Ngôn ngữ viết cũng “nhiễm bệnh” sính từ ngoại
Sau khi Báo Người Lao Động Điện tử đăng bài “Sính từ ngoại - mốt hay là bệnh?”, nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm đồng tình với hiện tượng mà báo đã nêu. Nhiều bạn đọc còn chỉ thêm rằng “bệnh” sính từ ngoại không chỉ có trong ngôn ngữ nói của nhiều giới hiện nay, mà còn “lây nhiễm” tràn lan trong các ấn phẩm chính thống, có tên tuổi.
Thử xem các trang Chuyên san của một tổ chức đoàn thể (ra ngày 1 và 15 hằng tháng) mà bạn đọc phản ánh: Tiếng Anh, tiếng Việt cứ đan qua đan lại, dường như chỗ nào “nhét” tiếng Anh vào được thì “nhét” thoải mái. Bài viết có tựa đề “Dân teens với Yomost, ngày hội thử thách” là một dẫn chứng tiêu biểu của chuyện “loạn” từ ngoại. Xin trích một đoạn: “Một ngày hội thử thách tràn đầy phong cách teen. A lê hấp! Này nhá, có một sân khấu chuyên trị các nốt nhạc dưới sự hoạt náo sôi nổi đầy màu sắc Yo! của MC vui nhộn Thanh Bạch. Một sân khấu cá tính cho chương trình đinh của ngày hội mà bất cứ một B-boy hay B-girl nào cũng không thể bỏ qua cơ hội được ngắc ngư với các break-dancer trứ danh trong giới teen đầy phong cách: W.E.B Crew, Free Style, Bad Boy, T&A và Web Style (...) Một phong cách cực kỳ kool qua các mẫu thời trang phá cách, qua các mái tóc cực kỳ hiphop...”.
Cho dù đa số sinh viên hiện nay có thể hiểu được những từ ngoại như vậy, nhưng với một ấn phẩm dành cho sinh viên thì nên loại trừ lối dùng từ ngoại “vô tội vạ” kiểu này. Không chỉ tiếng mẹ đẻ bị “xúc phạm” mà phẩm chất, lối sống của giới trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Một bài trong tạp chí của một cơ quan quản lý chuyên ngành tại TPHCM - cũng thể hiện bệnh sính từ ngoại. Ngoài tựa đề của bài là “Chàng “đì dZai Nơ” cá tính”, phần dẫn nhập cũng đã viết: “Ca sĩ nổi tiếng = khả năng + ngoại hình + phong cách + fanclub + web “xì tin” (...) Lần này, (...) cùng bạn đọc trò chuyện với một “đì dzai nơ” (designer) khá có tiếng...”. Đã “phong cách”, lại còn “xì tin” (tức style, có nghĩa là “phong cách” - PV) nữa, thật chịu hết biết!
Còn có rất nhiều trường hợp tương tự như trên trong các ấn phẩm văn hóa hiện nay mà chúng tôi chưa có điều kiện để dẫn chứng, nhưng bấy nhiêu cũng đủ để báo động về hiện tượng sính từ ngoại trong văn viết. Rõ ràng, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là chuyện không bao giờ cũ.
PGS-TS Hoàng Dũng, giảng viên ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Đừng để xảy ra sự xâm lược về ngôn ngữ
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM: Ngôn ngữ lai căng dễ trở thành “bệnh truyền nhiễm”
Mỹ Dung ghi |