Nồi hổ lốn sau Tết
Ba ngày Tết, thường nhà nào lương thực thực phẩm cũng tràn trề. Với những hộ gia cảnh khó khăn phải tiết kiệm chi tiêu nhưng vẫn ưu tiên mua sắm đầy đủ cho chuyện cúng bái tổ tiên đúng lễ nghi thủ tục, nghĩa là phải đủ vị, đủ món, đặc biệt là với những món mà ngày trước ông bà ưa thích
Mỗi thứ một vài dĩa, bàn thờ đầy thức ăn. Ngày Tết lại vui chơi nhiều hơn ăn uống. Thế là, tích tiểu thành đa, bỏ đi thì phí, người nội trợ đảm đang đã sáng kiến là cho chung các thức ăn còn dư thừa ấy vào trong một nồi to, gọi là nồi hổ lốn. Chỉ thịt kho tàu, thịt gà rán, cuốn ram... là để riêng dùng ăn với bánh chưng, bánh tét.
Nồi hổ lốn ấy đủ mùi vị, đầy màu sắc, nào là màu vàng của cà ri, đỏ của cà rốt, cà chua, trắng của su su, miến, xanh của đậu cô ve, nâu của nấm... vị mằn mặn, cay cay, beo béo của thịt và nhiều món mặn khác hòa quyện với nhau trông rất ngon mắt và ngon miệng.
![]() Sự đảm đang của bà nội trợ đã hạn chế được thức ăn dư thừa |
Thói thường, nem công chả phụng hoài cũng chán, huống hồ nồi hổ lốn cứ hâm đi hâm lại, ăn từ ngày này sang ngày khác, cho nên để khỏi ngán và để cho mỗi bữa ăn có thêm vị lạ thì mỗi lần ăn, nhúng thêm vào nồi hổ lốn ấy lúc thì cải ngọt, cải xanh, khi thì tần ô... sẽ tạo nên cảm giác đang ăn một món mới, lúc ấy cái sự ăn uống mới thêm hứng thú. Món hổ lốn thường ăn với cơm hoặc chấm bánh mì hay chan với bún đều rất ngon, chỉ với cách độc đáo này mới giải quyết hết được những thức ăn còn dư thừa của những ngày Tết, tránh lãng phí!