Sự lựa chọn ứng xử trong yêu - ghét

"Yêu nhau cau sáu bỏ ba Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười" Vâng, từ cái thời ''miếng trầu là đầu câu chuyện'', ông bà ta đã diễn đạt sức mạnh tình yêu dung dị và gần gũi như thế, song ý nghĩa cũng đượm đầy sự tinh tế. Yêu thì những muốn cho nhau thật nhiều, bớt đi muôn phần tính toán.

 Đến khi ghét thì không chỉ muốn lấy lại tất tật mà còn "băm" nhỏ vấn đề ra, "soi rọi", xem xét nữa kia! Với tâm hồn giản đơn chân chất của nền văn minh lúa nước, người xưa không biết đưa ra đủ thứ lý luận phân tích về tình yêu như con người hiện đại chúng ta ngày nay. Thế nhưng, ngẫm kỹ sẽ thấy người xưa nói đâu khác gì so với điều bây giờ chúng ta đều biết: Tất cả chỉ là sự lựa chọn - quả cau nho nhỏ cái vỏ vân vân được bổ ba hay bổ ra làm mười tất cả đều do sự lựa chọn ứng xử trong yêu - ghét.

Yêu thì mọi chuyện dễ dàng rồi! Dễ dàng cảm thấy muốn học "nói" bằng ngôn ngữ tình yêu của người kia, dễ dàng để chọn lựa ứng xử bỏ qua, tha thứ, thông cảm. Nhưng, làm sao để yêu khi trái tim bị tổn thương, thậm chí khắc nghiệt hơn, khi nỗi đau đã biến thành nỗi hận?

Có ai đó đã định nghĩa hôn nhân là một quá trình va chạm và bào mòn để đi đến một sự cân bằng của hai người trong một cuộc sống chung. Xem ra trong cuộc sống vội vã tốc độ theo đuổi nhiều mục tiêu và nhiều hưởng thụ hơn như hiện nay, người ta không có thời gian để chờ đợi cho cái tôi gai góc của mỗi bên bị "bào mòn" hòng đi đến một sự cân bằng nữa. Ghi nhận mới về xã hội hiện nay là: Đường cao tốc rộng rãi hơn nhưng tâm tính con người nóng nảy hơn, quan điểm hẹp hòi hơn; nhà cửa đẹp đẽ hơn nhưng tổ ấm tan vỡ nhiều hơn.

Công việc là một điều rất quan trọng đối với người đàn ông. Điều đó vốn đã được thiên nhiên "cài đặt" từ ngàn xưa nay lại được quá trình tiến hóa văn minh của xã hội loài người "cài đặt" thêm lần nữa thành một nhu cầu cao cấp: Phát triển và thể hiện mình. Có làm ăn là phải có xã giao bạn bè, đối tác. Đàn ông thấy dễ dàng lựa chọn giảm bớt thời gian dành cho vợ con để dành cho những cuộc đãi đằng, những "chầu" tennis giữ quan hệ, những chuyến khảo sát thị trường dài ngày...

Trong khi đó, mặc dù cũng được "cài đặt" thêm nhu cầu phát triển và thể hiện mình như đàn ông vậy, nhưng với di truyền hàng ngàn năm gien mã hóa làm người bảo vệ tổ ấm, phụ nữ - nhất là phụ nữ thuộc các nền văn hóa phương Đông - vẫn xem chồng con, gia đình là tất cả. Độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ ngày nay lớn hơn cách đây vài thập niên rất nhiều, vì họ muốn dành thời gian học hỏi và xây dựng sự nghiệp. Nhưng một khi đã quyết định lập gia đình, đa số phụ nữ vẫn lựa chọn dành nhiều thời gian cho chồng con, cho tổ ấm.

Xã hội hiện đại và những di truyền sinh học đang đặt hai phái vào một mâu thuẫn tréo ngoe!

