TP Hồ Chí Minh tiếp tục vươn tới
TP HCM không chỉ 50 năm rực rỡ tên vàng, mà sẽ mãi mãi tỏa sáng cùng non sông, đất nước...
Nhìn lại hành trình 50 năm qua, TP HCM không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là biểu tượng của tinh thần, nghị lực và khát khao vươn lên của dân tộc ta. TP HCM không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa mà còn là nơi tỏa sáng nghĩa tình, sự nhân văn cao cả và lòng nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam!
Biểu tượng nhân ái, đổi mới - sáng tạo và nghị lực
50 năm qua (30.4.1975 - 30.4.2025), Sài Gòn - TP HCM đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Từ giai đoạn tái thiết sau chiến tranh đến những năm tháng chuyển mình vươn tới, phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ Đổi mới của đất nước (1986)...
Ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Quyết nghị chính thức đổi tên TP Sài Gòn - Gia Định thành TP HCM. Đây là dấu son trong hành trình nửa thế kỷ qua, mở ra một chương mới trong quá trình phát triển! TP HCM rực rỡ tên vàng!
Những năm đầu sau giải phóng, thành phố tập trung tái thiết cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất, cải thiện đời sống người dân... Khi nền kinh tế kế hoạch được chuyển sang kinh tế thị trường, TP HCM bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhờ được "cởi trói", khơi thông nguồn lực sản xuất.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, Sài Gòn - TP HCM không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái, sự bao dung, tinh thần đổi mới - sáng tạo và nghị lực vươn lên của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển của thành phố về kinh tế - tài chính, hạ tầng - đô thị, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao... đã tạo nên hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại, năng động, cần cù, sáng tạo.
Đặc biệt, TP HCM còn là thành phố sâu nặng nghĩa tình. Bao nhiêu năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân thành phố này đều luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng bào cả nước và cả bạn bè quốc tế những khi gặp thiên tai, dịch bệnh.
Những năm qua, TP HCM nhanh chóng phát triển về hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã, đang và tiếp tục được xây dựng. Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất với đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng vừa được khánh thành vào ngày 19-4-2025 là một điểm nhấn quan trọng, không chỉ giải quyết vấn đề quá tải mà còn góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến.
Dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sau khi được đưa vào hoạt động cuối năm 2024 không chỉ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn tạo cảm hứng vươn tới. TP HCM đề ra mục tiêu xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 510 km vào năm 2045.
Sự cải thiện về hạ tầng không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần đưa TP HCM trở thành một trong những thành phố kinh tế năng động nhất trong khu vực.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ thành phố, tại Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, diễn ra ngày 15-4-2025Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đi đầu trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị đô thị
TP HCM ngày nay được ví là "động cơ" của nền kinh tế Việt Nam. Với vai trò là trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ, thành phố đã tạo ra hàng triệu việc làm và đóng góp một phần quan trọng vào ngân sách quốc gia. Nhờ có môi trường kinh doanh năng động, TP HCM không chỉ thúc đẩy sự phát triển nội địa mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu.
Sự hội tụ của nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu đã biến TP HCM thành "học viện" hàng đầu của cả nước. Trong những năm qua, nơi đây đã đào tạo hàng triệu nhân tài cho đất nước. Không chỉ là nơi "học", TP HCM còn là nơi "hành" lý tưởng, bởi thực tế cuộc sống vô cùng sôi động và phong phú. Đây thực sự là nơi "đất lành, chim đậu", là nơi hội tụ đủ 54 dân tộc anh em, bởi ai cũng có thể sống, có thể trưởng thành, phát triển sự nghiệp trên mảnh đất bao dung hiếm có này.
TP HCM cũng là một trong những đô thị đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), TP HCM đang tạo ra một hệ sinh thái số hiện đại, nơi mà các dịch vụ công - tư được thực hiện qua các kênh trực tuyến một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Những thành tựu về chuyển đổi số không chỉ giúp giảm thiểu chi phí vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, start-up và tạo cơ hội cho sự phát triển của ngành công nghệ cao trong tương lai. Bên cạnh đó, TP HCM cũng đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi xanh và xem đó là một trong những mục tiêu cần hướng tới.

Các nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Trung ương và TP HCM bấm nút khởi công dự án Khu Đô thị lấn biển Cần Giờ (TP HCM) hôm 19-4-2025Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM trong những năm gần đây tập trung phát triển văn hóa - thể thao, làm cho đời sống tinh thần của người dân thành phố ngày càng khởi sắc. Hàng loạt lễ hội văn hóa, sự kiện nghệ thuật quy mô lớn đã thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Các trung tâm văn hóa, bảo tàng, không gian sáng tạo... đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo nên một hình ảnh hiện đại, năng động.
