Những món chay Sài Gòn
Tháng 7 âm lịch, theo đạo Phật, là tháng ăn chay để báo hiếu ông bà, cha mẹ. Ngày nay, ăn chay còn được coi là một phương pháp bảo vệ sức khỏe. Quán cơm chay từ bình dân nay đã bước vô nhà hàng với tiệc buffet hàng trăm món.
Mới đây, trong một buổi nói chuyện chuyên đề, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM) cho biết: Ăn chay đang ngày càng được quan tâm như một cách sống, một cách ăn uống để bảo vệ sức khỏe. Số người ăn chay trên thế giới đang có xu hướng gia tăng.
Liên tục phát triển
Cách đây gần 20 năm, TPHCM đã có những quán chuyên bán thức ăn chay quanh năm như Tịnh Tâm Trai (đường Võ Thị Sáu), Thuyền Viên (đường Nguyễn Văn Đậu), Giác Đức (đường Nguyễn Đình Chiểu). Thông thường các quán này chỉ đông khách vào những ngày rằm, mùng một đặc biệt là rằm tháng 7 âm lịch vì đây là mùa Vu Lan báo hiếu. Còn bây giờ, theo chị Võ Thanh Kiều, quản lý quán Giác Đức, thì ngày nào cũng đông khách. Trung bình mỗi ngày quán phục vụ khoảng 100 khách. Riêng mùa này thì lượng khách tăng lên gấp đôi.
Là một người ăn chay trường nên cha chị, ông Võ Văn Phúc, với pháp danh là Giác Đức đã mở quán ăn này nhằm phục vụ những người chọn chay tịnh như ông. Thực đơn tại đây cũng rất phong phú, gồm hơn 100 món, giống như món mặn, chẳng hạn như món xào, chiên, bún , lẩu, gỏi, súp... các loại. Ngày trước, quán thường lấy hàng của Đài Loan để chế biến, nhưng giờ đây để bảo đảm hoàn toàn độ tinh khiết của thức ăn chay nên quán phải tự xây dựng nhà xưởng tại Bình Chánh để sản xuất thực phẩm chay mang thương hiệu Việt Nam. Nguyên tắc nấu món chay là chỉ sử dụng chất ngọt từ rau củ chứ không được dùng bột ngọt, xương, rượu, hàn the... Thật ra ăn chay giá còn đắt hơn thức ăn mặn. Thông thường giá một dĩa cơm chay là 6.000 đồng, hủ tiếu cũng 6.000 đồng/tô, nhưng tô đặc biệt thì có giá gấp đôi.
Món chay cao cấp
Vài năm gần đây, thị trường chay phát triển liên tục đã khiến cho nhiều nhà hàng cao cấp của Saigontourist nhảy vào lĩnh vực này. Tiên phong và thành công phải kể đến nhà hàng Vân Cảnh thuộc cụm khách sạn Quê Hương. Ý tưởng đầu tiên được ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc cụm, khai phá từ mùa Vu Lan năm 2000 khi ông muốn tạo một sự kiện ẩm thực ấn tượng trong tháng 7 âm lịch là mùa ế khách của ngành du lịch. Với chủ đề “Sài Gòn - những món chay”, ông muốn gợi cho khách hàng biết đến nghệ thuật ẩm thực chay của người Sài Gòn, còn “Lời cám ơn đấng sinh thành” là dựa vào truyền thống của một số đông người Việt cứ đến tháng 7 âm lịch là ăn chay để bày tỏ lòng hiếu thảo kính ơn đấng sinh thành nhằm thắt chặt sợi dây thân ái giữa các thế hệ trong gia đình. Số lượng khách gia tăng đáng kể, khoảng 30%/năm, từ 3.000 lượt khách năm 2000, đến năm 2003 gần như tăng gấp 3 lần với số khách tính được là 8.500 lượt người, trong đó có những người đến ăn gần như mỗi ngày. Thực đơn tại nhà hàng Vân Cảnh rất phong phú, gồm trên 60 món được thay đổi mỗi ngày.
Cũng như Quê Hương, đây là năm đầu tiên cụm khách sạn Bông Sen tổ chức chương
Ăn chay và sức khỏe
. Mặt lợi
Giảm nguy cơ một số bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường type II, cao huyết áp, bệnh mạch vành, một số bệnh ung thư, sỏi mật, táo bón, sa sút trí tuệ, loãng xương, bệnh túi thừa...
. Bất lợi
Trừ kiểu ăn chay chỉ toàn trái cây, hạt; các cách ăn chay khác đều có thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác nếu được tổ chức tốt. Loại ăn chay có trứng, sữa không khác chế độ ăn mặn. Ăn chay trường tuyệt đối có nguy cơ thiếu sắt, kẽm, vitamin B12... ở các đối tượng có nhu cầu cao như trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người bệnh... có thể còn thêm nguy cơ thiếu năng lượng, protein, canxi... Do đó cần lưu ý khi phối hợp đủ lượng thực phẩm và sử dụng các thực phẩm bổ sung vi chất.
(Nguồn: Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM) |
1.001 lý do để ăn chay
Qua một cuộc phỏng vấn bỏ túi với một số khách ăn chay tại vài điểm, chúng tôi rất thú vị với cách lý giải của những người ăn chay. Không chỉ người già, những người ăn chay trường mà khách ăn chay bây giờ đa số là giới trẻ. Không chỉ khách Việt Nam mà người nước ngoài cũng tìm đến để thưởng thức hương vị Việt. Bà Đỗ Thị Ngọc Hải, 52 tuổi, nhà ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận cho biết ăn chay vì lý do tín ngưỡng.
Không chỉ những người theo đạo Phật mà những người theo Thiên Chúa giáo và Cơ Đốc phục lâm cũng có tục ăn chay 1 ngày/tuần. Chị Hoài Trang, đại diện nhóm bạn ở Công ty Bảo hiểm Prudential, cho biết: Nhóm chúng tôi ăn chay hơn 1 năm nay vì lý do... bảo vệ sức khỏe, muốn giảm các bệnh tật liên quan đến việc sử dụng thức ăn động vật và để tránh các vụ ngộ độc thịt như bò điên hay cúm gia cầm. Một số bạn trẻ là học sinh Trường Nguyễn Thị Minh Khai thì thật thà cho biết: Chúng em ăn chay vì đây là mốt trong giới trẻ! Ăn cho biết với người ta, nhiều khi đói quá tối về nhà lại ăn mặn...
Mỗi người có một cách lý giải cho mình về lý do tìm đến ẩm thực chay. Lý do nào cũng có... lý và đặt ra cho người kinh doanh một cơ hội cũng như một thách thức lớn là làm sao phát triển ẩm thực chay Việt Nam thành một nghệ thuật thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam dịp này để thưởng thức món chay.