Thoạt tiên mơ hồ xuất hiện cảm giác "gia đình chẳng là gì cả đối với anh ấy!". Rồi cảm giác đó lớn dần thành mâu thuẫn: Cái gì cho gia đình thì qua quýt, con "cái ngoài đường" thì hết lòng hết sức! Chưa kể đến nếu phát hiện có chuyện "gác tay" trong những lần vui vẻ thù tạc gì đó thì tình hình lại càng đen tối thêm! Rồi tiếp tới là những lời lẽ nặng nề xúc phạm nhau xuất hiện, "không hiểu chồng lo chuyện làm ăn muốn bạc đầu mà chỉ biết trách móc, đòi hỏi, mè nheo! Cứ tưởng như còn lúc son rỗi, thật không biết điều!", chẳng hạn. Trong nỗi hận, người ta chỉ nhớ và càng "bám bổ" chi li từng lời lẽ, từng hành vi đã làm mình tổn thương! Rồi kể tội nhau ra, lên án những gì lẽ ra bên kia phải làm mà không làm! Chiến tranh hết nóng rồi lạnh, thậm chí suốt một thời gian dài vợ chồng không còn gần gũi nhau. Cô đơn ngay trong tổ ấm của mình làm người ta ảo tưởng về một "bến bờ xa lắc" nào đó - người thứ ba - là gần gũi hơn, thích hợp hơn và tự hỏi liệu có quyền lựa chọn lần nữa chăng!

Tất cả là ở sự lựa chọn, đúng vậy. Chỉ có điều, khi đã định nghĩa rằng mình bị tổn thương, người ta dễ lựa chọn phản ứng "đáp trả" -"anh ta có bao giờ quan tâm đến việc tôi muốn gì đâu, tại sao tôi lại phải lo tìm xem anh ấy cần gì chứ?" hơn là lựa chọn một hướng đi mới nào đó mà cả hai đều có thể làm được để thoát khỏi cái cung cách hiện đang dành cho nhau. Những người vợ vẫn quan tâm chăm chút cho chồng dù bị bỏ bê thậm chí bị phản bội hay bị bạn bè người thân cho là "tội gì phải khổ như thế kia chứ!". Đôi khi, chính vì sợ thái độ đó của mọi người xung quanh mà chúng ta chọn lựa "đáp trả", dù làm vậy chẳng thấy vui sướng gì, hơn là chọn lựa một điều gì đó tích cực. Và cũng có khi người ta sợ "quê'' với chính mình: "Anh (cô) ấy sẽ nghĩ rằng vì mình sợ mất nên mới làm vậy!".

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh - tình huống gia đình là muôn hình muôn vẻ tưởng như không thể có công thức chung. Vậy mà có đấy. Cũng như khi yêu, bạn tự do và độc lập trong sự chọn lựa cách giải quyết mâu thuẫn của mình. Đừng sợ bị người khác chê cười, đừng sợ "quê" với cái tự ái ngút ngàn trong chính con người mình. Tìm một cách sống khác mà cả hai có thể làm được để hài lòng về nhau hay tìm những lỗi lầm của nhau để ngày càng xa rời nhau - tất cả là ở sự lựa chọn. Có những lựa chọn sẽ khó thực hiện lắm, với cõi lòng tan vỡ thất vọng, nhưng đáng để bạn thử vì nếu có tác dụng thì kết quả rất ngọt ngào. Có những lựa chọn dễ làm vô cùng và có thể đem lại chút hả hê cho nỗi tự ái rất con người trong lòng bạn, nhưng kết quả thường chỉ là một tổ ấm tan vỡ! "Ngàn năm nỗi đau hoa kiếp mây ngàn cô đơn biển cạn". Bạn luôn có toàn quyền chọn lựa điều gì để được dễ chịu thoải mái, chỉ cần nhớ rằng nếu nỗi đau hóa thành nỗi cô đơn thì ngay cả biển cũng cạn!