Anh chống em, con cãi cha

Chiến tranh bùng nổ trong gia đình họ Chung kể từ năm 1997. Chung Mong-koo, Chủ tịch Công ty Xe hơi Hyundai, tự tin là người thừa kế “chủ tịch vua” Chung Ju-jung - nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Hyundai - bất ngờ bị thất sủng. “Vua cha” chọn Chung Mong-hun, em trai cùng cha khác mẹ của Mong-koo, là người thừa kế “vương quốc” Hyundai

Cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế “vương quốc” Hyundai được công chúng Hàn Quốc (HQ) biết đến từ tháng 12-1997 khi Tổng thống Kim Dae-jung yêu cầu các chaebol (doanh nghiệp khổng lồ) – trong đó có Tập đoàn Hyundai– cải tổ vương quốc của mình sao cho có hiệu quả hơn. Nhưng đỉnh điểm của cuộc chiến huynh đệ tương tàn này là vào năm 2.000 với hai sự kiện gây chấn động trong giới doanh nghiệp HQ.

Bỏ anh, chọn em

Tuần báo Asiaweek tường thuật 20 phút sóng gió của sự kiện thứ nhất nổi lên tại đại bản doanh Tập đoàn Hyundai như sau: 7 giờ 30 sáng 27-3-2000, chủ tịch danh dự và nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai Chung Ju-jung triệu tập 46 vị tổng giám đốc và giám đốc công ty trực thuộc về họp dưới sự chủ tọa của chủ tịch.

7 giờ 35, “chủ tịch vua” họ Chung – mọi người trong Tập đoàn Hyundai đều gọi ông như thế – 85 tuổi, ngồi trên chiếc xe lăn xuất hiện trong ánh sáng chói lòa của đèn pha từ máy quay phim của các đài truyền hình. Trước mặt khán giả truyền hình trong và ngoài nước, ông trịnh trọng tuyên bố quyết định cuối cùng của ông về vấn đề thừa kế ghế chủ tịch Tập đoàn Hyundai, một vương quốc kinh doanh tồn tại từ 53 năm qua.

Đứng sau lưng ông là Mong-koo và Mong-hun, hai trong số chín người con của ông, đầu cúi thấp. Lúc đó, họ đang giữ chức đồng chủ tịch Tập đoàn Hyundai. “Vua cha” phán: “Trong khi (chủ tịch) Chung Mong-koo quá bận bịu với Công ty Xe hơi Hyundai Motors, tôi nghĩ rằng sẽ không có vấn đề gì khi Chung Mong-hun trở thành chủ tịch duy nhất của hội đồng quản trị. Quyết định hôm nay là cuối cùng”.

Cuộc lật đổ bất thành

Nguyên nhân dẫn đến quyết định bất ngờ nói trên của ông Chung Ju-jung bắt nguồn từ âm mưu của Mong-koo chiếm quyền lãnh đạo Công ty Chứng khoán Hyundai nằm trong tay của Lee Ik-che vốn là mưu sĩ của Mong-hun. Công ty này và Công ty Công nghệ & Xây dựng là hai công ty nòng cốt của Tập đoàn Hyundai. Nắm được công ty chứng khoán tức là nắm phần lớn quyền kiểm soát cả tập đoàn.

Lợi dụng họ Lee bị khởi tố về tội dùng quỹ của Tập đoàn Hyundai để làm giá cổ phiếu của Công ty Điện tử Hyundai (do Mong-hun lãnh đạo), ngày 14-3-2000 Mong-koo lập kế đẩy họ Lee ra khỏi công ty chứng khoán, tuyên bố nắm quyền lãnh đạo công ty này. Chung Mong-hun lúc đó đang đi công tác ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Thay vì tức tốc quay trở về cứu Lee, Mong-hun quyết định kéo dài thời gian ở lại Trung Quốc thêm một tuần, gọi Lee đến Thượng Hải để bàn đối sách. Ngày 24-3-2000, Mong-hun trở về Seoul đến thẳng nhà của cha. Bốn tiếng đồng hồ sau, Mong-hun rời khỏi nhà cha tuyên bố: Mọi chuyện đã được giải quyết. Mong-koo bị bãi chức đồng chủ tịch Tập đoàn Hyundai. Lee Ik-che vẫn làm giám đốc công ty chứng khoán.

