Nhịp sống “phố Hàn” ở Sài Gòn

Bên hông phải chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) có con đường dài chừng 500 m, người ta gọi là “phố Hàn”, bởi nơi đây cộng đồng người Hàn Quốc cư ngụ khá đông với những bảng hiệu quán ăn, nhà hàng, khách sạn... bằng tiếng Hàn hoặc Hàn - Việt.

Phố Hàn nay

Chen chân qua khỏi phần chợ "lấn chiếm lòng lề đường” ồn ào, điều ấn tượng hiện ra trước mắt là con đường nhựa khá sạch, hai dãy nhà hai bên khang trang, đẹp đẽ và hiền hòa. Buổi sáng phố Hàn nhộn nhịp bởi các quán ăn, người đi mua sắm tại những cửa hiệu thực phẩm. Chiều, phố xá mát mẻ, nhiều người ngồi đánh cờ, uống cà phê, thong thả xem báo. Về đêm, phố Hàn đông người hơn nhưng vẫn mang nét trầm lắng của dân gốc xứ lạnh.

Sở dĩ phố Hàn không chỉ nổi tiếng ở Sài Gòn mà còn nổi tiếng tận Hàn Quốc là nhờ thông tin... miệng và báo chí tại Hàn Quốc. Ở Việt Nam có tờ Creation do ông Lyu Ki Nam, người Hàn Quốc, làm chủ biên. Tạp chí này xuất bản hằng tháng bằng tiếng Hàn, cung cấp thông tin cho du khách đến TPHCM và nhiều ấn phẩm tiếng Hàn khác cũng giới thiệu con phố này hoặc những cửa hiệu ở đây.

Cách nay 13 năm, một nhóm chuyên gia người Hàn Quốc qua TPHCM làm việc, được cấp một căn nhà trên phố này. Sau đó các công ty, nhà máy Hàn Quốc xuất hiện nhiều, người Hàn đến sinh sống ngày một đông hơn và họ đã truyền tai nhau cùng quy tụ về đây, có người lấy vợ Việt và mua luôn nhà ở đây. Nếu năm 1994 chỉ có một quán ăn mang hương vị Hàn đầu tiên là Sa Rang Bang thì đến nay có cả chục cửa hiệu, nhà hàng, quán cà phê, bar do người Hàn và một số người Việt mở, có cả hiệu sản xuất nước uống tinh khiết On San của ông chủ người Hàn tên B.K. Hur. Các quán không chỉ phục vụ cho người Hàn sống ở đây mà cho cả khách từ Hàn Quốc đến TPHCM du lịch, tiêu biểu là quán giò heo hầm Hàn Quốc 130/21C, cà phê-bar Nyx Hop, quán ăn Koreana, Hòa Bình, Ba Phát Nam Đô Restaurant, Đại Dương, cà phê Thảo Linh Chi, khách sạn Mây Hồng đều trên đường Phạm Văn Hai. Cũng trên phố này còn có hai mỹ viện Skin Care của người Hàn và một tiệm của người Việt. Đặc biệt, ở đầu đường có một nhà sách Hàn Quốc (số 130/C1B) bán toàn sách, báo, băng đĩa nhạc từ Hàn Quốc đưa sang.

Phố Hàn nay không phồn thịnh bằng thời “vang bóng” trước lúc Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế. Bây giờ người Hàn qua đây ở tản mạn nhiều nơi như Q.1, Q.3 và đã có thêm một phố Hàn mới ở khu K.300 (Cộng Hòa, gần sân bay Tân Sơn Nhất). Tuy nhiên, phố Hàn Phạm Văn Hai vẫn là nơi thấm đẫm nhịp sống, văn hóa xứ Hàn rõ nét nhất ở TPHCM.

