Tác hại phim sex đến đời sống dân châu Á
Châu Á có nền văn hóa phương Đông trầm mặc, đầy sức sống nội tâm và những tôn giáo, triết học tinh tế, sâu sắc. Thành trì của những giềng mối văn hóa đó ngày càng bị phá vỡ bởi những tác động ngoại lai, lối sống thiếu chọn lọc, trong đó có ảnh hưởng của dòng phim sex
Thái Lan, Philippines
Phim sex luôn được quảng cáo và bán buôn qua mạng Internet với các trang web sex. Phim sex nở rộ ở Thái Lan đang là một vấn nạn xã hội và Bộ Thông tin Thái Lan đang cố gắng ngăn chặn để khỏi ảnh hưởng xấu đến “thể diện” quốc gia. Bà Maneerat (thư ký của Bộ Thông tin Thái Lan) cho biết Thái Lan là một trong năm nước dẫn đầu về các trang web sex (không nói rõ tên bốn nước khác). Cơ quan chức năng không thể phạt chủ nhân các trang web sex, vì họ đăng ký lập trang web ở nước ngoài. Các sex shops ở Thái cùng với tai tiếng các sex tours đã gắn liền vương quốc này với HIV/AIDS. Theo số liệu của www.avert.org/aidsthai.htm, có 780.000 nam nữ trên 15 tuổi và 16.000 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống mắc căn bệnh thế kỷ (năm 2006 dân số Thái là 64.631.595).
Ở Philippines, phim sex (bomba-phim bạo) bùng nổ từ thập niên 1970 cũng rất bạo liệt, cả phim về đồng tính, trai gọi, gái nhảy... Một số nhà nghiên cứu cho rằng phim bomba của Philippines sinh ra từ đói nghèo, bạo lực và phạm pháp dưới thời Tổng thống F.Marcos.
Ấn Độ
Ấn Độ gọi phim sex là “phim xanh” (blue movies). Chiếu phim sex ở Ấn là phạm pháp nhưng mọi thành phố đều có các suất chiếu ở rạp vào buổi sáng.
Trung tâm kiểm duyệt phim CBFC (the Central Board of Film Certification) thường xuyên xung đột với công chúng và các nhà làm phim. Dân Ấn chỉ trích rằng CBFC hành xử quyền lực quá đáng: những màn khiêu vũ kích dục, cảnh cưỡng hiếp hay dâm ô bị cấm đã đành, nhưng cảnh làm tình giữa các đôi tình nhân, thậm chí hôn nhau cũng bị cấm. Đạo diễn Shekhar Kapoor, vì bị cắt mất mấy cảnh sex nóng bỏng trong phim Elizabeth, đã mắng CBFC là “bọn ngu dốt, vô trách nhiệm, phách lối, độc tài”.
Tháng 7-2002, ông Vijay Anand, Chủ tịch CBFC, nói: “Kinh doanh phim sex đang phát đạt ở Ấn vì dân chúng có nhu cầu. Chúng tôi không sao kiểm soát được nên phải cố điều tiết nó”. CBFC đành áp dụng giải pháp hợp thức hóa phim sex bằng cách cho chiếu công khai tại các rạp có giấy phép đặc biệt.
Ấn Độ là quê hương của sách tình dục Kama Sutra (Kinh yêu đương) truyền lại từ thế kỷ IV trước Công nguyên. Ngày nay, người Ấn không thèm đọc sách nữa vì có sẵn nhiều bộ phim màu Kama Sutra (VHS, VCD, DVD...) do các cặp diễn viên thực hiện theo mọi bài bản mà tổ tiên họ từ xa xưa đã ghi chép thành kinh điển. 80,5% người Ấn theo đạo Bà La Môn (thống kê năm 2001), mà các đền thờ của họ thì trang trí phong phú các tượng nam nữ đang thực hành sex. Thế nên “phim xanh” tràn lan đất Ấn và chính quyền phải “thỏa hiệp” như biện pháp nói trên của CBFC có lẽ là điều cũng dễ hiểu!
Nhưng thực trạng phim sex bùng nổ ở Thái và Philippines lại là khía cạnh khác. Theo www.cia.gov/.../factbook, 94,6% dân Thái là phật tử và 80,9% dân Philippines là Thiên Chúa giáo cùng với 12,6% dân Philippines đi theo các hệ phái Tin Lành (thống kê năm 2000). Phải chăng ngày nay luân lý nhà Phật và giới luật nhà Chúa đã không đủ sức mạnh ngăn cản được lối sống chạy theo nhục dục và làn sóng phim sex của xã hội Thái, Philippines?