Apophis, kẻ hủy diệt trái đất vào năm 2036?
1 ăn 45.000 là xác suất thiên thạch Apophis va chạm trái đất vào ngày 13-4-2036. Câu chuyện này không hề hoang đường chút nào vì tại hội nghị bảo vệ hành tinh tổ chức vào tuần qua tại Washington, các nhà khoa học đã đề cập nghiêm túc đến việc làm gì để đối phó với hiểm họa Apophis.
Thiên thạch nhỏ Apophis được nhóm ba nhà thiên văn Mỹ Roy A. Tucker, David J. Tholen và Fabrizio Bernadi công tác tại đài thiên văn Kitt Peak ở bang Arizona phát hiện vào ngày 19-6-2004. Nó được tạm gọi là 2004 MN4. Ngày 18-12-2004, nhà thiên văn Gordon Garradd ở Úc tái phát hiện Apophis. Nhiều ngày sau đó, các đài thiên văn khác trên khắp thế giới cũng loan báo sự hiện hữu của Apophis. Điều này cho phép Trung tâm Hành tinh nhỏ (MPC) công nhận phát hiện Apophis đầu tiên vào tháng 6.
Apophis bay quanh mặt trời trong 323 ngày. Dựa theo độ sáng của Apophis, người ta ước tính chiều dài của nó là 415 m. Nhưng theo các nhà thiên văn Binzel, Rivkin, Bus và Tokunaga phân tích quang phổ qua viễn vọng kính hồng ngoại tuyến của NASA đặt tại Hawaii thì chiều dài của nó chỉ là 320 m, tức bằng ba sân bóng đá.
Kẻ hủy diệt
Các dữ liệu về Apophis sau đó được cập nhật liên tục. Sau khi các nhà khoa học tính toán kỹ quỹ đạo của nó, ngày 24-6-2005, người ta đặt Apophis mã số 99942. Mã số này cho phép MPC đặt cho nó một cái tên chính thức là Apophis vào ngày 19-7-2005.
Apophis là tên Hy Lạp của Apep, một vị thần thời Ai Cập cổ đại, có nghĩa là “kẻ hủy diệt”. Theo truyền thuyết, Apep cư trú ở Duat (thế giới ngầm), nơi bóng tối ngự trị vĩnh hằng. Thần Apep mưu đồ hủy diệt mặt trời. Tholen và Tucker, hai nhà thiên văn Mỹ, phát hiện Apophis đầu tiên lại nghĩ khác.
Cả hai đều rất hâm mộ bộ phim truyền hình nhiều tập Stargate SG-1, trong đó nhân vật chính của những tập đầu tiên là một người ngoài hành tinh mang tên Apophis. Nhân vật này muốn tiêu diệt trái đất. Cho nên, theo hai nhà thiên văn này, Apophis chính là kẻ hủy diệt trái đất. Và trên thực tế, có vẻ như đó là một sự thật.
Sau khi được MPC công nhận Apophis được các nhà thiên văn liên tục cập nhật dữ liệu khoa học và đưa vào hệ thống máy tính cực mạnh của văn phòng chương trình vật thể bay gần trái đất (NEO) của NASA. Kết quả: Máy tính dự đoán Apophis có khả năng va chạm với trái đất vào ngày 13-4-2029 với tốc độ kinh hoàng 19.200 km/giờ. Tại Ý và Tây Ban Nha, NEODyS - một hệ thống máy tính tương tự - cũng đã cho một kết quả gần giống.
Tin dữ được thông báo khắp nơi và các đài thiên văn thế giới cũng dùng máy tính tính toán khả năng va chạm giữa trái đất và Apophis. Đối chiếu các kết quả ban đầu, các nhà khoa học cho rằng mức độ nguy hiểm của Apophis là 4/10 trên thang điểm Torino. Đây là mức độ cao nhất từ trước đến nay. 10/10 có nghĩa là chắc chắn có va chạm. Tuy nhiên, những tính toán sau đó lại cho những kết quả khác. Ngày 6-8-2006, mức độ nguy hiểm đã bị kéo xuống bằng không trên thang điểm Torino.
