Phải hiểu đồng tiền chỉ là phương tiện
Sau 2 bài viết về chủ đề “Giữa vòng xoáy đồng tiền”, Trang Lối sống đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc, thể hiện tâm huyết và mối quan tâm lớn trước vấn đề đặt ra. Trong diễn đàn hôm nay, chúng tôi giới thiệu ý kiến của TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn và một số bạn đọc khác, đồng thời mong bạn đọc tiếp tục đóng góp ý kiến
Lối sống của một quốc gia, một dân tộc luôn bị chi phối bởi những giá trị vật chất. Đồng tiền và những giá trị thực hay giá trị ẩn của nó đều được xem như có sức ảnh hưởng rất lớn đối với lối sống. Không có quyền đổ lỗi cho đồng tiền nhưng khống chế được nó quả không phải là đơn giản.Biết sử dụng, không để tiền khống chế
Cách đây không lâu, trong một diễn đàn giáo dục con cái xài tiền như thế nào và có nên cho tiền con trẻ khi đi học, nhiều phụ huynh đã làm cho chúng tôi thật sự bất ngờ. Nguyễn Thị X, luật sư, tuyên bố một cách chắc nịch: Không cho tiền con trẻ, nếu cho tiền chỉ tổ làm cho chúng hư... Trao đổi danh thiếp để có cơ hội trò chuyện, nhưng có ai ngờ đâu đúng hơn năm sau, chị gọi lại cho tôi và báo rằng con chị ăn cắp tiền của gia đình để xài vặt... Nỗi đau này quả là một bài học quý.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã giáo dục con cái sử dụng đồng tiền và hiểu được giá trị đồng tiền ngay từ thuở bé. Dù rằng không phải quy gán tội cho các bậc phụ huynh nhưng rõ ràng đây là một trong những yếu tố có thể được xem là căn nguyên của vấn đề. Nhân cách con người thế nào thì những hành vi tương ứng sẽ như thế ấy và hành vi sử dụng đồng tiền hay để đồng tiền khống chế ngược là một ví dụ. Chi tiền quá thoải mái và vô tư do cưng chiều con cái, cấm con cái đến mức không được mó đến một đồng bạc cắc... đều không tốt. Thế nhưng cho tiền con cái và kèm theo những lời mắng mỏ và “chặt chém” càng không phải là giải pháp. Thực tế cho thấy những diễn biến tâm lý và những dấu ấn của ký ức căng thẳng xoay quanh việc xài tiền đã trở thành những động lực để con người phấn đấu, nhưng cũng chính vì vậy đôi lúc nhiều cá nhân đã phấn đấu có tiền bằng mọi cách mà không kể đến lương tâm, sĩ diện và nhân cách... Sinh viên Nguyễn Văn T. phạm pháp trong một vụ buôn bán ma túy đã tâm sự một cách rất thực: “Tôi luôn bị mặc cảm vì mỗi lần xin tiền của cha mẹ. Cảm giác thấp kém cứ thường trực trong tôi. Phải làm điều gì đó để kiếm tiền, tôi cảm thấy việc này là việc có thể có tiền nhanh nhất...”. Khi bị một áp lực căng kéo về đồng tiền trong quá khứ, nhu cầu trỗi dậy để làm chủ nó, để khống chế nó lại bùng phát mạnh mẽ nhưng khi cá nhân chưa đủ nội lực thì những chuyện kinh khủng đã xảy ra.
Tiền chỉ là phương tiện
Có ai lại sống không cần tiền? Câu hỏi thật đơn giản lại được trả lời một cách quá khó khăn dành cho những người thật bình thường trong cuộc đời. Giá trị đồng tiền đã rõ nhưng không phải ai cũng hiểu đồng tiền chỉ là phương tiện.
