Nặng gánh gia đình bên chồng, bên vợ
Ai cũng có một gia đình lớn trước khi đến với một gia đình nhỏ. Điều quan trọng là phải khéo léo cư xử để người bạn đời không có cảm giác sự giúp đỡ ấy trở thành một gánh nặng.
Sau kết hôn, song song với tình cảm lứa đôi của hai vợ chồng vừa được thiết lập, còn có một tình cảm “cũ” cũng quan trọng không kém: tình cảm ruột thịt (cha mẹ, anh chị em, họ hàng v.v...) của bên chồng và bên vợ. Với không ít gia đình, những tình cảm “cũ” ấy lại có tầm ảnh hưởng to lớn, nhiều lúc còn “lấn lướt” cả tình cảm “mới” và khi người trong cuộc tỏ ý thiên vị nghiêng về gia đình mình, hạnh phúc vợ chồng có khi bị rạn nứt...
Gánh bên chồng.- Tuy không phải là con trưởng, nhưng vì anh M.S là người duy nhất trong gia đình anh thành đạt, vì thế anh cho mình có trách nhiệm phải giúp đỡ, bảo vệ cho anh em, họ hàng của mình. Có căn nhà riêng trên TP tuy không rộng lắm nhưng anh luôn sẵn sàng cho người dưới quê lên tá túc mỗi dịp họ ra tỉnh. Vài năm trước, anh đưa người em trai út lên Sài Gòn làm việc trong một xưởng cơ khí của người quen. Năm ngoái, đứa cháu con chị thứ tư đậu đại học cũng xin ở trọ nhà anh, thay vì ở ký túc xá. Còn năm nay, một đứa cháu khác lên ở từ hồi học luyện thi đại học, rồi chờ kết quả... Anh S. còn hứa nó thi đậu thì cứ “ở đây với chú”, ăn thì nhiều chứ ở bao nhiêu! Thế là đã có đến bảy miệng ăn, cuộc sống gia đình riêng bỗng dưng xáo trộn. Đã vậy, anh S. rất hào phóng với họ nhà mình, đã tuyên bố “không lấy một cắc”, ai lại đi tính tiền ăn ở với anh em, lương công nhân của chú Út cứ giữ lấy xài, hai đứa cháu cứ lo học cho giỏi làm vẻ vang dòng họ, khỏi lo việc nhà, đã có thím... Vậy là từ vai vế bà chủ nhà, vợ anh trở thành “ô sin” cho chồng, con, em chồng và... cháu chồng! Đó là chưa kể lâu lâu “khách ở quê ra” có dịp ma chay, cưới hỏi, làm ăn... căn nhà của anh vẫn cứ mở rộng cửa “hân hạnh được đón tiếp”, chỉ để được cái tiếng thơm của dòng họ khi những vị khách ấy “hồi hương”.
Chung đụng tất phải có va chạm. Đồ đạc của “khách” thì được cất giữ kỹ trong phòng riêng (khách có phòng, còn chủ thì “ép cá mòi” nơi phòng khách!), còn đồ đạc của chủ thì cứ tha hồ “chùa”, từ cục xà bông, bột giặt, đến cước điện thoại, cước Internet v.v... Mỗi lần nghe chị ca cẩm thâm thủng ngân quỹ, anh nạt ngang: “Lá lành đùm lá rách”, mình khá giả phải nâng đỡ anh em, mai mốt chúng đủ lông đủ cánh chắc sẽ không quên ơn cưu mang. Tính toán quá người ta lại bảo mình giàu mà keo, có vợ rồi quên hết họ hàng... Chẳng biết có được tiếng thơm không chỉ thấy cái túi tiền của chị mà “nhẹ” đi thì cái lưng của chị lại “nặng” thêm!
Gánh bên vợ.- Chị P.C là chị lớn trong nhà, dưới chị có hai đứa em trai. Chị về nhà chồng, mẹ chị ở với con trai cứ than thở chúng chẳng biết lo gì cho mẹ, chỉ suốt ngày ngoài đường rồi chạy về là hỏi cơm. Vì thế, hễ rảnh là chị lại về với mẹ dù quận 3 sang quận Gò Vấp đâu có gần. Ngoài lý do “lo cho mẹ”, chị còn thích về nhà mình vì căn phòng riêng của chị từ thuở bé cho đến lúc lấy chồng vẫn cứ được giữ nguyên như cũ không suy suyển, vì thế về nhà mẹ sướng hơn về nhà chồng! Nhiều bữa chị ôm thằng con mới 3 tuổi đi suốt 2 - 3 ngày không về, để mặc anh đi đâu thì đi. Hai người em trai khi nào có dịp đi dã ngoại cũng réo chị về lo cho má, trông nhà giùm, cứ như thể đó là bổn phận bắt buộc của chị vậy. Phần chồng chị, đi làm về mệt mỏi, muốn chơi với con, muốn ăn bữa cơm nóng, chỉ thấy bếp núc lạnh tanh, thế là dâng lên trong lòng nỗi tức tối. Anh tự dưng đâm “ghen” với mẹ vợ và em vợ, vì họ “sướng” hơn mình ở cái khoản có người lo lắng chu đáo, còn anh thì “có vợ hờ hững cũng như không”!
Cảm thông và chung vai cùng gánh.- Biết được những điều tế nhị trong mối quan hệ “bên mình” và “bên ta” (vì bên chồng hay bên vợ gì thì cũng người một nhà), nên người trong cuộc hãy cư xử sao cho công bằng để tránh những tủi thân (hoặc uất ức) chỉ vì người nọ nghĩ người kia “chỉ biết đến mỗi gia đình mình”. Hai vợ chồng anh T.V. dứt khoát, rạch ròi trong việc giúp đỡ tài chánh, giúp công việc làm chỉ với ai thật sự cần giúp đỡ, không kể đó là bên “phe” nào. Nhận thấy ở chung dễ mích lòng, nên cả anh lẫn chị đều khéo léo từ chối những gợi ý “ở nhờ vài bữa” của ai và dĩ nhiên khi họ hàng nhìn thấy sự khó khăn, chật chội của căn nhà bé tí kia, chắc cũng chẳng ai nỡ trách họ thờ ơ với họ hàng. Anh còn cư xử công minh, khi mua biếu mẹ mình món gì, thì sẽ mua thêm để biếu luôn mẹ vợ, vì thế chị không thể trách cứ anh.