Nickname tình yêu
Có tên gọi dễ thương, có tên gọi hầm hố, có tên gọi kỳ cục... Cho dù gọi bằng tên nào thì các cặp đôi đều khẳng định “yêu nên mới gọi thế”
Những cặp đôi ngoài đại từ nhân xưng “anh – em” muôn thuở hoặc kêu tên thì họ còn đặt tên thân mật (nick name) cho nhau. Đó là nét dễ thương và cũng là một gia vị cho tình yêu thêm ngọt ngào, mới lạ của người trẻ.
Những biệt danh biết nói
Nghe bàn về chuyện tên thân mật của người yêu, cô nàng H. Thảo (sinh viên Trường ĐH Văn Hiến) tủm tỉm kể: “Chẳng là buổi đầu tiên hẹn hò, chàng hồi hộp thế nào mà vừa mặc bộ đồ “vía” xong thì ra đầu ngõ đã bị... té oạch! Hôm đó trời mưa, quần áo thì đã giặt hết, lại sợ trễ hẹn, nên chàng đành mặc bộ đồ lấm lem đó đến gặp tớ. Đến khi thân thiết, chàng mới tiết lộ bí mật này cho tớ nghe, thế là chàng chết danh với tên “ếch ộp”. Tên gọi ra đời gắn liền với một câu chuyện, một kỷ niệm như trường hợp trên không phải là hiếm. Dù tên nghe rất... buồn cười, hoặc không giống ai thì người trong cuộc vẫn thấy tự hào khi được người yêu gọi tha thiết bằng một biệt danh “không đụng hàng” như thế.
![]() Đặt biệt danh cho người yêu để tăng sự thân mật. Ảnh: Q.LIÊM |
Đôi khi, các chàng (nàng) đặt tên người yêu dựa trên đặc trưng (về tính cách, ngoại hình...) của đối tượng. Nào thì là “ròm”, “ốc tiêu”, “khúc xương”, “mỏ nhọn”..., nào là gấu, heo, voi, hà mã, cua, rồi thì hột me, hột mít... đều được lôi ra đặt ráo. Thông thường, một cái tên được kèm theo một tính từ sau đó, đại loại như: Voi ngố, heo bự, mèo hen... Thôi thì muôn hình vạn trạng, đủ các biệt danh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Bạn H. Vân, nhân viên bán hàng một công ty bánh kẹo ở Đồng Nai, được người yêu gọi là... “khúc xương” lại rất lấy làm vui sướng chia sẻ: “Tại mình hơi gầy, anh ấy lại tuổi Tuất, nên anh ấy gọi mình là “khúc xương”, ý nghĩa quá còn gì!” Thật vậy, mỗi tên gọi ấy nghe qua tưởng như vu vơ, vô nghĩa nhưng lại là một niềm thương mến đối với những người đang yêu.
Cũng có những cặp đôi không thèm đặt biệt danh cho nhau, bởi họ đã “chôm” tên gọi thân mật của phe kia từ... các bậc phụ huynh. Anh chàng V. Thắng, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc, đã rất hí hửng khi phát hiện nàng của mình ở nhà thường được gọi là “Rơm”. Thắng giải thích: “Nghe nói mẹ sinh nàng trên ổ rơm nên đặt tên cúng cơm cho nàng thế. Cứ mỗi lần mình gọi “Rơm ơi!” cứ thấy mình gần gũi với gia đình nàng lắm”.
Gọi tên cũng phải biết cách
Đồng cảm với Thắng, nhiều kẻ trong cuộc cười vui bảo, ừ nó “đơn giản” như “đang giỡn”. Tuy nhiên, nghe thương thì thương thật nhưng đôi khi lại xảy lắm chuyện dở khóc dở cười.
“Cảm thấy mình thật đặc biệt, gần gũi...” là phát biểu của đa số đối tượng được người yêu gọi bằng biệt danh. “Nghĩ mà xem, đang ở môi trường làm việc căng thẳng, quen được gọi bằng tên thật, đột nhiên có một tin nhắn tới: “Mũi tẹt ơi, anh ăn cơm chưa?” thì ai mà không thấy thú vị?” - anh H. Chương, trưởng phòng kinh doanh một công ty nội thất ở TPHCM, chia sẻ. Với các cặp đôi, gọi người tình bằng nickname vừa thể hiện sự gắn bó, thân thuộc vừa thể hiện cả sự “sở hữu” ngấm ngầm vì “chỉ có đôi ta mới được gọi nhau như thế”. Vậy nên, những tên gọi thân mật này ngoài hai nhân vật chính ra thì rất ít người biết đến.
Tuy nhiên, lại có những nhân vật “sính” gọi biệt danh đến nỗi tên thật của người mình yêu bị... bỏ xó như trường hợp của M. Thi, kỹ sư điện, hiện đang làm việc tại Bình Dương. Chuyện là khi chỉ có hai người với nhau thì chẳng sao nhưng khi đi gặp bạn bè, một nửa của Thi cũng quen miệng gọi anh là “Heo đen” nốt. Khi gặp người lớn hai bên, hàng xóm, đối tác làm ăn trong các buổi lễ lạt, bạn gái của anh chàng cũng cứ đem nickname của Thi ra mà gọi. “Lúc đó, mình cảm thấy không được tôn trọng cho lắm” - Thi thẳng thắn. Nỗi bức xúc của Thi cũng là nỗi niềm của không ít anh chàng. Đành rằng là cách gọi yêu thương, nhưng cũng nên đúng nơi, đúng chỗ và phù hợp hoàn cảnh.
Đáng chú ý hơn, có khá nhiều trường hợp chuộng đặt biệt danh theo “mốt”. M. Khanh, y tá của Bệnh viện ĐH Y Dược, kể chuyện trong bức xúc: “Riết rồi tôi chẳng biết mình tên gì trong danh bạ điện thoại anh ấy nữa. Nay thế này, mai thế khác. Tôi rất chán ngán mỗi lần anh ấy đổi nickname cho tôi”. Thì ra, tên người yêu mình càng “độc”, càng ít đụng hàng, bạn bè xung quanh càng tỏ ngạc nhiên thì người yêu của Khanh càng thích chí. Anh chàng tốn không ít thời gian, tâm trí để nghĩ ra một nickname, đôi lúc chẳng để ý đến cảm xúc của người trong cuộc và nếu lỡ nghe loáng thoáng biệt danh này trùng với cặp nào đó là phải đổi ngay nên mới ra cớ sự.
Biệt danh cho người yêu thương không phải chuyện để vui đùa trong chốc lát mà nó có giá trị về mặt tinh thần. Những tên gọi đi theo khắp nẻo đường yêu như một nụ cười, một ánh mắt giản đơn nhưng thấm đượm tình cảm thiết tha của đôi lứa. Nên chăng, điều tiết, gia giảm cách gọi để gia vị ấy nêm cho tình thêm nồng?