Ngoại ơi!

LTS: Hằng năm, vào dịp tháng 5, khối 12 Trường THPT Tư thục Trương Vĩnh Ký (TPHCM) lại gửi đến cha mẹ, ông bà, thầy cô và những người thân thiết của mình những trang viết yêu thương. Xin giới thiệu bài viết cảm động về ngoại của em Trịnh Khánh Ngọc, lớp 12A18

Đó là hai tiếng thiêng liêng mà đã hơn một năm nay tôi không được cất tiếng gọi. Từ nhỏ, tôi đã là một đứa trẻ sớm xa rời vòng tay cha mẹ, tôi đã từng chứng kiến những cuộc cãi nhau không cân sức của hai đấng sinh thành, những bữa cơm không lành, canh không ngọt. Lớn lên một chút, tôi dường như đã đủ nhận thức để biết điều mà, đáng lẽ tôi không phải đón nhận.

Lúc đó chỉ có Ngoại, Ngoại thương yêu chăm sóc, an ủi những lúc tôi buồn, tôi khóc vì nhớ mẹ nhớ cha. Ngoại dạy cho tôi học, cầm tay tôi nắn nót từng nét chữ. Lúc đó, nhà Ngoại cách trường tiểu học không xa lắm, nên tôi có thể tự đi bộ đến trường. Ngoại dậy sớm pha cho tôi một cốc sữa nóng đặt trên bàn rồi mới gọi tôi dậy chuẩn bị đi học. Ngoại thay quần áo, tết mái tóc cho tôi thành hai bím dài xuống ngang vai. Bưng trên tay cốc sữa, Ngoại nói: “Uống hết chỗ này, ăn thêm nửa ổ bánh mì rồi hãy đi học nghe con”. Tôi ngoan ngoãn làm theo những lời Ngoại dặn, xong xuôi Ngoại đưa tôi ra cổng. Tôi vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn, xa dần xa dần cái dáng người nhỏ xíu của Ngoại hiện lên trên đó là một gương mặt buồn rầu.

img
Trịnh Khánh Ngọc

Đôi mắt Ngoại lúc nào cũng xa xăm như đang mong mỏi ở tôi một điều gì đó. Ngày ấy đi học, tôi chẳng nói chẳng cười, thấy những đứa bạn được cha mẹ đưa rước, chiều chuộng, tôi cảm thấy tủi thân và ganh tị với chúng. Mỗi lần như vậy, về nhà tôi lại sà vào lòng Ngoại khóc mà hỏi: “Cha mẹ con đâu, sao không về thăm con?”. Ngoại ôm thật chặt tôi vào lòng vỗ về và an ủi. Sau những ngày đó dường như được Ngoại nhắc nhở, cha mẹ về thăm tôi mỗi lúc nhiều hơn. Có khi mẹ ở bên nhà Ngoại mấy ngày liền chơi với tôi, kể từ ngày ấy tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn. Đối với tôi, Ngoại dường như thay thế luôn nhiệm vụ cao cả của một người mẹ. Tôi nhớ những ngày tháng đó, những ngày tháng mà đã đọng lại trong tâm hồn tôi quá nhiều kỷ niệm về những câu chuyện cổ tích Ngoại kể, những lời nói dịu dàng yêu thương, những bài hát mà tôi không thể nào quên được.

Lên cấp ba, việc học ở trường chiếm nhiều thời gian trong ngày, mà lúc này tôi lại ở nhà của bố để gần trường cho tiện việc đi học hơn. Thời gian tôi về thăm Ngoại khá hiếm hoi, ít ỏi. Có lần nhớ Ngoại tôi gọi điện về thăm và được biết rằng Ngoại đang mang trong người một chứng bệnh quái ác. Cách đây tám năm, căn bệnh ung thư gan đã cướp đi Bác Cả – người con trai đầu của Ngoại, còn bây giờ là Ngoại. Tôi không ngăn được nước mắt, tôi đã gào lên khóc nức nở như một đứa trẻ. Tôi vội vã chạy về thăm Ngoại, như hồi còn bé, tôi đã sà vào lòng Ngoại mà khóc, Ngoại cũng khóc và thế là cả hai bà cháu cùng nhau khóc. Tôi biết Ngoại khóc vì thương các con, các cháu và biết rằng mình sắp phải ra đi, xa những người mà Ngoại thương yêu nhất.

Từ đó căn bệnh không ngừng hoành hành trên cơ thể gầy yếu của Ngoại. Tôi không tin được một cơ thể khỏe mạnh và hồng hào năm xưa mà nay đã gầy gò xanh xao đến thế. Mái tóc của Ngoại lúc trước dài và đen bóng chỉ lấm tấm vài sợi bạc mà nay đã trụi hẳn, nhường chỗ cho một mái đầu trọc. Trán Ngoại nhăn lại vì bị những cơn đau nhức hành hạ, chân tay giờ đây không còn tự nhấc lên được nữa, mà nhờ vào sự giúp đỡ của con cháu. Ngoại ngủ, môi khô lại và khẽ nói: “Nước... nước...”.

Tôi lấy một thìa nước nhấp vào môi Ngoại, Ngoại mở mắt nhìn tôi và nói thì thào trong cổ họng, tuy nghe không rõ nhưng tôi cũng đoán được những gì mà Ngoại muốn nói: “Bé! Về đó hả con?”. Giọt nước mắt tôi tuôn tràn ra khóe mắt, nhưng lần này chỉ có một mình tôi khóc. Ngoại chỉ nhìn, tôi biết Ngoại cũng muốn khóc nhưng có lẽ nước mắt của Ngoại đã cạn khô rồi, không còn khóc cùng tôi được nữa. Tôi vội hôn lấy hôn để lên đôi má gầy gò xanh xao của Ngoại và tự nhủ sẽ không có chuyện gì xảy ra. Chợt Ngoại lại hỏi tất cả những người trong nhà đâu. Lúc ấy cả nhà đang đứng chung quanh, ai cũng có mặt đầy đủ, đứa em trai út của tôi òa khóc, rồi cả nhà cũng khóc theo. Tôi bình tĩnh nói khẽ vào bên tai Ngoại: “Ngoại ơi! Ngoại đã hứa là năm nay ăn Tết vui vẻ với tụi con mà, Ngoại cố lên nha Ngoại”. Tôi nắm chặt tay Ngoại và cố nuốt đi những giọt nước mắt vào lòng. Ngoại nhìn tất cả mọi người, vẫn đôi mắt ấy, đôi mắt nhìn xa xăm và mong mỏi ở chúng tôi điều gì đó, sau đó Ngoại nhắm mắt lại rồi ra đi mãi mãi. Cả nhà tôi đã khóc rất nhiều. Mất Ngoại, dường như tôi đã mất đi một phần cơ thể của mình, Ngoại là lẽ sống của cả nhà, là trụ cột vững chắc để con cháu dựa vào. Ngoại thương con, thương cháu. Cả đời Ngoại hiền từ và đôn hậu, ai cũng yêu thương, kính trọng.

Giờ ngồi đây nhớ Ngoại, tôi thèm được trở lại cái cảm giác của ngày xưa ấy, được ở trong căn nhà đó, được uống cốc sữa Ngoại pha mỗi sáng, được đôi bàn tay gầy gầy tết từng bím tóc, được ôm vào lòng trong vòng tay ấm áp, được khóc cùng với Ngoại... và được gọi lên hai tiếng “Ngoại ơi!”.