TP HCM: 3 dự án giao thông trọng điểm mang niềm vui cho người dân
(NLĐO)- Nhiều dự án giao thông trọng điểm được TP HCM khánh thành, khởi công giúp nâng cao năng lực giao thông cho khu vực.
Sáng 19-4, Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa, quận Tân Bình chính thức khánh thành, thông xe toàn bộ, đưa vào khai thác nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Dự án có tổng mức đầu tư 4.848 tỉ đồng, mục tiêu hình thành trục giao thông đô thị mới kết nối trực tiếp với nhà ga T3 và mạng lưới giao thông trong khu vực.
Dự án xây dựng tuyến đường chính dài 4 km, mặt cắt ngang 30 đến 48 m, 6 làn xe; Xây dựng hầm chui tại nút giao đường Phan Thúc Duyện - đường Trần Quốc Hoàn dài 42 m, 2 làn xe. Ngoài ra, xây dựng cầu vượt rộng 17m với 4 làn xe dài 980 m trước nhà ga T3 – sân bay Tân Sơn Nhất. Song song đó là xây dựng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, tổ chức giao thông…
Dự án được khởi công ngày 24-12-2022, thông xe giai đoạn 1 (đoạn từ đầu tuyến đến đường Thăng Long) với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 10-8-2024.

Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đã đưa vào khai thác
Sáng cùng ngày, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức lễ thông xe kỹ thuật đoạn tuyến dài 21km từ nút giao Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đoạn tuyến đi qua huyện Bến Lức và Cần Giuộc (tỉnh Long An), huyện Bình Chánh và Nhà Bè (TP HCM). Tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào khai thác sáng 19-4

Tuyến cao tốc BẾn Lức- Long Thành đoạn thông xe sáng 19-4. (Ảnh VEC cung cấp)
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam, do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 57,8 km, đi qua địa bàn 3 địa phương: Long An (2,7 km), TP HCM (26,4 km) và Đồng Nai (28,7 km). Tổng mức đầu tư của dự án là 29.587 tỉ đồng, được thu xếp từ nguồn vốn vay JICA, ADB, vốn đối ứng ngân sách nhà nước và vốn của VEC.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ kết nối giao thông giữa miền Tây và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TP HCM, góp phần giảm áp lực cho các trục giao thông hiện hữu như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đến nay VEC đã đưa vào khai thác gần 30 km đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành
Tính đến nay, với hơn 21 km đoạn phía Tây và 7 km đoạn phía Đông (Phước An - Quốc lộ 51) đã được khai thác, toàn tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đã có gần 30 km đi vào hoạt động. Đây là nền tảng quan trọng để VEC tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn bộ tuyến dài 57,8 km vào năm 2026.
Ở cửa ngõ phía Đông, sáng cùng ngày, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM đã khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn thuộc Dự án Vành đai 2 TP HCM.
Dự án Xây dựng đường Vành đai 2 TP HCM (đoạn 1, đoạn 2) là dự án giao thông trọng điểm của TP, có mục tiêu xây dựng đoạn 1, đoạn 2 của tuyến Vành đai 2 TP HCM thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức với tổng chiều dài 6 km.
Khi hoàn thành, đoạn 1 và đoạn 2 của đường Vành đai 2 sẽ kết nối với đoạn 3 đang được nhà đầu tư thực hiện để khép kín đường Vành đai 2 trên địa bàn thành phố Thủ Đức, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông.

Phối cảnh đường Vành đai 2 TP HCM khi hoàn thành
Dự án có tổng chiều dài 6 km, gồm đoạn 1 có chiều dài 3,6 km, từ điểm giao đường D2 trước cầu Phú Hữu đến Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội. Đoạn 2 dài 2,5 km, từ Nút giao Bình Thái, xa lộ Hà Nội đến Nút giao đường Phạm Văn Đồng.
Dự án được chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng đường song hành hai bên trong lộ giới quy hoạch 67 m, vỉa hè….
Song song đó, xây dựng các nút giao thông như nút giao Bình Thái theo dạng hoa thị, nút giao với đường D2, Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú, nút giao thông khác mức với Vành đai 2. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của đoạn 1, đoạn 2 là 5.239 tỉ đồng. Riêng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 8.627 tỉ đồng.

Đường Vành đai 2 TP HCM khép kín sẽ giúp tăng năng lực giao thông cho cửa ngõ phía Đông
Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch 67m, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến chính 6 làn xe trong phần đất dự trữ ở giữa).
Sau gói thầu rà phá bom mìn, di dời hạ tầng kỹ thuật, theo chủ đầu tư, dự án sẽ khởi công gói thầu xây lắp tháng 9-2025, thông xe toàn bộ công trình vào dịp 30-4-2027.
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 2 TP HCM, Ban Giao thông sẽ cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Xây dựng nút giao thông An Phú, xây dựng Nút giao thông Mỹ Thủy, nâng cấp cải tạo đường Lương Định Của, cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, đường Vành đai 3 TP HCM.
Khởi công dự án Nâng cấp công trình thủy lợi hơn 773 tỉ đồng
Cùng ngày, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư) tổ chức lễ Khởi công dự án Nâng cấp công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn huyện Củ Chi từ Tỉnh Lộ 8 đến rạch Tra (Bắc Rạch Tra).
Báo cáo triển khai dự án, ông Văn Phú Thái, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị TP HCM, cho biết dự án có diện tích khoảng 3.054ha đi qua xã Bình Mỹ và xã Hòa Phú, huyện Củ Chi với tổng mức đầu tư là gần 773.6 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách. Theo ông Thái, dự án được thực hiện với mục tiêu phòng lũ, chống ngập úng và triều cường; góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao của thành phố; tạo động lực phát triển kinh tế du lịch ven sông Sài Gòn, cải thiện, kết nối nội vùng; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành, cảnh báo thiên tai (lũ, triều cường, ngập úng) cho vùng dự án.
Dự án đã được phê duyệt thiết kế xây dựng từ tháng 3-2025; khởi công các gói thầu xây lắp và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư từ tháng 4-2025 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2027" - ông Thái thông tin.