Hãy giáo dục cho con trẻ sự thấu cảm của cuộc sống ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Sự thấu cảm này tưởng chừng thật đơn giản nhưng lại có giá trị rất đặc biệt. Đã qua rồi thời giáo dục chung chung và khái quát. Hãy bắt đầu từ những việc rất đơn giản như: “Ăn quả táo này con cảm ơn ai?”. Cảm ơn người trồng cây vẫn chưa đủ, cảm ơn người bán táo vẫn chưa đủ mà trước hết phải cảm ơn bố mẹ - người đã lao động cực nhọc để mua táo cho con. Hãy thẳng thắn nhưng thật nhẹ nhàng và tinh tế giáo dục cho con cái hiểu rằng việc tìm ra đồng tiền là quan trọng nhưng chính tình cảm bố mẹ dành cho con mới là quan trọng nhất.
Theo thời gian và năm tháng, hãy giúp trẻ nhận ra với 500.000 đồng có được từ hai nguồn khác nhau, một là trúng số, hai là có được từ tháng lương đầu tiên, con sẽ làm gì... Chính lúc này trẻ sẽ hiểu hơn về những giá trị của đồng tiền trong cuộc sống. Không có quyền
![]() |
Ảnh minh họa |
phán xét và không có quyền chỉ trích nhưng quá nhiều bậc cha mẹ ngày nay đã ép con mình sống theo thước đo của đồng tiền từ những tình huống rất thường nhật. “Chú Ba mày keo quá, lì xì cho Út tui có 5.000 thì bèo hơn cái bánh xèo miền Trung”; “Con cứ thi vào kinh tế cho mẹ mới có nhiều tiền, vào chi ba cái xã hội, báo chí cho mệt thân...” là những câu nói cửa miệng của khá nhiều gia đình!
Nhiều người thân, nhiều gia đình đã thật sự sai lầm khi cứ áp lực chồng mình, vợ mình tìm nhiều tiền hơn nữa để xây nhà, đi du lịch. Nhiều bậc bố mẹ hay những bạn đời thấy người thân của mình đem về nhiều tiền thì cứ sung sướng hỉ hả trên đống tiền có được mà thiếu hẳn sự quan tâm, hỏi han... Chính sự vô tâm, chính sự thờ ơ vô cảm này đã làm cho nhiều người thân của chính mình trượt dài trên con dốc số phận theo vòng xoáy của đồng tiền mà không thể hãm phanh. Buồn, xót... giờ đã muộn!
Bài học giản đơn mà sâu sắc nhất vẫn là giáo dục giá trị làm người của một con người. Biết tự trọng, biết cân nhắc, có sĩ diện, biết điểm dừng khi cần... trong cuộc sống sẽ làm cho mỗi người vững vàng hơn trước áp lực của đồng tiền.
Ý chí và bản lĩnh sống Trước tiên, phải bắt đầu từ xã hội. Nói có vẻ to tát nhưng thực tế cho thấy, có quá nhiều vấn đề xã hội người ta đều giải quyết bằng tiền. Đồng tiền đã trở thành thước đo của giá trị nhân cách, thậm chí là nhân phẩm của con người cũng được quy gán qua đồng tiền. Hãy thử nhìn lại xem có quá nhiều câu lạc bộ những người giàu có, có sự sắp xếp thứ hạng của những tỉ phú, của những nghệ sĩ đại gia... Có câu lạc bộ nào của những người nhân ái được tôn vinh rực rỡ và hoành tráng bằng? Sự mất cân đối này chỉ được xem là bề nổi còn tảng băng chìm của sự đồng thuận tôn vinh giá trị đồng tiền còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần. Thứ đến, có quá nhiều người chỉ muốn kiếm tiền mà quên rằng cuộc sống còn nhiều điều thú vị khác. Giới trẻ chưa được định hướng một cách nghiêm túc cho vấn đề này. Trong cuộc thi hoa hậu với gần 40 thí sinh thì có đến trên dưới 30 thí sinh muốn trở thành doanh nhân. Điều này chưa đủ cơ sở để quy gán cho việc họ muốn kiếm tiền và sống vì mục tiêu đồng tiền nhưng cứ liệu này đáng để cho những người có trách nhiệm suy ngẫm. Phải chăng việc tuân thủ theo thước đo của đồng tiền đã trở thành phổ biến? Bên cạnh đó, phải thấy