn, các em rất cần người có kinh nghiệm, tin cậy để lắng nghe, sẻ chia và định hướng. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu điều này để trở thành người bạn đồng hành của con
Hiện tượng một bộ phận giới trẻ tìm đến những thú vui qua ma túy, yêu cuồng, hưởng vội và quan hệ tình dục bừa bãi không còn hiếm. Thực tế nhiều em không đủ kinh nghiệm để ý thức được hành động của mình là sai trái, nguy hại.
Vượt qua cú sốc
Không ít trường hợp các em sa ngã chỉ vì tự ái trước lời thách đố và chê bai của bạn bè. B.Tr., 17 tuổi, quý tử của chị D. (Tân Bình- TPHCM) là một trong số đó. Vốn là giáo viên nên chị kèm con rất chặt. Ở trường B.Tr. học giỏi, ngoan hiền nhưng được các bạn gọi là... gà công nghiệp! Hằng ngày, trước sự trêu đùa, thách thức của bạn bè, B. Tr. chỉ cười mà không hề phản ứng. Cho đến hôm sinh nhật của cô bạn học, cháu bị nhóm bạn bày trò để “luộc gà”. Chị D. nói trong nước mắt: “Thấy con có những dấu hiệu bất thường, tôi gạn hỏi nhưng nó tỏ ra bực bội, thậm chí cau có. Bí mật kiểm tra sổ tay, tôi tá hỏa khi biết đêm sinh nhật ấy, tụi nhỏ đã cắn thuốc và chơi tới... Z. Con tôi tỏ ra mặc cảm khi bị bạn bè cho là thiếu kinh nghiệm ở chốn tình trường”.
Sau hai tuần mở diễn đàn Sống buông thả, giới trẻ sẽ về đâu? Chúng tôi nhận được rất nhiều bài viết cũng như ý kiến về vấn đề bức xúc này. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, theo dõi của bạn đọc trong suốt thời gian qua. Chúng tôi xin khép diễn đàn này tại đây, mong tiếp tục nhận được sự cộng tác ở các diễn đàn kế tiếp... |
Cùng chung tâm trạng đau đớn, hoang mang ấy là trường hợp của chị H.M. ở Phú Nhuận. Vợ chồng chị ly hôn. Vượt qua nỗi đau tan vỡ, chị lao vào kiếm tiền nhằm bảo đảm cuộc sống của hai mẹ con và coi đó như sự bù đắp. Con chị, cháu H.H., năm nay 16 tuổi, được hưởng một cuộc sống vật chất sung túc, học trường quốc tế. Trong một lần tự tay dọn phòng cho con gái, chị chết lặng khi những vỏ thuốc tránh thai khẩn cấp nằm trong hộc đựng sách vở lộ ra. Không biết làm sao để bắt đầu cuộc nói chuyện vô cùng tế nhị với con, chị chỉ còn biết tìm đến nhà tư vấn tâm lý. Chị thổn thức: “Tôi cứ nghĩ tụi nhỏ đến học nhóm. Nào ngờ...”.
Đừng biến con thành người lạ
Theo phân tích của chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, thời mở cửa, bên cạnh những cơ hội, cuộc sống của giới trẻ nói riêng chịu sự tấn công của các nền văn hóa. Chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để thẩm định, chọn lọc, trong khi tâm lý của lứa tuổi này là sẵn sàng tiếp nhận, tò mò và khám phá cái mới, các em như chiếc thuyền nhỏ lần đầu ra biển, chẳng biết sóng to biển lớn là gì.
Trong khi đó, bố mẹ lại không có thời gian chăm sóc, mải mê lao vào kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp. Con cái trở thành người lạ trong nhà. Trong nỗi cô đơn, buồn chán ấy, các em dễ dàng tìm đến với nhau, kết bè, kéo nhóm. Cuộc sống bên ngoài luôn đầy sức cám dỗ. Ma túy, thuốc gây nghiện, rượu ngoại, thuốc ngừa thai... mua rất dễ dàng. Tệ hơn, việc đi vũ trường, vào nhà nghỉ, nạo phá thai trở nên phổ biến.