Nhưng Mong-koo, với biệt danh là “máy ủi”, không chịu thua dễ dàng như vậy. Hai ngày sau, trợ lý của ông ta tổ chức một cuộc họp báo để trưng ra một tài liệu chứng minh rằng ông đã được phục chức đồng chủ tịch. Lập tức, Mong-hun ra một thông báo nói ngược lại hoàn toàn.

Đây không phải là lần đầu Mong-koo âm mưu tiếm quyền của người thân trong nhà. Năm 1996, Mong-koo đã khiến ông chú Chung Se-yung, nhà sáng lập Công ty Xe hơi Hyundai, phải rời chức chủ tịch Tập đoàn Hyundai. Ông Chung Ju-jung rất bất bình về chuyện này và chỉ định em của Mong-koo là Mong-hun làm đồng chủ tịch tập đoàn kể từ tháng 12-1997. Năm 1999, sau khi nắm quyền chủ tịch Công ty Xe hơi Hyundai, Mong-koo đẩy chú Se-yung và con trai ông này ra khỏi công ty.

“Quả bom” từ chức tập thể

Sự kiện thứ hai được tờ Asiaweek gọi là quả bom tấn gây bất ngờ là việc công bố lá thư tay của “chủ tịch vua” Chung Ju-jung ngày 31-5-2000. Thời điểm: 14 giờ 15 phút. Địa điểm: phòng họp trên lầu thứ 15 của đại bản doanh Tập đoàn Hyundai. Gần 100 phóng viên, nhiếp ảnh và đoàn truyền hình được mời đến dự cuộc họp báo. Kim Jae-soo, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai kiêm trưởng nhóm tái cấu trúc tập đoàn, không giấu được sự xúc động. Cầm cứng tờ giấy trong tay mà bàn tay Kim vẫn bị run. Hít một hơi dài, Kim bắt đầu đọc lá thư của “chủ tịch vua” Chung Ju-jung bằng một giọng khá nhẹ nhàng và từ tốn:

img
“Chủ tịch vua” Chung Ju-jung

“Xem xét kỹ xu hướng hiện tại của tập đoàn và tương lai của nền kinh tế HQ, tôi tin chắc rằng mỗi công ty được điều hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp là con đường duy nhất để thành công trên thị trường cạnh tranh toàn cầu”. Sau vài giây yên lặng, Kim đọc tiếp: “Do vậy, hôm nay, tôi tuyên bố từ bỏ mọi vai trò quản lý của tôi ở tập đoàn, chủ tịch Chung Mong-koo và chủ tịch Chung Mong-hun cũng vậy”. Đọc xong, Kim nói: “Chủ tịch danh dự Chung đã yêu cầu tôi giữ bí mật này đến giờ chót”.

Trong khi mọi người còn chưa hết bàng hoàng, dư chấn của “quả bom” chưa kịp lan ra hết cả nước thì vào lúc 14 giờ chiều hôm ấy, Chung Mong-koo tuyên bố ông không từ chức chủ tịch Công ty Xe hơi Hyundai - KIA Motors (Hyundai Motors mua lại hãng xe hơi KIA vào năm 1998) mà ông nắm giữ từ năm 1999. Hành động “cãi cha” này càng làm cho tấn bi kịch gia đình trong dòng họ Chung càng thêm gay cấn.

Trái với tính nết ngang bướng của anh, Chung Mong-hun cũng công bố thư viết tay, theo đó ông hoàn toàn từ bỏ mọi vị trí lãnh đạo trong Tập đoàn Hyundai. Ông chỉ giữ lại chức chủ tịch Công ty Hyundai-Asan, một công ty con của Tập đoàn Hyundai chuyên quan hệ với Bắc Triều Tiên, thể theo yêu cầu của cha.

Dư luận thắc mắc rồi đây ông giải quyết thế nào đây đứa con ngỗ nghịch Chung Mong-koo và mâu thuẫn sâu sắc giữa hai anh em Mong-koo và Mong-hun? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ thì đêm 21-3-2001, ông Chung Ju-jung qua đời. Hai năm sau, đến lượt Chung Mong-hun tự tử chết trong khi đang bị xử án bí mật chuyển hàng triệu USD cho Bình Nhưỡng.