Lấy chồng là con một
Vốn dĩ được cưng chiều, nhiều thanh niên là con một khi đã lập gia đình vẫn chỉ là trẻ con trong mắt cha mẹ họ. Nhiều câu chuyện bi, hài đã xảy ra khi chồng là... con một
Đang vội vã để kịp giờ làm, Ngọc Hạnh bị ba chồng gọi giật lại, bảo: “Con ngồi xuống, ba có việc này muốn hỏi con”. “Có gì ba cứ nói, con sợ trễ giờ làm!”. Nói vậy, nhưng Hạnh vẫn phải ngồi xuống.
Sống trong sự kiểm soát
Thế là, ba chồng bắt đầu nói tới tấp: “Vợ chồng con có chuyện gì mà trông mặt thằng Huy buồn vậy? Chuyện gì cũng vậy, con phải nói cho cả nhà cùng biết, chứ Huy nó không chịu đựng được đâu con à!”. Từ khi về nhà chồng, đây không phải là lần đầu ba má chồng Hạnh yêu cầu “chia sẻ chuyện vợ chồng” với cả nhà và Hạnh cũng đã nhiều lần từ tốn “vâng, dạ”. Lần này, để thuận lòng ba má chồng, Hạnh cũng đáp lại: “Vợ chồng con chẳng có chuyện gì cả. Thôi con đi làm...”. Câu trả lời của Hạnh hình như vẫn chưa thỏa lòng ba chồng, ông vẫn tiếp tục: “Thật thế sao, nhưng ba thấy nó có vẻ thiểu não lắm... Mà ba má có làm gì cho nó phải buồn đâu?”.
Câu nói của ba chồng cứ ám ảnh Hạnh, cô nghĩ: “Chồng mình buồn chỉ có thể là do mình và mình không được phép làm Huy phải buồn vì bất cứ lý do nào!”. Dắt xe ra khỏi nhà, lòng Hạnh buồn rười rượi, những bực tức đáng lẽ phải “xả” ra với ba chồng, cô lập tức chuyển sang hết cho chồng. Vậy là từ chỗ đang vui vẻ, vợ chồng Hạnh mặt nặng mày nhẹ với nhau thật.
Không ít người lấy phải các ông chồng là con một được ba má chăm sóc quá kỹ như Huy, nên giây phút riêng tư giữa vợ chồng hầu như không có. Chị Phương Lan (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, Q. Tân Bình-TPHCM) có chồng là con trai một nên cũng khổ sở, điêu đứng. Không được ra ở riêng vì “con trai một phải ở với ba má”. Nhưng, ở trong nhà (dù có phòng riêng), vợ chồng chị Lan vẫn thiếu sự riêng tư tối thiểu. Như việc, tối tối, má chồng chị lại... tự tay mắc màn cho chồng chị ngủ; rồi nào thuốc diệt kiến, diệt muỗi được bà chuẩn bị kỹ lưỡng để con trai... ngon giấc, dù cho con dâu bà, chị Phương Lan, bị dị ứng với mùi nhang muỗi.
Chưa hết, chuyện nhỏ, chuyện lớn của vợ chồng chị, ba má chồng đều tham dự vào. Chị Phương Lan buồn rầu cho biết: “Con cái ai cũng quý; càng hiếm càng quý nhưng nói thật, trước đây có nằm mơ mình cũng không tưởng tượng ra được việc lấy con trai một lại lâm vào cảnh như thế!”.
Ra riêng... chuyện chưa có hồi kết
Nhiều người cho rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề “con một” cho các đức ông chồng là... ra ở riêng. Tuy nhiên, đối với nhiều gia đình thì chuyện ra ở riêng thật khó được chấp nhận. Vợ chồng chị Mai Lâm (Q.4-TPHCM) sau khi đã quá căng thẳng với những mâu thuẫn với ba má chồng đã quyết định mua miếng đất để tính chuyện ra ở riêng. Nhưng, khi ba má chồng chị biết chuyện đã không chỉ trách móc chị chia rẽ họ với con trai mà còn thẳng thừng tuyên bố: “Con muốn ra ở riêng thì ra, thằng Quân đã có nhà này rồi”. Dù chị Mai Lâm tha thiết nói: “Vợ chồng con cũng chỉ ở trong thành phố này, tuần đôi lần chúng con lại về thăm ba má...”, nhưng vẫn không được ba má chồng chấp nhận.
Trường hợp của chị Thúy Hằng thì đỡ hơn; cuối cùng thì vợ chồng chị cũng được ra ở riêng nhưng với điều kiện “phải gần nhà ba má chồng”. Nói là ở riêng, nhưng rồi ba má chồng chị vẫn ngày ngày mang cơm nước sang cho con trai, vẫn quản lý giờ giấc hai vợ chồng... Còn chị N.N.Mai, có quê ở xa nhưng lấy phải người chồng là con trai một ở thành phố, chưa nói đến chuyện ra ở riêng, chuyện vợ chồng chị về quê vợ những dịp lễ, Tết cũng là cả một vấn đề đối với ba má chồng. Mặc dầu quanh năm ở nhà với ba má chồng, đến Tết, khi chị muốn về nhà ba má mình nhưng chồng chị vẫn khăng khăng: “Tết, con trai một phải ở nhà để lo việc nhà chứ, ba má bảo anh thế!”.
GS-VS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng bộ môn văn hóa học, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM: Cần tôn trọng quyết định của con Văn hóa và truyền thống của người Việt từ trước đến nay quan niệm có con một hay con trai một phải ở với bố mẹ. Chúng ta vẫn xem điều đó là dĩ nhiên, hiển nhiên. Tôi cho rằng chúng ta không nên máy móc suy nghĩ như vậy. Gia đình Việt trước đây khá đông con nhưng hiện nay tình trạng con một trong gia đình không còn hiếm, nhất là thế hệ 7X, 8X trở về sau. Có con trai một nhưng cũng có con gái một... Đừng quan niệm, con một phải thế này, con một phải thế kia, như vậy sẽ gây áp lực cho chính con cái chúng ta. Vì thế, để cân bằng cuộc sống gia đình, nhất là khi con cái có gia đình nhỏ, cần tôn trọng quyết định của chúng. Bố mẹ phải là người đưa tay ra khi con cái cần chứ không phải luôn nắm chặt lấy chúng. |