Mẹ già như chuối chín cây...
“Chim có tổ, người có tông”, con người sinh ra ai cũng có ông bà, cha mẹ. Tiếc thay, vì lòng tham, vì sự ích kỷ hay vì hàng ngàn lý do gì đó, không ít người con đã quên mình còn cha mẹ...
Những người con bất hiếu
Đã mấy ngày rồi, không một người con nào của bà T. ghé thăm dù bà đang đau ốm, xoay trở khó khăn. Hàng xóm động lòng, muốn qua thăm nom nhưng lại ngại những người con của bà. Trước đó, bà C., con gái bà T., đi khắp xóm “cảnh cáo” mọi người không được can thiệp vào chuyện gia đình bà. Bà C. kể lể đã bỏ tiền của, thời gian sửa lại nhà cho bà T., nay người em gái tự ý đem con về ở, bà không đồng ý liền bị bà T. mắng chửi. “Đã thế thì từ nay tôi từ mặt bà ấy luôn. Tôi chấp nhận làm người con bất hiếu”. Giữ đúng “lời hứa”, dù ở gần nhà mẹ, bà C. vẫn không thèm bước chân qua xem mẹ còn sống hay đã chết. Người em gái bà C. sau vụ cãi vã đã dẫn con đi nơi khác ở. Những người con khác biệt tăm dù ai cũng có học thức và sống khá giả. Một số người thấy bất nhẫn, thỉnh thoảng qua lại giúp bà T. pha nước, khuấy bột. Không biết thì thôi, nếu bắt gặp, bà C. lại nói bóng gió đôi khi chửi thẳng. Vậy là, dù thương bà thân già tội nghiệp, họ cũng đành nén lòng làm ngơ. Chỉ khi nào bà đẩy xe ra cửa, nhờ giúp đỡ, họ mới qua. Một mình thui thủi trong căn nhà trống hoác, bà T. ngày càng tiều tụy. Không biết bà sẽ chịu đựng được đến bao giờ?
Không bi kịch như bà T. nhưng bà N. lại có nỗi đau riêng. Ngày xưa, vì sinh con ngoài ý muốn, bà đành dứt ruột giao con cho vợ chồng người bạn nuôi giùm. Hằng tháng, bà gửi tiền nuôi dưỡng con, đau lòng nhìn con chơi đùa và gọi người khác là mẹ. Rồi người con trai ấy trưởng thành, được người mẹ nuôi kể rõ mọi chuyện. Hiểu sự chăm sóc và tình yêu thương âm thầm của người mẹ ruột, ông M. thông cảm và yêu quý mẹ nhiều hơn. Họ sống những ngày tháng bên nhau trong bình yên và hạnh phúc. Sau đó, ông M. lập gia đình, bà N. dành dụm tiền mua cho con chiếc xe Honda làm quà cưới. Những ngày mới giải phóng, đó là một khoản tiền không nhỏ. Thời gian đầu, người con dâu tỏ ra hiếu thảo, chăm sóc bà. Nhưng khi bà chẳng còn gì, bà trở thành gánh nặng cho gia đình người con trai. Sống cùng nhà, người con dâu không một lời thăm hỏi, chuyện trò và tỏ ra khó chịu khi ông M. lo cho mẹ. Không muốn con khó xử, bà đến ở nhà người cháu gái. Thi thoảng ông M. ghé thăm 5, 10 phút rồi đi. Người con dâu không ghé qua lần nào. Giây phút mẹ con gặp mặt, trông họ thật vui vẻ, sung sướng. Nhưng rồi, ông M. cũng thưa dần những chuyến viếng thăm mẹ. Dường như muốn gia đình nhỏ được êm ấm, ông đành chấp nhận làm người con bất hiếu.
Và nỗi lòng người mẹ
Bà T. nói: “Nhiều lúc buồn quá, tôi chỉ muốn lấy kéo đâm vào ngực chết cho xong. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu tôi chết như vậy, con cái tôi sẽ bị người đời cười chê, với lại nhà mà có người tự tử, tụi nó sẽ không làm ăn được. Tôi sống đây chẳng qua vì chết không được mà thôi!”. Giận con đến tái tê, đến thắt gan thắt ruột nhưng cuối cùng tình thương của người mẹ vẫn thắng, vẫn buộc bà nghĩ cho con. Nước mắt chảy xuôi. Không biết sống trong chăn êm nệm ấm, có phút giây nào những người con của bà gợn một chút lo lắng về mẹ?
Đã nhiều năm trôi qua, hình ảnh bà N. chiều chiều ra ngõ ngóng trông con vẫn in sâu đậm trong tâm trí tôi. Có chút gì đó vừa là sự nhẫn nại, chịu đựng vừa chứa đựng tình thương vô bờ trong dáng ngồi nghiêng nghiêng cô đơn ấy. Bà lý giải cho sự thưa thớt viếng thăm của người con là: “Nó bận bịu công việc cơ quan, chăm sóc con cái, chắc mệt nhiều”. Tuyệt nhiên không một lời trách móc. Trái lại, bà luôn cho mình nợ con rất nhiều. Bao nhiêu nỗi đau tình đời, tình người, bà nuốt ngược vào trong, không một lần thổ lộ cùng ai. Niềm hạnh phúc chỉ vỡ òa trong đôi mắt già nua khi người con trai dừng xe trước cửa gọi mẹ. Tấm quà, tấm bánh con cho, bà cứ ngắm nghía mãi, không dám ăn. Cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, đôi mắt bà vẫn hướng về phía cửa chính đợi chờ, hy vọng...
“Con bà đâu, cháu bà đâu? Sao bà lại ở chuồng trâu nhà người?”. Không con, không cháu phải sống nhờ vào lòng thương hại của người khác đã đành. Có con cháu nhưng đều nghèo khổ, không thể nuôi nổi mẹ cha cũng là bất hạnh. Con cháu giàu có, quyền cao chức trọng mà người mẹ vẫn phải sống nhờ vào sự bố thí tình thương của người đời quả không còn gì đau đớn hơn!