Sống không cần đàn ông?
Thượng đế sinh ra có đàn ông và đàn bà để kết hợp nhau làm nên thế giới này. Nhưng trên thế giới muôn màu vẫn có những con người thích sống độc thân, thậm chí những hội độc thân ra đời
Từ khi bước vào đời sống hôn nhân, tôi bắt đầu có những quan sát khác về những cuộc hôn nhân. Tôi thích nhìn ngắm những cuộc hôn nhân hạnh phúc, cũng rất quan tâm đến những cuộc hôn nhân tan vỡ, để có thể lý giải vì sao, vì sao và vì sao họ đến với nhau bằng tất cả tình yêu nồng nàn, hiến dâng, để rồi tan vỡ.
Hội những người độc thân
Một lần tôi tình cờ biết được một cái “hội” kỳ lạ: “Hội những người độc thân”, tập hợp những người thích độc thân. Họ là ai? Tìm hiểu, tôi thấy họ là những người đàn ông, đàn bà độc thân thực sự. Đa số họ là trí thức, có người là giáo viên, nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, có người có bằng MBA, tiến sĩ hẳn hoi. Cũng có người tình duyên một lần lỡ dở, quyết chí gia nhập hội để tránh mọi cám dỗ của lưới tình. Họ có sinh hoạt rất lành mạnh. Thứ bảy, chủ nhật khi thì họ tổ chức những chuyến dã ngoại lý thú, khi thì đến nhà nhau làm một bữa cơm thân mật, đàn ca hát xướng cùng nhau, khi thì tổ chức thảo luận chuyên đề, nhiều đề tài khá thú vị. Tôi có dịp đi cùng họ và hiểu rằng họ thực sự hạnh phúc với quan niệm sống của mình.
Bẵng đi một thời gian, anh T., một MBA tốt nghiệp ở Úc, gởi cho tôi một thiệp hồng! Tôi thực sự ngạc nhiên, một con người tôn thờ chủ nghĩa độc thân cực đoan như T. sao có chuyện lập gia đình? Tò mò, xem thiệp hồng, tân giai nhân chẳng ai khác là cô giáo Nh. xinh đẹp cũng trong cái hội độc thân ấy! Sinh hoạt cùng nhau trong hội độc thân, anh chị đem lòng yêu nhau tự khi nào và họ quyết tâm sống có nhau. Một thời gian sau nữa, một đôi khác trong hội ấy lại nên vợ nên chồng. Thế là “hội độc thân” đó tự nhiên giải tán!
Vậy thì, có thực sự con người thích sống độc thân? Không, chẳng ai thích sống một mình cả, chẳng qua là vì hoàn cảnh buộc họ phải sống như thế. Nhiều người có cùng hoàn cảnh như thế cho nên chủ nghĩa độc thân xuất hiện ở đâu đó, cái hội độc thân xuất hiện bất chợt để cho chính những con người độc thân ấy bớt cô đơn, vậy thôi.
Tôi biết một cô giáo có hơn 30 năm dạy học, độc thân. Vì một biến cố trong cuộc sống làm cho cô căm thù đàn ông và quyết tâm sống độc thân, không cần đàn ông. Cô sống hạnh phúc, tung tăng, tự do trong cái sự tự do tuyệt đối, trong khi bạn bè cô bận bịu, lo toan vì chồng vì con. Nhưng bắt đầu từ tuổi 40 trở đi cô cảm thấy cô đơn kỳ lạ, nhất là khi nhìn gia đình những đứa cháu sum vầy. Rồi cô tự trách mình thuở còn trẻ quá kén cá chọn canh để rồi qua tuổi 50, cô cảm thấy rằng mình cần một bờ vai của người đàn ông như thế nào. Nhưng ở lứa tuổi đó, một bờ vai của người đàn ông, nếu có kiếm được chắc chắn nó cũng không còn khỏe mạnh như bờ vai của chàng trai trẻ...