Thế nhưng, không có gì chắc chắn cả cho nên với những dữ liệu mới được cập nhật gần đây, ngày 19-10-2006, các nhà thiên văn Mỹ lại đưa ra một thời điểm khác: Nếu không phải là ngày 13-4-2036 (lại con số 13!) thì có thể vào năm 2037 nhưng với xác suất va chạm bé nhỏ hơn rất nhiều: 1/12,3 triệu!
Mặc dù vậy, Hiệp hội Hành tinh vẫn treo giải thưởng trị giá 50.000 USD cho bất cứ ai hiến kế được kế hoạch đưa một thiết bị theo dõi gần hoặc trên bề mặt Apophis để theo dõi đường bay của nó. Ngoài ra, vẫn có những cảnh báo từ các nhà khoa học.
Alan Fitzsimmons, nhà thiên văn thuộc Trường Đại học Nữ hoàng Belfast (Bắc Ireland), nhận định: “Nếu Apophis bay quá gần trái đất vào ngày 13-4-2029, trái đất sẽ làm chệch hướng và thay đổi quỹ đạo của nó. Như vậy vẫn có một khả năng nhỏ là nếu nó bay qua một điểm đặc biệt trong vũ trụ mà chúng ta thường gọi là “lỗ khóa” thì lực hấp dẫn của trái đất sẽ tác động lên nó khiến nó quay trở lại đụng trái đất vào năm 2036".
Lỗ khóa vũ trụ đó, theo ông Donald Yeomans, trưởng dự án nghiên cứu NEO ở NASA, có đến ba cái trải dài hàng ngàn km hai bên đường bay của Apophis. Nếu chẳng may Apophis xê dịch vào một trong ba lỗ khóa đó thì nguy cơ chạm vào trái đất là có thật. Có nghĩa là khả năng va chạm vẫn còn treo lơ lửng.
![]() |
Thần Apep (kẻ hủy diệt) trên lăng mộ vua Ramses 1 |
Xóa sạch nước Anh
Đặt giả thiết thiên thạch Apophis chạm vào trái đất, điều gì sẽ xảy ra? Rob McNaught, nhà thiên văn Úc công tác ở đài thiên văn Siding Spring, bang New South Wales, ước tính sức tàn phá của Apophis lên đến 880 triệu tấn thuốc nổ TNT tương đương với 67.692 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật hồi thế chiến thứ hai. Con số này tương tự như NASA tính toán gần đây. Trước đó, NASA ước tính năng lượng vụ va chạm phát ra lên đến 1.480 triệu tấn TNT.
Có một câu hỏi khác chưa có lời giải: Apophis sẽ rơi vào chỗ nào? Nó có thể rơi vào một lục địa nào đó. Trong trường hợp này, Steven Chesley, một chuyên gia về NEO ở Phòng Thí nghiệm sức đẩy bằng phản lực (JPL) ở Pasadena, bang California, của NASA, nhận định rằng mức tàn phá của vụ va chạm sẽ rất lớn: “Nó có thể xóa sạch nước Anh hoặc cả miền Bắc California”. Tuy nhiên, khả năng Apophis đâm xuống biển lớn hơn nhiều bởi 2/3 diện tích của trái đất là đại dương”.
Nếu nó không rơi vào đất liền mà rơi xuống biển thì tác hại của nó đối với cư dân sống ven biển sẽ rất khủng khiếp. Nó sẽ tạo một đợt sóng thần có sức tàn phá gấp vạn lần đợt sóng thần tấn công Indonesia và các nước lân cận ngày 26-12- 2004 khiến hơn 200.000 người chết.
Mặc dù những số liệu trên trấn an chúng ta rằng có rất ít khả năng Apophis đâm trúng trái đất nhưng các nhà khoa học vẫn trong tư thế sẵn sàng đối phó với các thiên thạch sát thủ. Bởi nếu không phải Apophis thì vẫn còn các NEO khác. Vấn đề là NASA cảnh báo rằng giải pháp ngăn chặn các NEO bay trúng trái đất không thiếu chỉ sợ thiếu tiền.