Phong cách tây
“À thế là họ bắt đầu lên đường”. Tôi thầm nghĩ vậy khi nhìn thấy gia đình du khách người Anh (tôi mới làm quen sáng nay) lục tục kéo nhau rời khỏi một resort ở bãi biển Hòn Rơm.
Họ gồm 4 người, vợ chồng và hai đứa con trai. Thằng lớn 12 tuổi, thằng nhỏ 6 tuổi. Qua câu chuyện, tôi biết họ sẽ ra Phan Thiết vào trưa nay để sau đó đón xe lên Đà Lạt, tiếp tục cuộc du ngoạn. Sẵn có thiện cảm về một gia đình “rất thích Việt Nam, mơ mãi mới có được chuyến đi này”, tôi tò mò nhìn họ khởi hành.
Dẫn đầu là đứa út mặc áo thun đỏ, có ngôi sao vàng năm cánh to tướng trước ngực. Nó đeo một chiếc ba lô nhỏ, chật cứng. Không ngoái lại, không cần đợi ai, thằng bé phăm phăm sải bước, đầy tự tin. Cách sau một quãng là anh nó, đeo một chiếc ba lô khá to. Thằng anh đi bên cạnh mẹ - một phụ nữ chưa phai nhan sắc tươi tắn, thanh thoát, khoác trên vai chiếc túi nhỏ. Dáng điệu của nó rất ra dáng đàn ông, chăm chút, cẩn trọng như một vệ sĩ. Đi sau cùng - cũng một khoảng cách hơn chục mét - là ông bố, to khỏe, ăn mặc xuềnh xoàng. Ông mang một chiếc ba lô to đùng, bên vai phải đeo thêm một chiếc túi du lịch cũng chật cứng (chắc là của vợ). Và, với khoảng cách đó, cả gia đình làm một cuộc hành quân hướng ra phía đường lớn... Nhìn hai đứa trẻ hăng hái ra khỏi resort, tôi không khỏi ngạc nhiên. Thật lạ, chúng ở một nơi xa cách đây hàng ngàn cây số mà lại có được dáng dấp đầy chủ động, tự tin, hệt như đang đi trong khu nhà của mình vậy...
Tôi đã từng nghe nhiều người nói: Tạo cho trẻ có phong cách tự lập ngay từ nhỏ là nguyên tắc giáo dục của Tây phương. Với nguyên tắc này, bắt đầu từ bốn, năm tuổi những đứa “con tây” phải tự làm quen với mọi việc liên quan đến vệ sinh cá nhân; phải tự ăn uống, tự lên giường đi ngủ, tự đi giày dép, tự hì hụi bò từng bậc thang (mẹ nó chỉ là người hướng dẫn, động viên, dứt khoát không can thiệp). Như cái gia đình du khách người Anh này sáng nay cũng vậy: Hai anh em chúng tự tắm với nhau (rồi tự nhảy xuống bể bơi tráng nước ngọt, tự chạy lên nhà thay quần áo); còn bố mẹ chúng thì ngồi trên nhà hàng bình thản nhâm nhi ly cà phê.
Có khá nhiều người tâm đắc với cách giáo dục đó, song cũng không ít người phản bác mà rằng, chúng ta - truyền thống giáo dục Á Đông - không thể theo phong cách lạnh lùng của người Tây phương; rằng, con cái chúng ta rồi là sẽ trăng đến rằm trăng tròn... Cũng vì thế, sẽ không có chuyện những đứa trẻ phải... tự lo ở nhà tôi. Nếu là gia đình tôi, thì vợ tôi sẽ phải tắm biển với hai anh em (hoặc với thằng út), sẽ đưa nó đi tráng nước ngọt, thay quần áo cho nó. Còn tôi, tôi sẽ ngồi trên bờ, mắt dõi trông... Và cũng vì thế, nếu cuộc “hành quân” kia là của gia đình chúng tôi thì nó sẽ được diễn ra như vầy: Vợ tôi đi đầu với hai thằng con, sẽ khoác ba lô cho thằng út, để nó đi sát bên mẹ không rời nửa bước. Còn tôi, tôi sẽ lại như một con sư tử đực, đi sau cùng, bao quát, canh chừng cái gia đình nhỏ bé, yếu ớt của mình...