Ngành công nghiệp văn hóa đang dần hình thành ở thành phố phương Nam này với các chương trình: "Anh trai say hi", "Anh trai vượt ngàn chông gai", Lễ hội Sông nước, Lễ hội Đường hoa, Lễ hội Đường sách, Lễ trao Giải Mai Vàng…
Trong nhiều năm qua, TP HCM luôn đi đầu trong việc xây dựng các mô hình quản trị đô thị. Các giải pháp quản lý thông minh như hệ thống giám sát giao thông, ứng dụng thanh tra điện tử, các hệ thống quản lý chất thải đã giúp thành phố từng bước kiểm soát tốt các vấn đề về môi trường và an ninh - trật tự đô thị. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa công nghệ và con người đã tạo nên một TP HCM hiện đại, linh hoạt và luôn tiên phong trong các sáng kiến phát triển bền vững.
Bên cạnh các khu đô thị như: Phú Mỹ Hưng, Vinhomes Grand Park..., ngày 19-4-2025, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ quy mô lên đến 2.870 ha, với công nghệ quản trị đô thị hiện đại đã được khởi công xây dựng, hứa hẹn sẽ là khu đô thị xanh, số hóa hiện đại, tiện ích hàng đầu khu vực, từng bước vươn tầm thế giới.

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (khởi công hôm 19-4-2025) cùng với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành trong tương lai gần sẽ tạo thêm động lực phát triển cho TP HCM và vùng kinh tế phía NamẢnh: HOÀNG TRIỀU
Động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước
Với việc xây dựng, vận hành thành công Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP HCM, trong tương lai không xa, thành phố sẽ trở thành "giao lộ" quan trọng của các dòng vốn đầu tư quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, nâng cao vị thế quốc tế.
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân, thành công vượt bậc của TP HCM trong 50 năm qua còn có sự đóng góp, hỗ trợ của các bộ - ban - ngành trung ương và các địa phương, bạn bè quốc tế. Đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp vào TP HCM làm việc nhiều lần. Ngày 17-8-2024, sau khi nhận nhiệm vụ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã vào thăm, làm việc với TP HCM và có nhiều chỉ đạo quan trọng đối với sự phát triển của thành phố.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, TP HCM là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, là nguồn cảm hứng cho các thành phố khác cùng nhau đổi mới và phát triển. TP HCM không chỉ ghi dấu ấn bằng những con số tăng trưởng ấn tượng mà còn bằng những giá trị tinh thần, văn hóa và tình người son sắt. Đây chính là minh chứng sống động cho ý chí, tài năng và nghị lực của một dân tộc kiên cường - một dân tộc luôn biết đứng dậy, cùng nhau kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn.
Trong kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và bền vững của dân tộc ta, TP HCM tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình. Với quy mô mới, nguồn lực mới và động lực mới, cùng với việc phát huy Nghị quyết 98 của Quốc hội, thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước, để TP HCM không chỉ 50 năm rực rỡ tên vàng, mà sẽ mãi mãi tỏa sáng cùng non sông, đất nước. TP HCM hôm qua, hôm nay và tương lai luôn luôn không ngừng vươn tới!
Nỗ lực vượt qua mọi thử thách
Trải qua hành trình gần 50 năm, TP HCM không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là biểu tượng của tinh thần, nghị lực và khát khao vươn lên của dân tộc Việt Nam. Từ những ngày chiến tranh đầy gian khổ cho đến khi bước vào kỷ nguyên phát triển, TP HCM đã nỗ lực vượt qua mọi thử thách để tạo nên một hình ảnh mới, một thành phố hiện đại, năng động, chăm chỉ và sáng tạo không ngừng. Những giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố, từ tinh thần nhân ái, sự sẻ chia cho đến khả năng đương đầu và vượt qua nghịch cảnh đã được thể hiện qua việc TP HCM luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng bào cả nước trong những đợt thiên tai, lũ lụt. Và khi TP HCM nằm trong tâm dịch COVID-19, cả nước đã hướng về TP HCM. Sự gắn kết, sẻ chia ấy thể hiện rõ nhất tinh thần Việt Nam với 4.000 năm lịch sử.
Yếu tố "con người TP HCM" quyết định sự thành công
Để có được những thành tựu đáng tự hào như hôm nay, một trong những yếu tố quyết định chính là "con người TP HCM" và vai trò của các thế hệ lãnh đạo TP HCM. Mảnh đất phương Nam này không chỉ là nơi hội tụ mà còn là nơi hun đúc, rèn luyện nên biết bao con người tài năng, sáng tạo, bản lĩnh, dám vượt qua cái cũ, vượt qua chính mình. Từ người lao động chân tay đến trí thức, doanh nhân, kỹ sư, nhà giáo, thầy thuốc, nhà quản lý, lãnh đạo... đều thấm đẫm "chất" TP HCM trong tư duy và hành động. Những con người ấy chính là "động cơ" quan trọng nhất đưa "đoàn tàu" TP HCM về đích thành công suốt nửa thế kỷ qua và tiếp tục thành công trong hành trình vươn tới tương lai.