Chuyện của nhà văn Doris Lessing
Bà là nhà văn đấu tranh cho nữ quyền nổi tiếng - giải Nobel văn chương 2007. Thông báo của Ủy ban Giải Nobel thế giới tháng 10-2007 viết về bà: “Người đã viết nên những trường ca về những trải nghiệm của người đàn bà và cái nhìn hoài nghi, rực lửa, tiên tri, đã soi rọi một nền văn minh bị phân hóa...”. Bà cũng là một người đàn bà từng không cần đàn ông, trải qua vài cuộc hôn nhân, rồi tự nguyện từ bỏ nó để sống theo sở thích của mình. Ở tuổi 87, D. Lessing vừa mới phát hành tác phẩm The Cleft. Tác phẩm này D. Lessing mô tả một thế giới không có đàn ông và tất nhiên cuộc sống cũng không có tình dục. Nhưng vẫn có những đứa trẻ được sinh ra (không biết bằng cách nào, sinh sản... vô tính chăng?) và chúng cũng đều là con gái cả! Cuối cùng thì cũng có một bé trai chào đời. Những người đàn bà sống không cần đàn ông đó coi bé trai ấy như một con quái vật, quẳng nó đi nhưng nó vẫn cứ tồn tại. Thế rồi một cộng đồng đàn ông hình thành. Tất nhiên, những người đàn bà tuyên bố sống không cần đàn ông ấy khinh bỉ, ghê tởm bọn đàn ông. Nhưng rồi cuối cùng không thể cưỡng lại sự hấp đẫn của đám đàn ông, một cô nàng đã dám yêu một người đàn ông, để rồi những đứa trẻ có cha có mẹ đầu tiên được ra đời. Kể từ đó, những bi kịch của đám đàn ông – đàn bà xuất hiện!
Đó cũng là cách lý giải mâu thuẫn giữa đàn ông – đàn bà tồn tại từ khi loài người biết yêu đến giờ của nữ văn sĩ D. Lessing. Có lẽ chính vì sự mâu thuẫn đó mà có những người đàn bà, những người đàn ông tuyên bố tôn thờ chủ nghĩa độc thân? Và trên thực tế, chủ nghĩa cực đoan ấy chẳng bao giờ tồn tại. Vì sao ư? Vì chính những mâu thuẫn tưởng chừng như bất tận ấy làm cho tình yêu đa sắc, đa cung bậc, đa thanh...
Và chuyện của ba người đàn bà cô đơn
Ở xóm tôi có ba người đàn bà cô đơn. Họ cũng có chồng có con nhưng tất cả đã ly thân hoặc ly hôn. Tết vừa qua, mùng 2 Tết, tôi sang nhà họ để chúc Tết và lì xì cho những đứa bé quá dễ thương. Ba người đàn bà đang chuẩn bị bữa tiệc tân niên. Họ năn nỉ mời tôi ở lại dự cùng họ. Tôi quan sát họ làm bếp rất vui, nhưng đến khi vào tiệc, tự nhiên tôi cảm thấy buồn dễ sợ. Bữa tiệc đầy những món ngon, trên bàn thờ không thiếu rượu, ngay cả bàn thờ ông Địa cũng có cặp rượu vang. Những đứa trẻ chẳng buồn ăn, chúng ra sân chơi cùng những đứa bạn hàng xóm. Tôi bảo họ, nên có ly rượu mừng xuân và xin phép được về nhà lấy chai rượu. Người mẹ cười như có lỗi, bảo nhà có rượu nhưng chẳng ai uống được... Rồi bà cũng khui một chai rượu vang, rót vào 4 ly cho 4 người đàn bà. Cuối cùng 4 ly rượu còn gần như nguyên vẹn sau bữa tiệc toàn đàn bà! Một bữa tiệc tân niên buồn bã nhất trong cuộc đời mà tôi từng dự...
Buổi tối, những người phụ nữ xóm tôi thường đi bộ tập thể dục. Bà mẹ hàng xóm đi cùng tôi một đoạn. Tôi quá tò mò muốn hỏi bà một điều gì đó nhưng không thể mở lời. Tự nhiên bước chân tôi chậm lại để bà vượt qua. Dáng bà cô độc đến lạ thường trong ánh đèn đường mờ ảo như cuộc đời bà, cuộc đời của hai người phụ nữ cô độc như con bà. Bà đang đi bộ để duy trì cuộc sống, để tồn tại, và để... tự chiêm nghiệm một thế giới không có đàn ông?
Về nhà, chờ chồng con đi ngủ, tôi viết bài viết này. 23 giờ, không gian yên tĩnh đến lạ thường. Tôi vén màn lên giường cùng chồng con. Tôi ngắm chồng tôi trong ánh đèn ngủ xanh mát; con trai 3 tuổi của tôi đang ngủ bình an, đôi tay nó dang rộng như chào đón cuộc đời... Tôi đặt lưng xuống giường, nói nhỏ vào tai chồng: “Em cần anh biết chừng nào...”. Chồng tôi mở mắt ngạc nhiên, cười: “Hôm nay em viết tiểu thuyết à?”.
Không, tôi không viết tiểu thuyết, mà chính là cuộc đời. Tôi cần anh, tôi cần chồng tôi. Tôi, người phụ nữ bình thường không cần những hội độc thân xa xỉ. Và bất kỳ người phụ nữ nào, người đàn ông nào cũng cần một nửa của nhau, trừ phi họ có khuyết tật bất thường về giới tính – và điều đó hình như chỉ có thượng đế mới hiểu được họ...