Tự do hóa thị trường vàng từ góc nhìn Trung Quốc

(NLĐO) - Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò trực tiếp và mạnh mẽ trong việc quản lý thị trường vàng. Đất nước tỉ dân này vận hành thị trường kim loại quý thông qua một hệ thống quản lý đa cấp và đa ngành.

Hoạt động kinh doanh vàng được thống nhất quản lý bởi đầu mối chính là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Với thẩm quyền rộng rãi để can thiệp vào thị trường, PBOC đưa ra các quy định về giao dịch, xuất nhập khẩu, dự trữ vàng; giám sát hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường; quản lý giá vàng...

Mở cửa, không trực tiếp kiểm soát giá

Luôn luôn coi trọng việc mở cửa thị trường vàng hai chiều, PBOC đưa ra các chính sách về xuất nhập khẩu vàng, ngoại hối để bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu vàng phát triển suôn sẻ và có trật tự. Tuy nhiên, PBOC không trực tiếp kiểm soát giá vàng mà giá được xác định bởi các nhà đầu tư, nhà sản xuất vàng, nhà chế tạo đồ trang sức cũng như các ngân hàng trung ương.

Tự do hóa thị trường vàng từ góc nhìn Trung Quốc- Ảnh 1.

Cửa hàng bán vàng ở khu vực Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui), đặc khu Hồng Kông, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Ngoài PBOC, tham gia quản lý thị trường vàng còn có Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF)...

Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải là pháp nhân độc lập do nhà nước đầu tư vốn 100%. Tại sàn giao dịch vàng lớn nhất Trung Quốc này sẽ diễn ra các hoạt động mua - bán vàng giao ngay và vàng kỳ hạn. Sản phẩm được phép giao dịch lúc đầu là vàng miếng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sau đó mở rộng sang các kim loại quý khác như bạch kim và bạc.

CBIRC chịu trách nhiệm giám sát hoạt động giao dịch vàng OTC do các ngân hàng thương mại tổ chức. Trong khi đó, GACC phụ trách kiểm soát xuất nhập khẩu vàng theo quy định của PBOC, còn MOF đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách thuế về vàng.

Trong những năm 1949 - 2001, Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng và PBOC đóng vai trò độc quyền thị trường vàng nội địa. Sau đó, cùng với việc tự do hóa thị trường tài chính, Trung Quốc đã từng bước tự do hoá thị trường vàng.

Kế hoạch tự do hoá thị trường vàng của Trung Quốc trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên, bỏ chế độ độc quyền kinh doanh vàng và cơ chế kiểm soát giá, đồng thời thành lập Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải. Kế đến, loại bỏ dần cơ chế cấp phép đối với hoạt động sản xuất, bán buôn và bán lẻ vàng, cho phép cá nhân được giao dịch vàng miếng. Cuối cùng là xóa bỏ dần chế độ quản lý xuất nhập khẩu vàng.

Tự do hóa thị trường vàng từ góc nhìn Trung Quốc- Ảnh 2.

Thị trường tiêu dùng Trung Quốc cho thấy nhu cầu vàng mạnh mẽ - Ảnh: Tân Hoa Xã

Vị thế của sàn vàng

Sàn vàng ra đời đánh dấu chấm dứt cơ chế độc quyền đối với thị trường vàng Trung Quốc.

Ở quốc gia này, thị trường vàng sôi động bởi thông qua sàn vàng, doanh nghiệp, ngân hàng có thể mua vàng từ thế giới để sản xuất thành thương hiệu của mình. Trong đó, nhiều nhất là các ngân hàng mua vàng về dập thành vàng thỏi, vàng miếng 99,99% mang thương hiệu của ngân hàng, cùng với nhiều doanh nghiệp nhà nước, tư nhân tham gia kinh doanh vàng miếng, vàng thỏi.

Theo quy định về giá vàng 99,99%, các doanh nghiệp được định giá bán trên cơ sở giá mà Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải công bố mỗi ngày và cộng thêm tối đa 15%. Để giành thị phần, các đơn vị bán vàng thường đưa ra giá bán thấp hơn nhiều so với mức được cho phép.

Tự do hóa thị trường vàng từ góc nhìn Trung Quốc- Ảnh 3.

Người trẻ Trung Quốc kéo cơn sốt vàng quay lại - Ảnh: Tân Hoa Xã

Đáng chú ý, ngoài nhà đầu tư chuyên nghiệp là các quỹ, cá nhân cũng được giao dịch trên sàn vàng, tuy nhiên chỉ được phép giao dịch trong giới hạn số dư tài khoản tiền hoặc vàng của họ. Quy định này đồng nghĩa ngân hàng không được phép cho nhà đầu tư vay để đầu tư vượt quá số tiền hoặc vàng họ hiện có.

