Lân đến nhà, cả năm khấm khá
Người ta thường tổ chức múa lân vào đầu năm với lòng mong mỏi suốt năm mọi người sẽ được sung túc.
Tiếng trống rộn rã, ông Địa tươi cười, con lân linh hoạt nhảy múa đã làm cho lòng người ấm lại thanh thản và cởi mở hơn.
"Cắc tùng tùng, cắc tùng tùng”. Tiếng trống lân lan xa cả một vùng. Đám đông hiếu kỳ đứng xem lấn cả ra một phần đường. Con lân màu xanh đỏ sặc sỡ đang múa bài “Mai hoa thung” trên những cây trụ cao quá đầu người. Người múa lân quả là tài, chỉ cần bước hụt chân là lộn nhào xuống đất. Đám đông trầm trồ thán phục, thỉnh thoảng lại cho một tràng pháo tay tán thưởng.
Lân, rồng ra quân
Sáng 6-2, nhằm mùng 9 Tết Bính Tuất, đi trên nhiều con đường ở TPHCM người ta bắt gặp những cảnh múa lân khai trương một năm mới làm ăn như vậy. Võ sư Lưu Kiếm Xương, trưởng đội Lân Sư Rồng Nhân Nghĩa Đường, giải thích: “Số chín trong âm tiếng Hoa phát âm là cẩu, trùng với năm Bính Tuất con chó. Theo quan niệm của người xưa, đó là ngày tốt nên nhiều người chọn ngày này để mở đầu mùa làm ăn mới”. Để chuẩn bị cho mùa múa lân (sư, rồng) năm Bính Tuất này, đội Lân Sư Rồng Nhân Nghĩa Đường đã tung ra 60 con lân và sư tử, 9 con rồng, chia làm 3 nhóm đi khắp TPHCM và các tỉnh lân cận. Hỏi có tiết mục múa nào độc đáo không, ông Lưu Kiếm Xương cười: “Có 3 tiết mục hấp dẫn đã được xếp vào kỷ lục Việt Nam là múa lân leo cột 15 m, cổ vũ thăng bình thập nhị thời lệnh (1 người đánh 12 chiếc trống) và tứ hỷ tề lai (4 con lân lên mai hoa thung).
Râu vàng, râu bạc đến nhà
Khai trương rình rang nhất đầu năm mới phải kể đến giới kinh doanh. Mùng 4 Tết, siêu thị Co-opMart Đinh Tiên Hoàng mời hẳn đội lân múa khai trương. Hình thức khai trương thường có cảnh múa lân với vẻ mặt ông Địa luôn tươi cười. Một con lân múa vào ngày Tết phải hội đủ bốn tướng quý của “tứ linh” là hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa. Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì ngư tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến (cá vượt vũ môn, cá hóa rồng). Râu lân là bộ phận quan trọng nhất trên đầu lân. Để khai trương một năm mới, người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc.
Tất nhiên, chủ nhân cũng chi ra một món tiền kha khá để mời đội lân đến múa. Có người treo tiền trên cao mời lân leo lên “ăn”. Đây là giây phút tưng bừng, rộn rã và hồi hộp nhất của bài múa.
Cầu an khang, phát đạt
Không chỉ giới kinh doanh, nhiều gia đình có của ăn của để cũng mời múa lân nhân dịp đầu năm mới. Ông Tuấn, nhà ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7- TPHCM, mời lân về múa cho vui nhà vui cửa. Ông giải thích: “Ngày Tết, theo quan niệm Á Đông thường có lân múa trước nhà để mừng năm mới tốt lành, gia đình an khang, công việc phát đạt, đất nước thịnh vượng, thiên hạ thái bình”.
Nhưng có lẽ thích nhất là đám trẻ nhỏ. Chúng reo hò inh ỏi và tròn xoe con mắt thán phục trước tài leo cây cột (thường làm bằng tre, gọi là trúc thanh) của người múa. Người múa không chỉ trèo lên và tụt xuống, mà còn múa trên đỉnh cao của trúc thanh hoặc nằm ngang ở thế “tỉnh trụ” trên ngọn tre mà đảo người tứ hướng hay nằm theo thế “quá thiên cầu” rồi cột chân vào trụ theo thế “câu cước” mà diễn trên thân tre...
Nhà văn Lý Lan, trong bài ký “Sài Gòn- Chợ Lớn rong chơi”, có nhận xét nghệ thuật múa lân ngày nay không ngừng được nâng cao, không ngừng sáng tạo. “Có thể những đứa trẻ bây giờ chạy theo đoàn múa lân mỗi Tết sau này lớn lên sẽ còn lưu lại trong ký ức của mình những âm thanh và màu sắc của đoàn múa lân hiện đại hôm nay như một kỷ niệm quê mùa, như tôi nhớ về gánh sơn đông mãi võ ở chợ Tết làng tôi. Không biết qua thế kỷ 21 trẻ con còn được chen trên hè phố coi múa lân chăng? Hay là phải mua vé vô đại hý trường để thưởng thức!”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng: Không thể thiếu trong ngày đầu năm Không phải như các hội hè đình đám khác cần đến tiếng đàn, sáo... múa lân chỉ cần tiếng trống vui nhộn hùng hồn. Tiếng trống múa lân từ lâu đã trở thành một tiết điệu không thể thiếu trong ngày đầu năm Tết đến. Truyền thuyết dân gian Việt Nam tương truyền rằng lân là một sinh vật thánh, đứng thứ nhì trong bộ tứ linh. Lân có hình thù dữ dằn, nhưng tính tình lại ngây ngô vui vẻ, hiền lành. Lân ăn chay (ăn rau quả) và chỉ xuất hiện những nơi thanh bình. Ở đâu lân xuất hiện, dân cư nơi đó sẽ làm ăn khấm khá, bệnh dịch được bài trừ, đất đai sẽ màu mỡ hưng vượng. Từ đó, mỗi đầu năm, người ta tổ chức múa lân với lòng mong mỏi suốt năm mọi người sẽ được sung túc. Không nói chi tương lai cả năm dài, ngày đầu năm, tiếng trống múa lân rộn rã, ông Địa tươi cười, con lân linh hoạt nhảy múa đã làm cho lòng người thanh thản, cởi mở và ấm lại. |