Bài 1: Lần theo đường dây thao túng Serie A
Cuối cùng, vụ bê bối lớn nhất lịch sử Serie A đã đến hồi kết khi 4 CLB hàng đầu là Juventus, AC Milan, Fiorentina và Lazio cùng 26 cá nhân có liên quan nhận bản phán quyết của tòa sơ thẩm Rome vào rạng sáng 15-7. Báo NLĐ lật lại hồ sơ toàn bộ chiến dịch được người Ý gọi là “bàn chân sạch”
Giải Vô địch bóng đá hạng nhất nước Ý (Serie A) mùa bóng 2005-2006 chưa kết thúc, nhưng “quả bom tấn” đã nổ ra khi ngày 3-5-2006, báo chí Ý, đầu tiên là 2 tờ La Gazzetta dello Sport và Corriere dello Sport, công bố đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện giữa Tổng Giám đốc Juventus Luiciano Moggi với nhiều quan chức cấp cao LĐBĐ Ý (FIGC), bắt đầu từ mùa bóng 2004-2005, mùa Juve lên ngôi.
Đường dây dàn xếp tỉ số
Các đoạn băng ghi âm cho thấy Moggi nói nhiều về công tác phân công trọng tài có lợi cho các trận đấu quan trọng của Juve với Pierluigi Pairetto, lúc đó là chủ tịch hội đồng trọng tài. Thật ra, vụ Moggigate - như cách gọi của báo chí Ý - là tổng hợp các cuộc điều tra độc lập ở Turin, Rome và Naples.
Các nhà điều tra ở Turin từng đưa Juve ra tòa về nghi án sử dụng doping (vụ này đang được xử riêng rẽ) đã ra lệnh cho ghi âm các cuộc điện đàm của những quan chức cấp cao Juve trong vòng 48 ngày trong năm 2004 để điều tra. Cơ quan điều tra ở Naples, trong quá trình điều tra đường dây mafia Napoli do trùm Camorra cầm đầu, đã phát hiện có mối liên hệ giữa các đường dây tội ác và bóng đá, nên cũng quyết định ghi âm các cuộc đàm thoại của nhiều người trong giới bóng đá suốt mùa bóng 2004-2005. Ở Rome, vào tháng 4-2004, cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ cáo buộc nhắm vào công ty môi giới cầu thủ GEA, do con trai của Moggi, Alessandro, điều hành.
Bắt chước phương pháp Moggi
Trung tâm của đường dây dàn xếp tỉ số ở Serie A là Juve và hai cựu tổng giám đốc là Antonio Giraudo và Luciano Moggi. Được chủ tịch Juve Umberto Agnelli đưa về năm 1994, Moggi nhận thấy để Juve thống trị bóng đá Ý và châu Âu, có HLV giỏi và cầu thủ xuất sắc thôi chưa đủ. Ông mở rộng mạng lưới quyền lực cho Juve để bảo đảm rằng CLB Turin được hưởng lợi từ mọi khía cạnh có thể. Moggi thường xuyên liên lạc với 2 quan chức phụ trách phân công trọng tài - Paolo Bergamo và Paretto. Dĩ nhiên, để có được sự hậu thuẫn mạnh hơn, Moggi thông báo cho Phó chủ tịch FIGC I. Mazzini về mối liên hệ kể trên.
Kế đến, tổng giám đốc Juve đi đêm với các trọng tài, có thể là do trọng tài Massimo De Santis, người lẽ ra được cầm còi tại VCK World Cup 2006 nếu không dính đến vụ này, làm “thủ lĩnh” nhằm hiện thực hóa các quyết định có lợi cho Juve trên sân cỏ.
Phương pháp của Moggi hiệu quả đến nỗi Lazio và Fiorentina, sau thời gian phản đối vô hiệu, đã quyết định áp dụng nó. Claudio Lotito, Chủ tịch Lazio, nhờ Chủ tịch FIGC Franco Carraro giúp đỡ trong 4 trận cuối năm 2005. Carrago lập tức nói phó chủ tịch Hội đồng Trọng tài Bergamo “nên giúp Lazio”. Trong khi đó, Chủ tịch Fiorentina Diego Della Valle nhờ Phó Chủ tịch FIGC Mazzini giúp đội trong các trận đấu với Lazio và Bologna.
AC Milan cũng không đứng ngoài cuộc, dù Phó Chủ tịch A. Galliani của họ từng nói với các thanh tra rằng ông từ lâu nghi ngờ trọng tài thiên vị Juve. Tuy nhiên, công tố viên Stefano Palazzi đưa ra bằng chứng cho thấy trong đoạn băng ghi âm, Galliani đã ủng hộ phương pháp nhờ các trợ lý trọng tài ủng hộ AC Milan của Leandro Meani - quan chức chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến trọng tài của CLB này.
Đó là lý do tại sao Juve, AC Milan, Lazio và Fiorentina bị kỷ luật và AC Milan chịu hình phạt nhẹ nhất.
Phán quyết của Tòa án Rome . Juventus: Xuống Serie B và trừ 30 điểm ở mùa tới, bị tước 2 chức vô địch ở mùa giải 2004-2005 và 2005-2006. Ông Luciano Moggi và Antonio Giraudo cùng bị cấm tham gia hoạt động bóng đá trong 5 năm. . Fiorentina: Xuống Serie B, bị trừ 12 điểm ở mùa bóng 2006-2007. Chủ tịch Andrea Della Valle bị cấm 3 năm rưỡi, còn chủ tịch danh dự Diego Della Valle bị cấm 4 năm. . Lazio: Xuống Serie B và bị trừ 7 điểm. Chủ tịch Claudio Lotito bị cấm 3 năm. . AC Milan: Được ở lại Serie A, nhưng bị trừ 15 điểm vào mùa bóng tới, mất quyền dự Champions League mùa tới. Phó Chủ tịch Adriano Galliani bị cấm 1 năm, còn Leonardo Meani bị cấm 3 năm rưỡi. . Các quan chức phụ trách trọng tài: Hoãn bổ nhiệm Paolo Bergamo, cấm Pierluigi Pairetto 2 năm rưỡi. Chủ tịch Tullio Lanese bị cấm 2 năm rưỡi, phó ban điều hành trọng tài Gennaro Mazzei 1 năm, cảnh cáo điều phối viên Pietro Ingargiola. . Trọng tài: Massimo De Santis bị cấm 4 năm rưỡi, Paolo Dondarini 3 năm rưỡi, Gianluca Paparesta 3 tháng. . Trợ lý trọng tài: Claudio Puglisi và Fabrizio Babini bị cấm 1 năm. . Các quan chức LĐBĐ Ý: Chủ tịch Franco Carraro bị cấm 4 năm rưỡi, phó chủ tịch Innocenzo Mazzini bị cấm 5 năm. Tất cả các cá nhân và tập thể có 5 ngày để kháng án lên tòa án tối cao. . Ngay sau khi bản án sơ thẩm được công bố, 4 CLB Juve, Lazio, Fiorentina và AC Milan đã có những phản ứng quyết liệt. Tất cả đều khẳng định sẽ kháng án lên tòa án tối cao để có được một bản án công bằng hơn. |