Ông chủ của 232 mẫu máy bay

Mỗi người tìm cho mình một thú tiêu khiển riêng để tạm quên đi cuộc sống đô thị bận rộn hàng ngày. Ông Phan Ngọc Thiết, số nhà K20/21 Lê Hồng Phong, TP Đà Nẵng, có một thú tiêu khiển độc đáo: Sưu tầm mẫu máy bay. Hiện bộ sưu tập này đã lên đến 232 chiếc thuộc 65 loại của 99 hãng hàng không quốc tế.

Độc đáo hơn, ông còn làm hẳn một sa bàn sân bay quốc tế sống động với đủ thứ âm thanh, ánh sáng y như thật.

Giữa tháng 6 năm nay, ông Phan Ngọc Thiết, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất Đại học Đà Nẵng, vừa trở về từ Singapore và bộ sưu tập của ông được bổ sung thêm hai mẫu máy bay mới nhất. Máy bay là niềm đam mê của ông từ thuở thiếu thời.

Sở hữu cả một sân bay... vẽ bằng phấn

Ông kể, nhà hồi đó ở gần sân bay Đà Nẵng, hằng ngày những chiếc máy bay quần đảo trên bầu trời luôn thu hút ông hàng giờ ngắm nhìn và tập phân biệt các loại máy bay. “Nhưng tôi chỉ thích máy bay dân sự”. Năm 1969, lần đầu tiên đến sân bay Tân Sơn Nhất, cậu bé Thiết lúc ấy mới 12 tuổi gần như choáng ngợp trước một sân bay quốc tế với các hoạt động nhộn nhịp. Niềm say mê máy bay được nhen nhóm từ đó, ông mua những chiếc máy bay đầu tiên bằng nhựa, đồng thời sở hữu một sân bay vẽ bằng phấn trên sân thượng cùng mơ ước sẽ thi vào ngành hàng không. Cho đến năm 1995... “Năm đó tôi sang Mỹ, đến thăm bảo tàng hàng không, tôi bỏ hàng giờ ngắm nhìn các loại máy bay. Cuối năm 1995, tôi mua hai chiếc máy bay đầu tiên tại Hồng Kông. Từ đó mỗi lần ra nước ngoài tôi lại có thú vui đi tìm cửa hàng bán máy bay và mua vài chiếc” – ông Thiết kể. Giá của mỗi chiếc máy bay trong bộ sưu tập của ông Thiết không phải là ít, từ 15-40 USD/chiếc, có chiếc lên đến cả trăm USD.

Đầy đủ các loại máy bay trên thế giới

Qua gần 10 năm, bộ sưu tập máy bay của ông Thiết đã lên hàng trăm chiếc. Ông Thiết dành hẳn một phòng rộng 40 m2 ở tầng ba và thiết kế một sa bàn sân bay rộng 12m2 để trưng bày các “con cưng” của mình. Hai chiếc tủ kính trưng bày những chiếc máy bay mang màu sơn của các hãng Boeing, Airbus, Tupolev, Iluyshin, Antonov... Những chiếc máy bay đặc chủng thu nhỏ từ nguyên mẫu như chiếc Boeing 747 - 200 “Air Force One” của tổng thống Mỹ, chiếc Boeing 757 “RizziBird” với màu sơn sặc sỡ của hãng Condor (Đức), chiếc MD83McDonald màu đỏ chói của hãng CrossAir... là những chiếc do các hãng đặt mẫu sản xuất riêng.

Ông thường giới thiệu sân bay của ông là PNT International Airport tức là “sân bay quốc tế PNT”. Sân bay có 2 đường băng... đúng tiêu chuẩn quốc tế, hai nhà ga đi và đến với 62 hệ thống cầu thang dẫn đến tận máy bay, đài chỉ huy không lưu, sân đậu cho máy bay chở hàng hóa, sân đậu dự bị, xưởng sửa chữa. Cả một hệ thống phương tiện phục vụ kỹ thuật mặt đất hoàn chỉnh với xe xăng, xe cầu thang, xe nâng hàng, xe đẩy máy bay, xe tiếp thực phẩm... Trên sa bàn có đúng 100 chiếc máy bay của các hãng sản xuất máy bay nổi tiếng thế giới như Boeing, Airbus, Douglas, Lockheed, Fokker, ATR... được làm bằng gang cao cấp.

Hội viên Hội Sưu tập máy bay quốc tế

Ngay trung tâm sân bay là chiếc Boeing 777-200 của Vietnam Airlines sơn màu xanh với biểu tượng bông sen vàng có số hiệu VNA-142. Đó là hình ảnh thu nhỏ chiếc chuyên cơ đã chở Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong chuyến đi thăm các nước châu Âu tháng 5-2004. Ông Thiết dành riêng một góc trên sa bàn trưng bày đủ bộ 32 chiếc máy bay của Vietnam Airlines. Sa bàn sân bay làm bằng kính, khung nhôm với một hệ thống điện chiếu sáng giống như một sân bay đang hoạt động. Ông Thiết cho biết ông đã tự thiết kế ra sân bay này.

Năm 2002, ông Thiết gia nhập Hội Sưu tập máy bay quốc tế. Hội có trên 3.000 hội viên trên toàn thế giới. Ông Thiết có lẽ là hội viên có quốc tịch Việt Nam duy nhất. Hằng tháng Hội Sưu tập máy bay quốc tế gửi cho ông 1 cuốn tạp chí chuyên ngành hàng không, giới thiệu những mẫu máy bay mới nhất, mỗi năm hội gửi tặng một mẫu máy bay sản xuất dành riêng cho hội viên.

“Sau giờ làm việc, tôi thường dành 15 phút ngắm bộ sưu tập và nghe âm thanh máy bay để thư giản”- ông Thiết nói.