Lời khen - “con dao hai lưỡi”
Đối với trẻ con lời khen rất quan trọng, nhất là yếu tố động viên - khích lệ và tạo cho trẻ sự tự tin cần thiết trong cuộc sống. Một em bé vừa chập chững biết đi, ba mẹ vỗ tay khen, nó hiểu rằng việc nó cố gắng đi đang được khuyến khích.
Con trẻ được điểm mười ở môn vẽ nhận được lời khen của người lớn, nó hiểu rằng thành quả của nó được công nhận. Một đứa trẻ khác được giao làm một việc nhưng làm tốt ở một phần, phần còn lại chưa tốt thì lời khen dành cho phần làm tốt khiến nó nghĩ rằng mình cũng không phải thất bại hoàn toàn, làm cho nó không thấy mặc cảm.
Tuy nhiên, đối với trẻ, lời khen nếu không cẩn thận có thể trở thành “con dao hai lưỡi”. Do chưa đủ kinh nghiệm, nhận thức để hiểu được lời khen ấy có giá trị và thực lòng” đến mức nào, khi nào thì lời khen chỉ có giá trị xã giao, khi nào mang ý nghĩa khích lệ, khi nào thì là lời tán thưởng do thành tích nổi bật, trẻ dễ bị ngộ nhận rằng mình đã thực sự giỏi. Từ đó, trẻ ít chịu phấn đấu, sinh ra tự mãn, kiêu ngạo.
Trong chương trình Vui cùng Hugo, người dẫn chương trình biết chắc người chơi là trẻ em nhưng rất hay nói câu “Bạn giỏi quá!”, “Bạn tài quá!”... hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, điều tai hại nhất lại nằm ở cách giáo dục. Thứ nhất là các bậc cha mẹ có xu hướng đề cao con mình quá mức khi phát hiện ra nó có vẻ gì đó hơn bình thường một chút, liền tự cho rằng con mình là “thần đồng”, thậm chí “thiên tài”. Từ đây, họ luôn buông ra những lời khen quá đáng với người khác trước mặt con trẻ làm nó càng thêm tự mãn; hoặc luôn nhồi nhét kiến thức cho con mình bằng nhiều chương trình học dồn dập khiến nó trở nên quá tải. Cả hai trường hợp đều không tốt cho trẻ.
Thứ hai là nhà trường. Hiện nay, cách đánh giá chất lượng học tập còn nhiều điều chưa phản ánh đúng thực chất, chẳng hạn có dạo, tuyệt đại đa số học sinh tiểu học đều là học sinh xuất sắc, số ít còn lại cũng là giỏi. Nhưng thực tế, người ta đã hạ cái chuẩn để khen giỏi và xuất sắc quá thấp để rồi ai cũng có thể đạt được. Rồi khi thi tốt nghiệp, tỉ lệ đậu luôn luôn cao, thường xuyên ở mức tuyệt đối. Nhiều trẻ và phụ huynh ngộ nhận rằng con em mình giỏi, thậm chí rất giỏi, từ đó dẫn đến thiếu ý thức kèm cặp rèn luyện hoặc lại kèm cặp theo một điều kiện khắt khe để trẻ có thể trở thành “thiên tài”!
Chính vì vậy trong cuộc sống thường ngày cũng như trong học tập, lời khen vừa phải luôn rất cần thiết. Một học sinh viết bài tập làm văn có thể chưa đạt được điểm cao nhưng có ý mới, hay thì cần khen ngay điểm này để em tiếp tục phát huy, đồng thời nhắc nhở những điểm em chưa đạt. Một đứa trẻ thuộc lời một bài hát người lớn có thể nhận được lời khen về khả năng nhớ tốt để em tiếp tục có hoàn chỉnh cách nhớ riêng cho mình nhưng cũng đáng bị nhắc nhở về lỗi hát nhạc người lớn khi chưa được phép... Thậm chí một đứa trẻ vấp ngã rồi biết tự đứng lên cũng đáng nhận lời khen nhưng cũng cần khuyên trẻ phải cẩn thận hơn.
Như vậy lời khen cũng rất cần kèm theo những lời cảnh báo, nhắc nhở để trẻ biết được giới hạn của hành vi của mình, cũng như giới hạn và giá trị của lời khen đó. Có như thế, lời khen không trở thành ảo tưởng hoàn hảo cho trẻ, khiến chúng giảm sức phấn đấu.