rằng mỗi con người trong cuộc sống không có thói quen cảm thấy vừa đủ. Đây vừa là một điểm rất đáng quý nhưng cũng thật sự đáng sợ. Một phụ nữ lao vào kinh doanh để gia đình mất trắng, một cặp vợ chồng kiếm tiền bạc tỉ để dành cho cậu con trai độc nhất có biết đâu quý tử của mình đã nghiện và có AIDS... “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi” là những gì mà những bậc tiền bối đã đúc kết. Trụ lại với vòng xoáy đồng tiền đòi hỏi mỗi người phải có một ý chí và một bản lĩnh sống. Trước nhất, đó phải là sự nhận thức một cách nghiêm túc và đúng đắn về khái niệm hạnh phúc với chính mình. Sau nữa, phải nhủ lòng cuộc sống còn rất nhiều nhu cầu chưa thể giải quyết được bằng tiền mà phải được xác lập dựa trên cơ sở của tình thương, trách nhiệm. Chiến lược dài hơi nhất thiết phải được những người có liên quan xác lập và thực thi. Thanh Nhân - Quỳnh Sơn |
Mặt sau của đồng tiền Trong một xã hội mà đồng tiền dường như đang tỏ ra là một sức mạnh tuyệt đối như hiện nay thì liệu có mấy ai dám thật lòng tuyên bố “tiền chỉ là phương tiện cần để sinh sống”. Cá nhân tôi cũng không dám nhìn nhận tiền chỉ là phương tiện trong công cuộc mưu sinh hằng ngày của mình. Tôi yêu tiền cũng giống như cha mẹ yêu thương con cái mình vậy. Có yêu thương con, cha mẹ mới nuôi nấng cho con nên người. Tôi yêu tiền của tôi vì tôi hiểu rõ nguồn gốc những đồng tiền tôi kiếm được, chúng sẽ có ý nghĩa với người thân của tôi và phần nào đó có ý nghĩa đối với xã hội. Hằng ngày mở các trang báo ra thấy tin những người có chức có quyền ở nơi này nơi kia cũng vì đồng tiền mà chấp nhận băng hoại cả nhân cách, tham ô của công, lợi dụng quyền hạn bòn rút tiền của nhân dân, làm những việc trái với lòng tin của nhiều người gởi gắm, tôi như thấy được mặt sau của đồng tiền. Cái mặt sau đó ẩn chứa một sức mạnh ghê gớm có thể làm thay đổi suy nghĩ của một con người, dù đó có là một chú bé bán vé số dạo hay một người quyền cao chức trọng. Tôi nghiệm ra một điều, nếu ai đó không đổ mồ hôi sôi nước mắt để lao động mà tự dưng có được một số tiền lớn, thì đó chính là những người dễ tha hóa nhất và cũng dễ trở thành nạn nhân của đồng tiền nhất. Mặt trái hay mặt phải của đồng tiền chẳng qua chỉ cần một cái lật lòng bàn tay. Chỉ có cái tâm, nhân cách và bản lĩnh mới hiểu đúng được giá trị của tiền bạc. Tạ Tư Vũ (238 Pasteur, P.6, Q.3-TPHCM) Hãy suy nghĩ trước khi quá muộn Cảm ơn tác giả Nguyên Hà đã viết bài báo nói về sự xuống cấp đạo đức. Cuộc sống hôm nay quả thật có quá nhiều cám dỗ, người ta không muốn bị cuốn theo vòng xoáy của những dục vọng nhưng quả thật là rất khó. Để sống lương thiện cũng không phải dễ dàng. Ngày nay con người cứ mãi quay cuồng trong thế giới vật chất mà quên đi những điều tốt đẹp có thể làm cho nhau. Có rất nhiều người sống đến 50, 60 tuổi vẫn mãi đắm chìm trong danh lợi đua chen mà không nghĩ rằng khi ta nằm xuống liệu của cải có đem theo được để phục vụ ta ở thế giới bên kia? Thử đặt câu hỏi mình đang sống vì điều gì và những gì mình đang cố sức lao theo có mang lại cho mình cảm giác yên vui hay không? Xin hãy suy nghĩ trước khi quá muộn. Mong sao thế giới ngày càng thêm nhiều người tìm về cái thiện và nhiều người tìm được cho mình sự bình an trong tâm hồn. Sông Hương (hathaison2981@yahoo.com) |