Trải chiếu hoa, tạo ra sức bật lớn

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã mạnh dạn đầu tư những khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sau ngày thống nhất đất nước, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã mạnh dạn đầu tư những khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước

Sau hơn nửa thế kỷ phát triển công nghiệp, Đồng Nai đã được xếp vào tốp những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời, Đồng Nai được xem là một trong những địa phương đầu tiên phát triển khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam.

Mở đường

Cách đây 62 năm (năm 1963), khu KCN đầu tiên của tỉnh Đồng Nai được hình thành là Biên Hòa 1 với diện tích trên 300 ha, đây là KCN hình thành sớm nhất ở miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, chính quyền cách mạng tiếp quản và đặt tên là KCN Biên Hòa 1, có 76 doanh nghiệp (DN) sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, hóa chất, vật liệu xây dựng, lắp ráp máy móc, điện, điện tử.

Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tỉnh có 48 KCN. Hiện có 37 KCN được thành lập với tổng diện tích đất hơn 13.000 ha. Trong đó, 32 KCN đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy khoảng 86%.

Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có KCN, giải quyết việc làm cho gần 600.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Tính đến nay, có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh với hơn 1.500 dự án FDI, tổng mức đầu tư hơn 31,4 tỉ USD. Về đầu tư trong nước, có 649 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 88.000 tỉ đồng.

Tập đoàn Amata là một trong những DN tiên phong về phát triển hạ tầng KCN theo hướng xanh, bền vững. KCN Amata hiện là một trong 3 KCN được Trung ương chọn xây dựng điểm KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế. Đại diện Tập đoàn Amata khẳng định sẽ cùng các DN tiếp tục xây dựng, phát triển, hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất và đồng hành với tỉnh Đồng Nai trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng chú trọng đầu tư công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, sản xuất bền vững.

Tỉnh Sông Bé trước đây là gộp chung của 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước bây giờ. Sau thời kỳ đổi mới, Sông Bé chỉ được biết đến là một tỉnh nông nghiệp. Song, với cách nhìn nhận chỉ có công nghiệp mới thay đổi nền kinh tế và đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ đã kiên định với chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư".

Ông Nguyễn Minh Triết - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (giai đoạn 1991-1996), nguyên Chủ tịch nước - cho biết muốn phát triển, lãnh đạo tỉnh Sông Bé thấy rằng phải phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh không có vốn, kinh nghiệm cũng không, chỉ có đất, nên phải mời gọi DN trong và ngoài nước vào đầu tư. "Lúc này, mình kêu gọi với tư tưởng "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư". Chiếu hoa là đẹp, là lịch sự nhưng cũng mang hàm ý khi nhà đầu tư vào đây thì mình tạo thuận lợi cho họ, giúp đỡ họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc" - ông Nguyễn Minh Triết nói.

Nhờ vậy, giai đoạn 1991-1996, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng mạnh và năm 1996 đạt trên 2.324 tỉ đồng. Đến cuối năm 1996, tỉnh đã có 3 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động như Bình Đường, Sóng Thần, Tân Định… Đặc biệt, mô hình KCN Việt Nam - Singapore (liên doanh giữa Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Semcorp của Singapore) là minh chứng cho sự năng động, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, để hôm nay, đã trở thành KCN kiểu mẫu của cả nước.

Nhấn mạnh sự phát triển bứt phá của tỉnh, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, khẳng định những thành tựu đó nhờ vào tư duy nhạy bén và các quyết sách mang tính đột phá của Đảng bộ tỉnh Sông Bé (cũ). Cùng với đó, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã năng động, sáng tạo triển khai chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" và "trải thảm đỏ thu hút nhân tài" để huy động những nguồn lực, đón làn sóng đầu tư của các DN trong và ngoài nước đến xây dựng quê hương Bình Dương.

Trải chiếu hoa, tạo ra sức bật lớn - Ảnh 1.

Khu Công nghiệp VSIP ở Bình Dương là khu công nghiệp kiểu mẫu của cả nước. Ảnh: THANH THẢO

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Bình Dương hiện có 29 KCN đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 93%. Dự kiến đến năm 2030, Bình Dương có khoảng 42 KCN với tổng diện tích khoảng 25.000 ha, trong đó diện tích sử dụng đất KCN khoảng 18.600 ha.

Ngoài 29 KCN hiện hữu, tỉnh đang tập trung triển khai thành lập KCN Khoa học và Công nghệ, diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng và mở rộng các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Cây Trường. Song song đó là nghiên cứu phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, KCN đổi mới sáng tạo, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các KCN thế hệ mới được đầu tư theo mô hình "3 trong 1" (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và tạo sức hút mới.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, nhìn nhận mô hình KCN sinh thái đang là xu thế tất yếu để tăng sự cạnh tranh và bảo vệ môi trường. Bình Dương cần phải sớm đổi mới mô hình phát triển, tập trung phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh: "Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo". Ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương, cho biết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định mở rộng và phát triển những khu, cụm công nghiệp tại các huyện phía Bắc như Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng và Phú Giáo. Song song đó, tỉnh còn hướng tới xây dựng mô hình KCN xanh, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong thời gian tới, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh Đồng Nai là tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành những khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ ở các địa phương có điều kiện; những dự án sản xuất công nghiệp sẽ được tập trung tại các KCN trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai, trong lộ trình đến năm 2050 thì giai đoạn 2022-2025 là thời kỳ đẩy mạnh việc chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Trong đó, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và bước đầu hình thành những KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao trên địa bàn. Giai đoạn 2025-2030, tỉnh phấn đấu là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó là đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đào tạo nghề nghiệp hiện đại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm có chọn lọc, chọn nhà đầu tư tốt nhất, kiểm soát dự án, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, công nghệ sạch. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các KCN; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến của DN và kịp thời giải quyết những vướng mắc, luôn đồng hành với DN trong suốt quá trình phát triển. 

Trải chiếu hoa, tạo ra sức bật lớn - Ảnh 2.

Quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại trong nhà máy Ajinomoto tại Đồng Nai. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số

Ban Quản lý KCN tỉnh Đồng Nai đang hỗ trợ KCN Amata để KCN này trở thành KCN điểm, chuyển sang mô hình KCN sinh thái. Sau khi kết thúc dự án trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý tham gia Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" là phần tiếp nối và mở rộng số lượng các KCN tham gia.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai phát triển công nghiệp công nghệ số bền vững với hạt nhân là khu công nghệ thông tin tập trung ở Long Thành, đồng thời sẽ hình thành hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số với các công nghệ chiến lược gồm: Bán dẫn, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), Cloud, Blockchain...