Quẳng gánh lo đi và vui sống

Cuộc sống vốn không thiếu những chuyện làm cho con người phải âu lo, buồn khổ. Như vậy lẽ ra mỗi người phải biết tận hưởng sự vui vẻ, hạnh phúc khi buồn khổ, âu lo chưa gõ cửa nhà mình. Nhưng lại có những người cứ tự chuốc khổ vào thân, héo hắt, u uẩn, lo lắng bởi những điều chưa hề xảy đến với mình. Nếu như người đó lại đang là người chủ của một gia đình, thì hạnh phúc cũng khó có lối vào gia đình ấy.

Tự chuốc khổ vào thân

Tại tòa án quận 3 - TPHCM, đến lần hòa giải thứ hai, bà Thái Khanh, nhân viên một siêu thị vẫn nức nở trong nước mắt trình bày nỗi đau của mình: "Vợ chồng sống với nhau đã đến tuổi ngồi sui rồi mà ông ấy lại phản bội tôi. Tôi không bất ngờ vì lâu nay tôi luôn lo lắng, luôn nghĩ đến điều này nhưng không biết phải làm cách nào để thoát khỏi nó".

Mọi việc rõ ràng hơn, khi ông chồng tự bào chữa: "Suốt hai mươi năm, không thể không công nhận là vợ tôi luôn hết lòng lo cho gia đình nhưng chồng con lại phải chịu đựng... hậu quả nặng nề của cái tính lo xa, lo gần ấy. Chẳng bao giờ tôi thấy bà ấy thanh thản ngắm một buổi hoàng hôn, hay muốn cùng chồng dạo phố. Thú thật, khi tiếp xúc với vài đồng nghiệp nữ, tôi cảm thấy rất thoải mái. Khi có thời gian rảnh, tôi và cô bạn gặp nhau trò chuyện về những vấn đề cùng quan tâm, cùng nghe những bản nhạc mà tôi yêu thích... Mối quan hệ giữa chúng tôi luôn có khoảng cách.

Dần dần, sau giờ làm việc tôi không muốn về nhà ngay để khỏi phải nghe những câu chuyện của vợ, mà lúc nào cũng mở đầu bằng điệp khúc: "Tôi lo quá ông ạ!". Lúc thì bà ấy than thở đứa con gái nhỏ không biết năm nay có vào đại học được không. Lúc khác bà ấy lại ủ rủ vì đứa con gái lớn chẳng màng đến chuyện chồng con, sự nghiệp cũng chẳng có gì... Ngay cả khi đi ngủ, vợ chồng nằm cạnh nhau, cũng chỉ toàn nghe bà ấy than vắn thở dài khiến tôi nẫu cả ruột, chỉ muốn ôm gối tìm chỗ khác nằm. Tôi nói với các con về nỗi lo của mẹ, để chúng hiểu mà phấn đấu, không ngờ các con tối lại tỏ thái độ nghiêm trọng "Mẹ còn lo cho bố nhiều hơn. Mỗi lần bố đi công tác, mẹ ăn ngủ không ngon, lo bố quen biết, quan hệ lung tung. Mẹ cứ bảo, chuyện gì cũng có thể xảy ra, không tin ai được". Đã nhiều lần, lựa lúc vui vẻ, tôi nói với bà ấy: "Em chỉ lo chuyện hão huyền". Thế là bà ấy lập tức làm mọi chuyện căng thẳng lên: "Tôi cũng mong trở thành người vô tâm, vô tính như anh cho khỏe cái thân. Nhưng tôi biết quẳng cái lo đi đâu, quẳng cho ai? Anh đâu muốn chia sẻ với tôi".

Sống chung với người vợ hay lo âu, hoài nghi và bi quan nên tâm trí của người chồng cũng mệt mỏi theo. Ông hẹn hò với cô bạn gái nhiều hơn và cũng đến lúc chuyện bị bà vợ phát hiện. Nỗi lo âm ỉ như một khối u vỡ òa, làm bà đau đớn đến quẫn trí, chẳng biết xử lý thế nào ngoài việc đưa đơn ra tòa.

