Vì sao tình yêu thay đổi?
Khi đã yêu ai chúng ta thường tin rằng, tình yêu ấy không bao giờ thay đổi. Đã yêu tất phải tiến tới hôn nhân và đã cưới là sẽ chung thủy suốt đời. Không mấy ai nghĩ rằng, tình yêu luôn luôn ở trạng thái “động”. Nó như cái ngân hàng, tiền luôn được gửi vào và rút ra. Nếu biết cách làm cho số dư tài khoản của mình lớn dần lên thì bạn sẽ trở thành triệu phú. Còn nếu bạn cứ rút dần đi thì chắc chắn sẽ khánh kiệt.
Liên và Hùng đều là sinh viên năm thứ 3 Đại học Xây dựng. Họ yêu nhau từ năm thứ 2. Sau bao nhiêu thề thốt, tin chắc ra trường sẽ cưới, họ dọn về ở với nhau trong một căn phòng trọ cho đỡ phải hẹn hò mất thì giờ, vì trước sau chẳng là vợ chồng.
4 tháng đầu, cuộc sống chung diễn ra suôn sẻ. Nhưng có một điều cả hai người trẻ tuổi đều không ngờ, là nuôi dưỡng tình yêu không giống như người ta nuôi lợn, càng hay ăn nó càng chóng lớn. Con quái vật tình yêu ăn no lại giở chứng, hết bệnh nọ đến tật kia, được nửa năm thì xem chừng nó muốn thở hắt ra.
Biểu hiện ban đầu là Hùng hay đi khỏi nhà các buổi chiều. Hỏi đi đâu thì có vẻ khó chịu. Hỏi lắm, nói bừa là lên thư viện nhà trường đọc sách, hoặc đến thăm thằng bạn cùng quê. Liên chỉ cần mấy miếng võ vặt kiểm tra biết ngay anh chàng nói dối như cuội.
Thế là cô bí mật theo dõi bắt quả tang chàng ta đã có bạn tình mới. Khi bị truy hỏi, mới đầu Hùng chối bai bải, làm như oan ức đến nỗi tức điên lên chỉ muốn đập tan tành nồi niêu bát đĩa. Nhưng khi bị Liên đưa ra bằng chứng không cãi được nữa, thì anh ta chơi bài cùn: “Ừ đấy, làm gì nhau nào?”. Thế là Liên chỉ còn biết khóc.
Càng nghĩ càng căm. Đúng là “Thề con trê chui ống”. Nhưng còn đau hơn khi Liên gặp tận mặt kẻ tình địch. Không thể hiểu được nó hơn mình ở chỗ nào? Hóa ra, chỉ hơn là “của lạ” trong khi mình đã quá quen. Tình yêu như cái bánh càng ăn ngốn ngấu càng chóng hết.
Sự thay đổi của tình yêu diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, làm cho bao nhiêu trái tim tan nát. Rồi vết thương lại lành, người ta lại hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao. Tình yêu vẫn đẹp sao” và lại lao vào tình yêu mới. Nhưng nếu không rút kinh nghiệm rất có thể lại đi vào vết xe đổ.
Tại sao có hiện tượng đó? Nhà tâm lý học Điểu Vũ Canh (Trung Quốc) trong cuốn “Những bí mật của đàn ông” khẳng định: “Một người đàn ông dù đã có người yêu hay vợ đẹp, vẫn có thể ngủ với một người khác dù không lấy gì làm đẹp”. Ông giải thích thêm: “Khi bạn rơi vào trường hợp như vậy, bạn thường băn khoăn tự hỏi không hiểu mình có lỗi gì khiến anh ấy chán? Nhưng đó không phải là nguyên nhân thực sự của vấn đề.
"Sở dĩ một người đàn ông có thể thay đổi bạn tình chỉ vì anh ta luôn thích cái mới”. Ông cho rằng: “Mới lạ là chất xúc tác cực mạnh trong sinh hoạt tình dục của đàn ông. Rất nhiều người có lối suy nghĩ đó, không loại trừ người đàn ông của bạn. Hãy tin điều tôi nói”. Có lẽ đúng thế! Nếu không, bao nhiêu chuyện bồ bịch, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” đã chẳng còn và những kẻ sống bằng nghề “buôn phấn bán hoa” chắc chắn là... thất nghiệp.
Nhà tâm lý hiện đại người Mỹ Williams Harley cũng cho rằng, đặc điểm của đàn ông là thích khám phá, thích thám hiểm những miền đất lạ. Từ Magielan đi vòng quanh thế giới đến Christophe Colombo tìm ra châu Mỹ không có ai là đàn bà. Hình như sự khát khao cái lạ có trong “gen” di truyền của phái mạnh. Từ đứa bé con trai mới ba, bốn tuổi đã biết phá đồ chơi ra để xem trong bụng có cái gì mà nó chạy được, trong khi hầu như chẳng có bé gái nào xử sự như thế.