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, lối sống buông thả, dễ dãi của một bộ phận giới trẻ hiện nay là hậu quả của sự thiếu quan tâm và giáo dục con cái kéo dài cộng với tác động dữ dội của những yếu tố tiêu cực ngoài xã hội. Không ít phụ huynh thiếu những kỹ năng để trở thành người bạn, định hướng đúng cho con. Khoảng cách giữa bố mẹ, con cái vốn đã xa, khi biết con hư thông thường họ lại nổi giận và trút giận chứ không tìm được sự đồng cảm, sẻ chia và giúp con thoát khỏi con đường tối.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, các bậc phụ huynh cần phải thấy rằng cho con cái ăn cái mặc trong thời đại này chưa đủ mà cần phải định hướng, dạy cho con một lối sống lành mạnh thông qua lao động, học tập, vui chơi hữu ích. Và điều cần thiết là phải trang bị cho con những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm để con trẻ đủ sức đề kháng trước những cám dỗ. Nếu không may, con bị trượt ngã ở tuổi mới lớn, chính các bậc phụ huynh phải tự nhìn nhận lại cách quan tâm, dạy dỗ con của mình. Và điều cần thiết là phải thật sự bình tĩnh, tránh chỉ trích, lên án để giúp con vượt qua lỗi lầm bằng tình yêu thương, chia sẻ và cảm thông.
Giới trẻ ít có cơ hội tự khẳng định Thạc sĩ Lê Minh Tiến (Giảng viên xã hội học) Giới trẻ, nhất là giới trẻ đang ở độ tuổi dậy thì dù ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ nền văn hóa nào cũng đều có nhu cầu muốn khẳng định rằng “tôi đã lớn, tôi không còn là trẻ con nữa”. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho giới trẻ tự khẳng định và nhận được thừa nhận của những người xung quanh về sự trưởng thành của mình là điều cực kỳ cần thiết để các em không rơi vào những hành vi nổi loạn. Bởi nổi loạn là gì, nếu không phải là kết quả của sự phản ứng của các em trước sự không thừa nhận từ phía người lớn về sự trưởng thành cũng như sự độc lập trong suy nghĩ của các em. Như vậy, nếu giới trẻ có sự nổi loạn thì trách nhiệm phần lớn thuộc về phía gia đình và xã hội chứ không phải từ bản thân các em. Hãy nhìn từ phía xã hội, liệu hiện nay chúng ta đã tạo ra đủ những điều kiện, những cơ hội cho giới trẻ khẳng định mình cũng như giải phóng được nguồn năng lượng dồi dào của các em chưa? Câu trả lời là chưa. Các hoạt động Đoàn chủ yếu là dành riêng cho đối tượng là đoàn viên chứ chưa lan tỏa đến toàn bộ giới trẻ trong xã hội. Các “sân chơi” dành cho giới trẻ cũng cực kỳ hạn chế. Chúng ta thấy quận, huyện nào cũng có nhà văn hóa nhưng hãy quan sát xem ở những nơi này có các hoạt động gì để giới trẻ có hứng thú tham gia? Những sân chơi dành cho các hoạt động thể thao, vốn được xem như là cách thức tốt để giới trẻ có cơ hội khẳng định mình cũng như giải phóng năng lượng cũng thật hiếm hoi và nếu có thì các em phải trả tiền mới có thể tiếp cận được. Gần nhà tôi có một bãi đất trống, chiều chiều có hàng chục thanh niên tụ tập cùng nhau đá bóng, nhưng sau đó người ta cho đổ xà bần và thế là họ mất một sân chơi lành mạnh. Thử hỏi, hàng chục thanh niên đó bây giờ mỗi buổi chiều sẽ làm gì, nếu không phải là sẽ đến các quán cà phê, các tiệm Internet để giải trí và con đường để đi đến những hành vi lệch lạc chắc chắn sẽ gần hơn rất nhiều. Về phía gia đình, các bậc phụ huynh hình như luôn có thái độ xem thường các em dù các em đã lớn, đã có suy nghĩ riêng. Không tìm được người đồng hành trong gia đình thì các em phải đi tìm bên ngoài và tiêu chí đầu tiên để các em kết bạn không phải là xem người đó tốt hay xấu mà là xem người đó có tiếp nhận mình không, có “giống” (giống về thân phận chứ không nhất thiết là về giới tính hay tuổi tác) mình không. Các em làm ngược lại ý của cha mẹ có khi không phải vì các em thấy không hợp lý mà là vì các em muốn chứng minh rằng mình có suy nghĩ riêng và cần phải được lắng nghe. Chính vì vậy làm sao để hạn chế giới trẻ rơi vào vòng xoáy của những hành vi lệch lạc, đòi hỏi xã hội, gia đình phải tạo điều kiện cho các em chứng tỏ được mình bằng các hành vi hợp chuẩn. |