Nuôi dưỡng lòng nhân ái
Lòng nhân ái tạo nên nhân cách con người. Làm thế nào nuôi dưỡng lòng nhân ái trong xã hội công nghiệp hiện nay? TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn trả lời Báo NLĐ về vấn đề này
. Phóng viên: Theo ông, lòng nhân ái có vai trò như thế nào trong việc phát triển tâm lý của mỗi cá nhân?- TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: Lòng nhân ái là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển nhân cách con người, là nền tảng cho sự phát triển đa dạng tính cách của mỗi con người. Trẻ em khi được giáo dục tốt, lòng nhân ái sẽ được hình thành như một nét nhân cách độc đáo. Lòng nhân ái được xem như ngọn đuốc để dẫn đường cho mọi hành động. Giúp con người biết vượt lên chính mình, biết nghĩ đến người khác...
. Đặt vấn đề giáo dục lòng nhân ái ở trẻ là rất cần thiết, ông đánh giá công tác giáo dục lòng nhân ái ở trẻ em hiện tại như thế nào?
- Khó để đánh giá một cách chủ quan và cảm tính về công tác giáo dục lòng nhân ái cho trẻ em Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, có thể nhận định một cách khá công tâm rằng công tác giáo dục lòng nhân ái đang bị ảnh hưởng ít nhiều của xã hội công nghiệp: thầy cô không có đủ thời gian để tải hết những kiến thức khoa học; những bài học về lòng nhân ái chưa được đưa đến các em bằng những biện pháp hợp lý; những bậc cha mẹ không đủ thời gian và “điều kiện” để thực hiện việc giáo dục lòng nhân ái.
. Theo ông, đâu là cách tiếp cận tốt nhất để giáo dục trẻ biết sống nhân ái?
- Đối với trẻ em, giáo dục lòng nhân ái hiệu quả nhất và khả thi nhất là giáo dục thông qua những việc làm cụ thể, những mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ông bà, họ hàng, bạn bè, hàng xóm láng giềng.
. Theo ông, việc nuôi dưỡng lòng nhân ái ở trẻ trong xã hội công nghiệp có gặp những khó khăn nào?
- Gia đình là nền tảng xã hội nên những khó khăn của gia đình đã có những tác động không nhỏ đến hiệu quả của việc giáo dục lòng nhân ái nói riêng và giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ nói chung. Một số bậc cha mẹ thiếu đi sự gương mẫu, chưa dành thời gian để lắng nghe những tâm sự và nghĩ suy của con trẻ, chưa có những phương pháp giáo dục thích hợp mà sử dụng những biện pháp cứng rắn... Bên cạnh đó, giáo viên cũng chưa thật sự đầu tư thích đáng cho việc giáo dục lòng nhân ái do những áp lực của cuộc sống, do những khó khăn trong nghề nghiệp. Quan trọng hơn là thiếu một môi trường thật sự tốt để các em có thể học được những bài học đạo đức và thực hành những bài học đó.
. Vậy theo ông, chúng ta làm như thế nào để tạo ra một môi trường tốt?
- Tôi lấy một ví dụ, gần đây có chương trình “Áo trắng ngời sáng tương lai” do Hội đồng Đội, Hội Phụ nữ và OMO tổ chức. Kết quả có rất nhiều em học sinh đã tham gia và đã đóng góp được gần 200.000 chiếc áo trắng. Việc làm của các em đơn giản nhưng lại có ý nghĩa. Các em chỉ việc gởi tặng một chiếc áo cũ hoặc đi vận động bạn bè, lối xóm tặng áo là có thể tham gia. Hoặc nếu không có áo thì các em có thể viết những lá thư chia sẻ tình cảm với nhau. Chính khi viết thư, các em biết nghĩ đến người khác, biết cách bộc lộ tình cảm của mình, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn - ước mơ hạnh phúc, biết tiết kiệm, biết khát vọng... Đó là những biểu hiện thật quen thuộc của lòng nhân ái... Theo thời gian, theo sự trải nghiệm thường xuyên - liên tục, những rung cảm ấy, những nét tính cách ấy sẽ trở thành lòng nhân ái và trở thành bộ mặt đạo đức của con người.