Trợ thủ mới trong ứng phó cháy rừng
Chòm vệ tinh FireSat được kỳ vọng sẽ mang lại bước tiến lớn trong việc nâng cao hiểu biết, ứng phó và phòng chống cháy rừng
Hơn 4.000 vụ cháy rừng đã xảy ra ở bang California - Mỹ từ đầu năm đến giờ, trong đó có thảm họa gần TP Los Angeles hồi tháng 1. Giờ đây, hãng công nghệ Google và Công ty vệ tinh Muon Space đang hợp tác để ngăn chặn điều đó tái diễn thông qua sứ mệnh giúp lực lượng cứu hỏa ứng phó với cháy rừng nhanh hơn và trang bị cho họ những công cụ tốt hơn.
Hai công ty này (đều ở Mỹ) đang cho phóng các vệ tinh lên không gian với hy vọng sẽ phát hiện cháy rừng nhanh hơn và giúp lực lượng cứu hỏa hiểu rõ hơn về cách ngọn lửa lan rộng. Theo trang Space.com, vệ tinh đầu tiên - mang tên FireSat Protoflight (gọi tắt là FireSat) - đã được phóng hôm 14-3.
Ba tháng sau đó, các hình ảnh đầu tiên đã được gửi về, xác nhận rằng các cảm biến hồng ngoại đang hoạt động đúng như thiết kế và thu thập dữ liệu chất lượng cao. Các vệ tinh tiếp theo sẽ được phóng theo khối 3 cái, khối đầu tiên là vào năm 2026. Dự kiến đến năm 2030, toàn bộ chòm vệ tinh gồm 52 cái sẽ được triển khai để quét mọi điểm trên Trái đất sau mỗi 20 phút, trong đó các khu vực dễ xảy ra cháy rừng sẽ được quét thường xuyên hơn.
Vệ tinh FireSat đã chụp một số hình ảnh cho thấy các tín hiệu nhiệt ở cả khu vực nông thôn và đô thị. Vệ tinh cũng quét các khu vực hẻo lánh hơn như núi lửa Kīlauea ở bang Hawaii - Mỹ và khu phức hợp mỏ dầu Sarir ở Libya. Theo đài Fox News, Muon Space và Google vào cuối tháng này sẽ công bố những hình ảnh đầu tiên về cháy rừng được FireSat chụp.

Vệ tinh FireSat khi được chế tạo tại Công ty Muon Space Ảnh: Muon Space
Ông Jonny Dyer, Giám đốc điều hành Công ty Muon Space, cho biết hệ thống nói trên có thể phát hiện đám cháy có kích thước khoảng 5x5 m, tức nhỏ hơn từ 10-100 lần so với khả năng của hệ thống vệ tinh hiện có. Ông Dyer cho biết thêm hệ thống này cung cấp cho các cơ quan cứu hỏa không chỉ hình ảnh đám cháy mà còn bản đồ nhiệt cho thấy mức độ cháy nóng như thế nào tại từng khu vực hoặc bản đồ ranh giới đám cháy…
Các đối tác của Muon Space tin rằng chòm vệ tinh nói trên sẽ mang lại bước tiến lớn trong việc nâng cao hiểu biết, ứng phó và phòng chống cháy rừng. "Chúng tôi sẽ có thể quan sát toàn bộ diễn biến của đám cháy, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, và điều đó giúp chúng tôi mô phỏng các đám cháy tốt hơn" - ông Christopher Van Arsdale, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khí hậu và năng lượng của Google, nhận xét.
Một số cơ quan cứu hỏa tỏ ra hào hứng về những cơ hội mới từ hệ thống nói trên. "Chúng ta cần hiểu rõ sức nóng của các đám cháy để xác định nơi nào có thể giảm cường độ hoặc điều chỉnh chiến lược dập lửa... Điều này sẽ giúp chúng ta xác định chính xác nơi cần tăng cường các nỗ lực dập lửa chiến lược, như điều máy bay thả chất chữa cháy, điều động thêm lính cứu hỏa, sử dụng trực thăng không người lái… hoặc bất kỳ công nghệ nào sẽ có trong tương lai" - cựu lãnh đạo Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire) Kate Dargan nói với Fox News.
Cảnh báo đáng chú ý về biến đổi khí hậu
Các cú sốc giá thực phẩm do biến đổi khí hậu đang gia tăng, từ đó đe dọa dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, biến động chính trị và bất ổn xã hội nghiêm trọng hơn. Đó là nhận định được đưa ra trong một nghiên cứu mới của Đơn vị Tình báo năng lượng & khí hậu Anh (ECIU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tổ chức từ thiện Food Foundation (Anh), Trung tâm Siêu máy tính Barcelona (Tây Ban Nha) và Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức).
Theo trang The Guardian hôm 21-7, cuộc nghiên cứu đã khảo sát các trường hợp tại 18 quốc gia trong giai đoạn 2022-2024, nơi giá thực phẩm tăng đột biến liên quan đến nắng nóng, hạn hán và mưa lớn. Kết quả cho thấy sự tăng vọt của giá khoai tây ở Anh, bắp cải ở Hàn Quốc, hành tây ở Ấn Độ và ca cao ở Ghana trong năm ngoái có liên quan đến các hiện tượng thời tiết cực đoan nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu, giá lương thực thiết yếu tăng cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì các hộ gia đình thu nhập thấp buộc phải cắt giảm việc mua các loại trái cây và rau củ đắt tiền. Ngoài ra, các đợt tăng giá thực phẩm có thể khiến các nền kinh tế khó kiểm soát lạm phát chung và do đó khó giảm được lãi suất. Ông Maximilian Kotz, tác giả chính của báo cáo, nhận định thời tiết cực đoan đã làm hỏng mùa màng và đẩy giá thực phẩm tăng cao khắp thế giới và cảnh báo những tác động này sẽ tồi tệ hơn trong tương lai. Theo ông Kotz, chừng nào thế giới chưa đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, thời tiết cực đoan sẽ chỉ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhóm nghiên cứu khuyến nghị các quốc gia nên xem xét những chính sách giúp người dân đối phó với giá lương thực tăng cao. Về lâu dài, việc cắt giảm khí thải nhà kính và kiểm soát tình trạng ấm lên toàn cầu là yếu tố then chốt để giảm rủi ro lạm phát giá thực phẩm.
Xuân Mai