Chính hiệu hương vị Cao Ly

Ngoại trừ một số người sống ở Việt Nam khá lâu, hoặc lấy vợ người Việt mới quen ăn món Việt, những người Hàn Quốc sang Việt Nam sinh sống, làm ăn vẫn thích ăn món ăn mang khẩu vị của xứ sở mình. Phố Hàn Phạm Văn Hai có shop Thảo Linh và Korea Ateko bán đủ thứ thực phẩm được nhập từ Hàn Quốc qua như cá hộp tuna, ốc hộp, nước ướp thịt, nước tương, giấm, nấm, bánh snack, mì tôm, cà phê Maxim, trà Barkey, đồ hộp Span, khoai tây, muối, đường, cá - thịt đông lạnh, có cả rượu Soju, Bek Seju, bia Hite... Ở đây còn bán những món đặc sản mà người Hàn rất ưa chuộng như cá cơm xào hương ớt trộn mè rang, giá sống làm từ đậu nành, lá kennip để ăn với thịt chó và lá kim tẩm làm từ rong biển để ăn chay... Bà chủ tiệm Thảo Linh cho biết, giá bán ở đây rẻ hơn so với một số nơi, tỉ như bia Hite giá 20.000 đồng/chai, ở nhà hàng phải 40.000 đồng/chai, hay kim chi cải thảo giá 40.000 đồng/kg, trong khi siêu thị bán 70.000 đồng/kg.

Chị Lý Mỹ Phương, trợ lý bán hàng shop Korea Ateko, cho biết phố Hàn ở đây còn là điểm phân phối thực phẩm cho các nhà hàng Hàn Quốc và các gia đình người Hàn đang sinh sống tại TPHCM. Không ít người Việt cũng đến đây mua, ăn thử món ăn Hàn cho biết, tuy nhiên giá khá đắt so với thực phẩm cùng loại của Việt Nam. Ví dụ, một gói mì tôm Hàn Quốc giá đến 10.000 đồng. Hiện nay, người Việt đến phố Hàn thường mua bốn loại thực phẩm gồm nấm đông cô, củ cà rốt, củ cải Hàn Quốc, cây rô bô (ngưu bán) về nấu canh dưỡng sinh.

Tình người xa xứ

Với cộng đồng người Hàn đang ngụ cư ở đây, người Việt sống chung trong khu phố đều có thiện cảm. Bà Thu Hồng, chủ quán cà phê Kim Huê, nhận xét: “Người Hàn sống lễ độ, tự trọng, hòa đồng, kỷ luật, bảo bọc nhau và cũng đầy... bảo thủ. Họ rất sòng phẳng, 200 đồng cũng chờ thối lại, luôn giữ lời hứa và có uy tín''. Còn cô Liễu, nhà ở số 130/C61 cho biết, vào dịp lễ, Tết ta họ qua nhà lì xì cho trẻ em, tặng quà cho gia đình. Nhà nào mời đám cưới, đám giỗ họ cũng đến dự rất thân tình. Tổ trưởng dân phố ở đây cho biết thêm, những nghĩa vụ như an ninh quốc phòng, ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học... cộng đồng người Hàn ở đây đều đóng góp và thực hiện tốt. Họ sống rất thân thiện với người Việt.

Tiếp xúc với người Hàn ở đây, điều làm chúng tôi “nể” nhất là nhiều người nói tiếng Việt khá rành, như anh Kang Hee Jo, ở số nhà 130/B80, có vợ người Việt và hai con nói tiếng Việt khá ''sõi". Anh kể rất thích phở, bún bò, bún thịt nướng của Việt Nam và thịt chó ở “phố cầy” Phạm Văn Hai, lẩu dê 304 Lê Văn Sỹ. Cuối tuần vợ chồng anh thường đi mua sắm ở Diamond Palza, dẫn con cái chơi ở Superbowl. Anh còn “bật mí”, người Hàn Quốc rất kỵ và khó chịu với rau ngò nhưng người Việt Nam cái gì cũng bỏ ngò, từ bánh mì, bún, cháo... cho đến cơm bình dân kèm đĩa rau sống cũng có rau ngò. Bác King Chung Hwan, 63 tuổi, cho biết người già Hàn Quốc thích sống ở TPHCM, nhất là những người bị thấp khớp. Ở phố Hàn Phạm Văn Hai đã thành lập “Hội Tương hỗ người Hàn” do ông Pan Kawng Suk làm hội trưởng với 21 hội viên là các thương nhân nhằm giúp đỡ người Hàn nghèo, cơ nhỡ, bệnh tật. Tại TPHCM còn có nhà thờ Tin Lành ở số 63 Ba Tháng Hai Q.10, được xem như điểm sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Hàn Quốc. Nhà thờ còn lập cả một wchsite bằng tiếng Hàn với địa chỉ www.saigonkorean.con.