Trung Quốc được xem là quốc gia quản lý thị trường vàng tốt thông qua việc biến vàng thành sản phẩm tài chính chứ không phải chỉ trao đổi vàng vật chất. Trên thực tế, PBOC vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát giá vàng nhằm bảo đảm ổn định thị trường, đơn cử việc can thiệp mua bán vàng trên thị trường mở, điều chỉnh tỉ giá hối đoái. Cơ quan này cùng nhiều cơ quan chức năng khác cũng giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường vàng để bảo đảm tuân thủ quy định, ngăn chặn hành vi gian lận.

Tự do hóa thị trường vàng từ góc nhìn Trung Quốc- Ảnh 4.

Bàn tính bằng vàng được bán tại một cửa hàng trang sức ở TP Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Việt Nam: Bài học từ câu chuyện tem phiếu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Thế Du đề xuất cần sớm để thị trường vàng của Việt Nam được hoạt động tự do như vốn có.

Ông Du dẫn chứng: "Ở thời kỳ đổi mới, đề xuất bỏ tem phiếu, cấp phát lương thực... từng vấp phải nhiều tranh cãi về việc có thể gây rối loạn thị trường. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng thì cung - cầu cân bằng, người dân không thiếu lương thực, thực phẩm như trước. Thị trường vàng hiện tại cũng vậy, thậm chí xét về quy mô, mức độ tác động thì nhỏ hơn rất nhiều so với câu chuyện lương thực, thực phẩm" - TS Huỳnh Thế Du ví von. Do đó, trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia này đề xuất áp dụng giải pháp quản lý thị trường vàng giống các nước, đó là để thị trường được vận hành tự do.

Tự do hóa thị trường vàng từ góc nhìn Trung Quốc- Ảnh 5.

Chuyên gia góp ý Việt Nam cần cho phép mọi thương hiệu vàng miếng đạt chuẩn theo quy định đều được giao dịch trên thị trường.

Cụ thể, cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, bỏ thương hiệu vàng SJC và chuẩn hóa các thương hiệu vàng miếng khác. Mọi thương hiệu vàng miếng đạt chuẩn theo quy định đều sẽ được giao dịch trên thị trường.

Theo một nghiên cứu của nhóm tác giả Huỳnh Thế Du và Nguyễn Xuân Thành, chưa có bằng chứng cho thấy thị trường vàng gây ra bất ổn vĩ mô mà ngược lại, bất ổn vĩ mô khiến người dân nắm giữ vàng nhiều hơn như một tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao.

Giai đoạn 2009 - 2011 chứng kiến hoạt động kinh doanh vàng rất sôi động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ vàng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến một số ngân hàng gặp vấn đề về thanh khoản trong những năm 2010 - 2012. "Hoạt động đầu cơ vàng dẫn đến thua lỗ đáng kể, nhiều ngân hàng đã trở thành ngân hàng yếu kém và phải tái cơ cấu từ năm 2013. Từ sau khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã phải đóng tài khoản vàng ở nước ngoài, ngừng huy động và cho vay vàng" - TS Du phân tích.

Từ đó, chuyên gia này cho rằng việc trả vàng về lại thị trường như một loại hàng hóa có điều kiện là cần thiết và không gây rủi ro vĩ mô - kể cả rủi ro với tỉ giá khi nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ông phân tích: "Giá trị nhập khẩu vàng hằng năm khoảng 3,5 tỉ USD theo nhu cầu của thị trường, thấp hơn mức tiêu dùng khoảng 4 tỉ USD cho điện thoại di động và thấp hơn rất nhiều so với các loại hàng xa xỉ khác. Trong khi đó, hàng xa xỉ khi tiêu dùng sẽ mất đi, còn vàng vẫn nằm trong nền kinh tế".

Vì sao Việt Nam "sốt vàng"?

TS Huỳnh Thế Du chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến giá vàng trong nước tăng "nóng" là do giá vàng thế giới tăng cao và tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến lợi nhuận từ các khoản đầu tư khác thấp, đặc biệt là bất động sản và chứng khoán.

Giá vàng thế giới tăng 47,5% trong giai đoạn 2018 - 2022 nhưng nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, lợi nhuận từ các kênh đầu tư khá tốt nên không xảy ra sốt giá. Khoảng 6 tháng qua, giá vàng thế giới tăng 25% trong khi tình hình kinh tế có nét khá tương đồng với giai đoạn 1997 - 2000 đầy khó khăn. Tuy nhiên, giai đoạn trước không xảy ra tình trạng "sốt vàng" là do giá vàng thế giới liên tục đi xuống. Giai đoạn này, vàng đơn thuần là phương tiện cất giữ giá trị, còn chức năng đo lường giá trị và phương tiện trao đổi gần như không còn nữa. "Do vậy, các chính sách vĩ mô cần dựa trên những quy luật và thực tế xảy ra" - TS Huỳnh Thế Du nói.

Tự do hóa thị trường vàng từ góc nhìn Trung Quốc- Ảnh 6.