Cũng rất ít khi có phụ nữ ngoại tình nếu họ đang sống hạnh phúc với chồng con. Thường họ chỉ “ăn nem” khi không có tình yêu trong hôn nhân hoặc bị chồng “ăn chả” nên làm như thế để “trả thù”. Cho nên, có trường hợp, khi thấy người đàn ông bị đồn về tội ngoại tình, có người vẫn cố cãi: “Vô lý, vợ anh ta như thế, đời nào anh ta lại ngoại tình”. Những người nói vậy là chưa hiểu gì về đàn ông.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản Wanataba Junichi xác nhận, đàn ông là động vật mang trong mình tính hiếu kỳ mạnh mẽ về tình dục mà phụ nữ không thể tưởng tượng nổi. Nếu bạn trông thấy đám đàn ông ở Bangkok (Thái Lan) bỏ tiền mua vé ngồi xem các cô gái khỏa thân múa may trên sàn diễn, bạn sẽ thấy đàn ông hiếu kỳ đến thế nào. Hẳn bạn sẽ thất vọng trước phẩm chất thấp hèn này của họ, vì nó rất gần với bản năng sinh dục của động vật.
Nhưng trong tự nhiên, chính nhờ dục vọng vô cùng tận của con đực khiến nó không ngừng theo đuổi các con cái khác lạ mà giống loài mới nảy nở sinh sôi, tồn tại đến bây giờ. Nếu mỗi con đực cứ chung thủy suốt đời với một con cái thì có khi nhiều loài đã diệt chủng từ lâu rồi. Tuy nhiên, xã hội loài người có những quy tắc đạo đức khiến đàn ông không thể hành động tùy tiện như vậy. Nhưng dẫu sao, tính hiếu kỳ về giới, cũng như sự ham muốn “của lạ” trong đàn ông vẫn là đặc tính di truyền đã được tạo hóa “cài đặt” trong gien của họ từ hàng triệu năm. Tính hiếu kỳ mãnh liệt này với tình yêu là hai lĩnh vực khác nhau, nhiều khi giữa chúng không có liên hệ nào hết.
Phương thuốc hiệu nghiệm để đàn ông không thay đổi là người phụ nữ phải luôn hấp dẫn họ. Chẳng ai bỏ người yêu khi mà anh ta còn khao khát, còn mải miết chinh phục. Người con gái tự nguyện “sống thử” với người yêu là tự mình làm mất đi những khao khát đó và chắc chắn họ phải hứng chịu hậu quả không mong đợi.
Nhưng trong thực tế, có cô gái “sống thử” đến ba, bốn lần mà vẫn không rút ra được điều đơn giản đó. Có người còn lập luận sao không ít đôi vợ chồng vẫn chung thủy suốt đời? Họ không phân biệt được “sống thử” với “sống thật”. Nó giống như người “thuê nhà” với người “mua nhà”.
Với cái nhà đi thuê, người ta luôn có tư tưởng tạm bợ. Không thích cái gì họ yêu cầu người chủ phải sửa theo ý họ. Chẳng tội gì sửa mình đi cho hợp với căn nhà thuê. Nếu không sửa, họ đi thuê chỗ khác. Và người chủ nhà không muốn mất khách thì phải chiều theo ý họ.
Cho nên thời gian “sống thử” càng lâu thì nếp nghĩ ấy càng ăn sâu và ngay cả sau khi kết hôn, họ mang theo nếp nghĩ ấy vào cuộc hôn nhân, nó càng tàn phá cuộc hôn nhân của họ. Điều đó giải thích vì sao những đôi “sống thử” rồi mới kết hôn, lại ly hôn nhiều hơn những đôi trước đó sống riêng? Nhưng với cái nhà đã “mua đứt bán đoạn” rồi lại khác. Rõ ràng cái nhà có thể ở được, vì thế bạn mới mua. Nếu có chỗ nào chưa hài lòng bạn phải chấp nhận. Nếu cần, phải thay đổi cách sống của mình đi cho hợp với căn nhà.
Các cụ nói “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” là thế. Đó là chưa kể hôn nhân còn ràng buộc bằng nhiều cái khác về pháp lý, về con cái, họ hàng, bè bạn. Trong khi tình yêu chỉ có mỗi sợi dây ràng buộc duy nhất, đó là tình yêu.
Có thể nói, hay thay đổi là thuộc tính của tình yêu, nhất là đối với nam giới. Biết được điều này chúng ta sẽ có cách trị cái tính ấy. Chẳng phải bằng theo dõi, giám sát không thôi mà bằng cách trói chặt anh ta bằng một thứ lạt mềm. Đó là luôn hấp dẫn anh ta. Mà muốn hấp dẫn thì đừng để nhàm chán.
Có người yêu đến độ mỗi ngày gặp nhau cả mười. Chiều nhau đến độ rủ một câu là đi “nhà nghỉ”. Đi nhiều đến nỗi hỏi bao nhiêu lần rồi không nhớ nổi nữa.
Rồi thuê phòng ở với nhau như vợ chồng. Sống thử chưa đến một năm, hai lần đi nạo phá thai. Yêu như thế mà tình yêu không thay đổi mới lạ. Và việc họ bỏ mình chạy theo người khác là điều chắc chắn sẽ xảy ra.