Quán ven đường

Trên tuyến đường về Bình Thuận, tôi thấy có rất nhiều quán mọc ven đường để đón chân du khách. Đường dài, nắng nóng, ghé vào một quán ven đường uống nước dừa ngọt lịm, xong ngả mình trên những chiếc võng sẽ nghe nỗi mệt nhọc dường như vơi đi quá nửa.

Quán ven đường chỉ là những mái che bằng lá, nằm ven theo cung đường lên dốc xuống đèo, những chiếc võng giăng ngang dọc dưới tán cây đủ làm dịu lòng người phương xa.

Ngồi nghỉ chân ở quán ven đường, bất chợt tôi nhớ đến chuyện kể ngày xưa của mẹ. Quán nước quân nhân đã từng mọc lên trên khắp cung đường Trường Sơn của thời chiến tranh ác liệt. Mái lá đơn sơ trên nền đất lởm chởm là nơi những đoàn quân du kích dừng chân, chia nhau cơm nắm, muối vừng. Chẳng có võng đưa, cũng không có nước dừa ngọt lịm nơi đầu lưỡi, nhưng mái lá nghèo vẫn ấm tình đồng đội, vẫn là nơi chia sẻ cùng nhau những gian khổ hành trình, là nơi để các chiến sĩ lắng lòng mình trong phút giây bình yên ngắn ngủi nghe tiếng chim hót réo rắt trên cành mà dậy lên khát vọng chiến đấu và chiến thắng. Trái tim lại tràn đầy nhiệt huyết và bước chân cũng vững vàng hơn.

Mẹ cũng kể cho tôi nghe về những quán chợ ở quê nghèo của những năm sau chiến tranh. Buổi sáng, chợ nhóm họp đến quá giữa buổi là tan. Người về ra đồng, lên rẫy; người bận bịu với giồng cải, luống dưa, đàn gà để hôm sau tờ mờ sáng lại gánh rau ra chợ bán lấy ít tiền đổi gạo. Những mái lá được dựng tạm bợ làm nơi họp chợ ngày xưa ấy cũng từng là nơi che nắng, che mưa cho những ai lỡ bước đường xa.

Những quán lá bình dị, không cầu kỳ, không đèn màu rực rỡ, không tiếng nhạc du dương mà vẫn thấy dìu dịu một vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc.