Trừng phạt nặng tội phạm khủng bố

(NLĐO) - Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, chính phủ Mỹ đã thực thi "Đạo luật Yêu nước Mỹ", trong đó tăng hình phạt đối với những người bị kết tội khủng bố và cho phép các bang thành lập cơ quan chống khủng bố riêng.

Chính phủ nhiều nước đã điều chỉnh một số thay đổi về luật chống khủng bố nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn và truy quét các hoạt động khủng bố.

Tăng mức phạt

Tại Mỹ, hệ thống xử phạt tội khủng bố được quy định khác nhau ở mỗi bang. 32 bang và Washington D.C. hình sự hóa hành vi khủng bố trong lãnh thổ Mỹ trong khi các bang còn lại thì không.

Hầu hết các luật chống khủng bố ở cấp bang đều được ban hành sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 trong khi một số luật mới hơn được ban hành hoặc mới sửa đổi gần đây.

Cụ thể, tại bang Arizona, án tù chung thân dành cho những hành động phạm tội nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng vũ khí gây chết người hoặc gây thương tích nặng với mục đích ảnh hưởng đến chính sách hoặc hành động của chính quyền bang, phá hoại hoặc làm gián đoạn đáng kể các dịch vụ công, đe dọa dân thường hoặc thúc đẩy mục tiêu của bất kỳ tổ chức khủng bố nào.

Trừng phạt nặng tội phạm khủng bố- Ảnh 1.

Khói bốc lên từ Trung tâm Thương mại thế giới vào ngày 11-9-2001. Ảnh: Paul Morse/Thư viện Tổng thống George W Bush

Trong khi đó, người phạm tội khủng bố ở bang Arkansas sẽ đối mặt mức án tối thiểu 10 năm tù và tối đa là chung thân. Tại Washington D.C., tùy theo hành vi phạm tội cụ thể mà người phạm tội có thể bị phạt từ 15 năm tù đến chung thân.

Tại Pháp, lực lượng thực thi pháp luật cũng áp đặt những mức án cao nhất đối với tội danh khủng bố. Salah Abdeslam, kẻ sống sót duy nhất trong nhóm 10 tay súng khủng bố đã đánh bom và xả súng khắp Paris năm 2015, bị kết án tù chung thân không ân xá.

Vụ khủng bố này làm 130 người thiệt mạng và được xem là vụ tấn công trong thời bình nguy hiểm nhất lịch sử nước Pháp.

Trừng phạt nặng tội phạm khủng bố- Ảnh 2.

Kẻ khủng bố Salah Abdeslam. Ảnh: CNN

Chung thân không ân xá là mức án cao nhất mà Abdeslam bị tuyên phạt do Pháp không áp dụng án tử hình. Abdeslam là người thứ 4 ở Pháp bị tuyên mức án này kể từ năm 1994.

Đến tháng 12-2022, một tòa án đã tuyên án tù 8 người bị buộc tội trong vụ khủng bố ở Nice – Pháp vào năm 2016. Khi đó, hung thủ Mohamed Lahouaiej-Bouhlel lao xe tải vào đám đông đang ăn mừng ngày lễ quốc khánh 14-7.

Hai tên Mohamed Ghraieb và Chokri Chafroud bị tuyên mức án nặng nhất là 18 năm tù vì giúp hung thủ Mohamed Lahouaiej-Bouhlel, cư dân Tunisia 31 tuổi, chuẩn bị vụ tấn công làm 86 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương.

Hung thủ bị cảnh sát bắn chết sau khi gây án.

Trừng phạt nặng tội phạm khủng bố- Ảnh 3.

Chiếc xe tải màu trắng cán chết người trong vụ tấn công khủng bố ở Nice – Pháp. Ảnh: AP

Tại Thụy Điển, luật chống khủng bố mới đã được thông qua vào tháng 6-2023. Luật mới hình sự hóa tội danh liên quan đến khủng bố trong nước, sẽ phạt tù tới 4 năm đối với những người tham gia hoạt động khủng bố hoặc hợp tác với các tổ chức khủng bố.

Trong động thái ngăn chặn từ sớm các hành động khủng bố, Quốc hội Singapore đã thông qua điều khoản sửa đổi và bổ sung Luật Chống khủng bố, theo đó nâng mức phạt tài chính đối với những người bị cáo buộc tài trợ cho các phần tử khủng bố hoặc các hoạt động khủng bố - với mức phạt tối đa là 500.000 SGD - và mức phạt đối với tổ chức là 1 triệu SGD.


Trong khi đó, những người tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, củng cố hoặc khuyến khích một tổ chức khủng bố có thể đối mặt với mức án 8 năm tù.

Những đối tượng liên quan đến các tội danh như cung cấp vũ khí, đạn dược, vật liệu dễ cháy nổ, hỗ trợ vận chuyển, cho tổ chức khủng bố thuê bất động sản có thể bị phạt tù lên tới 4 năm.

Mạng lưới chia sẻ thông tin

Việc chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan thực thi pháp luật, tư pháp và tình báo ở các quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) là rất quan trọng để chống khủng bố, theo dõi các tay súng nước ngoài và giải quyết tội phạm có tổ chức.

EU đến nay thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU như khuôn khổ tương tác giữa các hệ thống thông tin của EU giúp quản lý biên giới, an ninh và di cư (năm 2019), bản cập nhật của Hệ thống thông tin Schengen được cảnh sát và lực lượng biên phòng sử dụng để chia sẻ cảnh báo về những đối tượng bị truy nã hoặc mất tích (năm 2018), thành lập một trung tâm chống khủng bố châu Âu tại Cơ quan Cảnh sát Liên minh Châu Âu (Europol) để trao đổi thông tin giữa các cơ quan cảnh sát quốc gia (năm 2016)…

Bên cạnh đó, EU cũng áp dụng các quy định mạnh mẽ nhằm chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố kể từ năm 2018. Những quy định mới cũng giúp tăng cường vai trò của các cơ quan giám sát tài chính và cải thiện khả năng tiếp cận và trao đổi thông tin.

Trừng phạt nặng tội phạm khủng bố- Ảnh 4.

Tòa nhà Europol ở The Hague - Hà Lan. Ảnh: Reuters

Tương tự, Singapore đã phát triển một chiến lược mạnh mẽ được xây dựng trên mạng lưới giữa các cơ quan chính phủ, hợp tác với các bên thương mại và tư nhân. Ủy ban liên bộ về chỉ định khủng bố (IMC-TD) được thành lập vào năm 2012, trở thành cơ quan có thẩm quyền của Singapore trong việc xác định những kẻ khủng bố.

Ủy ban này được kết hợp từ nhiều bên gồm Bộ Nội vụ, Cục Thương mại/Lực lượng Cảnh sát Singapore, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tiền tệ Singapore và Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp.

Trung tâm kết nối

Kể từ sau một loạt vụ khủng bố xảy ra từ năm 2015, EU đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để cùng ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố.

EU đóng vai trò như diễn đàn chính nhằm giúp các quốc gia thành viên phối hợp hành động. Vào năm 2015, các nhà lãnh đạo EU ban hành tuyên bố chung hướng dẫn nhiệm vụ của EU và các quốc gia thành viên, tập trung vào 3 lĩnh vực gồm đảm bảo an ninh cho người dân, ngăn chặn cực đoan hóa và bảo vệ các giá trị, hợp tác với các đối tác quốc tế.

Sau các cuộc tấn công ở Pháp, Đức và Áo, vào tháng 11-2020, các bộ trưởng nội vụ của EU đã đồng ý tăng cường hơn nữa nỗ lực chung trong cuộc chiến chống khủng bố mà không ảnh hưởng đến các giá trị chung của EU như dân chủ, công lý và tự do ngôn luận.

Trừng phạt nặng tội phạm khủng bố- Ảnh 5.

Cảnh sát Đức bắt một đối tượng trong vụ triệt phá mạng lưới liên quan tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ảnh: DW.

Ngăn chặn từ không gian mạng

Cực đoan hóa không phải là một hiện tượng mới nhưng nó đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Công nghệ truyền thông trực tuyến tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố liên lạc xuyên biên giới dễ dàng hơn và khuếch đại tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan.

Vào tháng 4-2021, EU đã thông qua quy định về giải quyết việc phổ biến nội dung khủng bố trên mạng. Các quy định mới được áp dụng kể từ ngày 7-6-2022. Cơ quan có thẩm quyền ở các quốc gia thành viên sẽ có quyền ban hành lệnh xóa nội dung khủng bố hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập vào nội dung đó trong vòng một giờ đối với các nhà cung cấp dịch vụ.

Ngày càng có nhiều tội phạm và khủng bố sử dụng công nghệ để lập kế hoạch và thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, các cơ quan chức năng rất cần thu thập bằng chứng điện tử để truy tìm và kết án tội phạm. EU hiện nghiên cứu các quy định mới để đảm bảo một cơ chế hiệu quả hơn đối với việc tiếp cận bằng chứng điện tử xuyên biên giới.

Không chỉ kiểm soát thông tin trên mạng, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua các quy định mới về kiểm soát việc mua và sở hữu vũ khí vào năm 2017, nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý cho phép khủng bố sử dụng vũ khí cải tiến. Quy định mới bao gồm các biện pháp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và siết chặt việc mua cũng như sở hữu các loại súng nguy hiểm nhất.

Vào tháng 6-2019, Hội đồng Liên minh châu Âu thông qua các quy định mới nhằm hạn chế việc cung cấp tiền chất thuốc nổ cho người dân và đảm bảo hoạt động báo cáo về những giao dịch đáng ngờ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Hành động đón đầu

Vụ sát hại một giáo viên ở Pháp và hai cổ động viên bóng đá Thụy Điển ở Bỉ hồi tháng 10 năm ngoái đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tất cả quốc gia ở châu Âu đang bị đe dọa.

Từ tháng 10-2023, Tây Ban Nha tăng cường các biện pháp an ninh tại những địa điểm nhạy cảm, đồng thời tăng gấp đôi nỗ lực chống khủng bố trong bối cảnh nhiều nước châu Âu khác đối mặt các mối đe dọa cực đoan gia tăng do căng thẳng Trung Đông.

Tây Ban Nha đã duy trì tình trạng cảnh báo khủng bố ở cấp độ 4 - mức cao thứ hai trong hệ thống 5 cấp độ - kể từ vụ tấn công khủng bố ở Paris vào tháng 6-2015.