Cũng như bà Thái Khanh, bà Như Hà, một giáo viên THCS, cũng "chỉ biết lo thôi, chẳng biết làm gì". Để giải tỏa tâm trạng bất an, bà thường xuyên lui tới các trung tâm tư vấn để trình bày về những vấn đề... chưa xảy la. Lo âu bám theo bà lên cả bục giảng, khiến bà có những buổi lên lớp không đạt chất lượng. Nỗi lo chồng thêm nỗi buồn rất thật là bị ban giám hiệu khiển trách. Chuyện buồn ở cơ quan mang về nhà, nên bà chẳng còn tâm trí đâu chăm sóc chồng con. Bà như mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn...

Tích cực thay đổi nội tâm

Các nhà tâm lý cho rằng, lo âu, sợ hãi là dấu hiệu của sự yếu đuối, bất lực, không đủ khả năng đương đầu với khó khăn, thử thách. Người hay lo âu sẽ khiến cho cuộc đời của họ u ám, dang dở và khi có niềm vui, họ cũng không thể trọn vẹn thụ hưởng.

Theo bác sĩ Đặng Hoàng Hải, Trưởng Khoa Nội trú nữ Bệnh viện Tâm Thần TPHCM, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm vì âu lo đang ngày càng tăng. Khi những nỗi lo tích tụ không được giải quyết, họ thường có những biểu hiện: buồn, khó ngủ, chán đời, trống rỗng, tuyệt vọng... những biểu hiện ban đầu của căn bệnh trầm cảm. Khi đã lập gia đình, đối với người phụ nữ, chồng con là điều quan trọng số một, nên họ lại càng có thêm bao nỗi lo. Cuộc sống hiện đại với những áp lực, đòi hỏi cao của công việc cũng luôn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hôn nhân. Vì thế, tư duy tích cực đang được coi là một giải pháp giảm "stress" hiệu quả. Hạnh phúc gia đình có liên hệ mật thiết với cách suy nghĩ lạc quan.

Bác sĩ Phạm Thịnh, cộng tác viên của Trung tâm NT, đưa ra một ví dụ: "Khi kiểm tra lại ngân sách gia đình, cùng một hoàn cảnh, thu nhập và điều kiện sống, bà vợ lo âu sẽ sợ hãi "Chỉ còn có 5 triệu đồng", nhưng bà vợ lạc quan sẽ phấn chấn "Vẫn còn những 5 triệu đồng". Thái độ lạc quan sẽ giúp bà vợ bình tĩnh, sáng suốt tính toán cách thu chi hợp lý và tìm cách tăng thêm nguồn thu. Có tư duy tích cực, cái nhìn về phía người bạn đời cũng sẽ không nặng nề, moi móc, không chỉ thấy toàn khuyết điểm mà sẽ nhìn ra được cái tốt của nhau, để cư xử với nhau bao dung, hiền hòa, giúp nhau hoàn thiện bản thân".

Muốn hết lo phải biết tìm cách phòng ngừa, tác động vào hoàn cảnh và tìm phương pháp giải quyết những gì đang đến. Đạt được điều mong muốn cũng là lúc nỗi lo tan biến. Nếu sợ thất nghiệp, phải cố gắng rèn luyện kỹ năng làm việc. Muốn đỡ lo con cái hư hỏng, phải biết cách giáo dục con. Muốn không bị phản bội, bỏ bê, gia đình ly tán, thì ngay từ ngày đầu chung sống, hai "đương sự" phải biết "đầu tư" tình cảm cho nhau, cùng nhau xây dựng một mái ấm chung.

Theo bác sĩ Phạm Thịnh, trong những trường hợp không thể thay đổi được hoàn cảnh, không "còn nước để tát", thì cần tích cực thay đổi nội tâm. Khi cuộc hôn nhân đã bế tắc, đã cạn kiệt tình yêu thì nên nhìn về ly hôn với một tâm trạng tỉnh táo; có thể có buồn phiền, tiếc nuối nhưng không giận dữ, thù hận, đạp đổ... Thời gian sẽ xóa đi nhiều thứ, mang đi mọi nỗi đau. Có những... lúc phải trải qua những bi kịch gia đình tưởng chừng người trong cuộc không thể nào chịu nổi, nhưng rồi họ vẫn sống. Tuy nhiên, sống như thế nào, an bình hay cay đắng là tùy vào lối tư duy tích cực hay tiêu cực.