Nỗi niềm... cha dượng!
Không biết bắt đầu từ đâu mà hình ảnh người mẹ ghẻ, cha dượng trở nên ... đáng ghét trong mắt nhiều người, nhất là những người đang ở vị thế con cái. Nếu như người mẹ ghẻ thường bị mang tiếng xấu là độc ác, lắm điều thì người cha dượng cũng hay bị liệt vào nhóm “đối tượng nguy hiểm” với những hành vi, suy nghĩ không mấy lành mạnh, nhất là trong quan hệ giữa cha dượng và con gái!
Tình cảnh.- Trong một tâm trạng buồn bã, ông H.B (54 tuổi, nghệ nhân hoa kiểng) tâm sự: “Khi vợ tôi không may bị bệnh nan y qua đời, tôi nghĩ có lẽ mình chẳng bao giờ đi bước nữa. Thực tế, sau khi vợ mất tôi đã sống cuộc sống của một người đàn ông tự do gần chục năm trời. Thế rồi, tình cờ tôi gặp lại “người tình trong mộng” năm xưa. Cô ấy đã ly dị và đang một mình nuôi đứa con gái. Khi gặp lại người yêu cũ tôi cũng chỉ nghĩ đến cảm giác “phiêu lưu” của một người đàn ông tự do. Thế nhưng, gia cảnh cô ấy lúc đó quá khó khăn, đứa con gái thì ốm đau liên miên. Tôi đã đến trong lúc họ cần một chỗ dựa. Và cũng nhờ họ mà tôi tìm lại được hơi ấm gia đình. Thế là chúng tôi tổ chức đám cưới. Mặc dù không có con chung với nhau nhưng chúng tôi đã sống rất hạnh phúc. Tôi thì luôn coi đứa con của cô ấy như là con ruột của mình. Nhưng rồi, mỗi ngày mỗi lớn đứa con gái đó luôn coi tôi là “đối tượng nguy hiểm”. Tôi vốn có “tì vết” là người đàn ông tự do, phóng đãng nhiều năm nên đứa con gái thường tạo khoảng cách né tránh, tỏ thái độ khinh bỉ nếu có dịp. Vì cuộc sống trong một gia đình làm sao tránh khỏi những “va chạm” khi trong phòng ngủ, lúc buồng tắm v.v... thì đứa con gái đó luôn nghĩ tôi có “ý đồ” xấu trong khi tôi hoàn toàn coi nó như con. Nói thật, dù ở trong nhà của mình nhưng tôi cũng không thể đi đứng hay ăn mặc thoải mái được, nhiều lúc tôi bị nhức đầu, hay trúng gió muốn nhờ nó xoa dầu, cạo gió giúp cũng không dám. Riết rồi chịu không nổi chúng tôi phải chia tay nhau. Vậy mà miệng lưỡi thế gian đồn đại rằng, bởi tôi “dê” con của cô ấy nên họ đã chửi tôi một trận tơi bời trước khi bỏ đi. Thiệt là hết biết!”.
Nỗi niềm. – Thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông, chúng ta được biết mấy ông cha dượng “trời ơi đất hỡi”. Có ông đã giở hành vi đồi bại, thô bạo với vợ, con gái, hoặc tìm cách “đào mỏ” v.v... Những “gương xấu” đó gây nên nỗi ám ảnh đối với nhiều người, nhất là những người con gái đang ở độ tuổi dậy thì. Em N.T (16 tuổi, nữ sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền) tâm sự: “Ba mẹ em ly dị khi em còn nhỏ xíu nên trong tâm hồn của em gần như không có hình ảnh của ba. Nói thiệt, em cũng muốn mẹ có chồng nhưng đồng thời em cũng sợ. Em nói với mẹ, thôi để mai mốt con đi lấy chồng rồi mẹ hãy “dẫn” ai đó về”. Em N.T kết luận: “Đàn ông bây giờ dễ sợ lắm!”.
Chia sẻ: Một cha dượng phát biểu: “Tôi đang sống rất hạnh phúc trong “vai trò” cha dượng vì những người con không ai gọi tôi là “dượng” mà họ đều gọi, đều nghĩ tôi là “cha”. Chính điều đó tạo niềm vui, động lực để tôi cố gắng trở thành một người cha tốt...”.
Thế đấy, với đa số thì hình ảnh người cha dượng luôn được “soi rọi” dưới lăng kính của lòng nghi ngờ và sự đố kỵ. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế rằng, có không ít những cha dượng đã chăm lo, bảo bọc con cái, gia đình còn hơn cả cha ruột. Chị K.O (31 tuổi, công nhân may KCN Tân Bình) kể: “Cha dượng của tôi nhỏ hơn mẹ tôi gần chục tuổi nên so với tôi ông ấy cũng không lớn là bao. Tôi nhớ, hồi đó chuyện tuổi tác của cha dượng tôi trở thành đề tài đàm tiếu của nhiều người rỗi việc lối xóm. Nhiều người còn độc mồm nói rằng, thế nào rồi cũng có ngày cha dượng tôi sẽ “dớt” tôi. Lúc đó tôi cũng hơi hoang mang. Nhưng cứ nhìn vào việc làm, tình cảm hằng ngày của dượng đối với gia đình tôi thấy mình yên tâm, tin tưởng. Tôi vốn học dốt, nhưng nhờ có dượng kèm cặp mà tôi hoàn tất chương trình cấp ba. Sau này khi đi xin việc làm dượng cũng đôn đáo khắp nơi v.v... Nói tóm lại, chúng ta nên xem xét từng trường hợp cụ thể chứ không nên “quơ đũa cả nắm” như thế...”.
Cái nhìn.– Theo các chuyên gia tâm lý thì những người bị đặt trong vị thế cha dượng thường có những bất ổn nhất định về mặt tinh thần. Do đó, trước hết chúng ta nên tạo điều kiện giúp đỡ, chí ít cũng nên bày tỏ sự thông cảm đối với họ. Bằng một cái nhìn thiện chí chúng ta sẽ thấy mối quan hệ giữa cha dượng với gia đình, con cái cũng không đến mức quá phức tạp. Tất nhiên, bao giờ cũng có những lấn cấn, khó chịu nho nhỏ. Nhưng đừng vì “chuyện bé xé ra to” hay đừng vì thành kiến, ích kỷ của bản thân mà gây tổn thương cho người khác.