Chàng trai dấu hỏi

Phải mất một ngày, cảnh sát mới xác định được hung thủ gây ra vụ thảm sát trong trường học đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ. Đó là Cho Seung-hui, một sinh viên Mỹ gốc Hàn Quốc. Cả thế giới bị sốc. Tại sao Cho hành động điên cuồng như vậy? Các chuyên gia về tâm thần và tâm lý học đang cố gắng giải mã kỳ án này.

Nhật báo The Washington Post cho biết Cho Seung-hui, 23 tuổi, là con trai của một di dân Hàn Quốc thường trú ở thành phố Centreville, bang Virginia. Cha mẹ Cho kinh doanh một cửa hàng giặt ủi khô. Cho đang là sinh viên năm cuối khoa tiếng Anh Trường Đại học Công nghệ Virginia, sống ngay trong trường.

Người cô độc

Bạn học cùng lớp với Cho kể lại: Hồi năm ngoái, ngày đầu đến lớp Cho đã gây ấn tượng mạnh với các bạn bởi một thái độ kỳ quặc. Đầu tiên Cho lủi thủi đi xuống ngồi ở dãy ghế cuối cùng, gương mặt trông rất sầu thảm. Y từ chối bắt chuyện với bạn. Trên tờ phơi ghi danh, Cho đánh một dấu hỏi vào chỗ tên mình. Kể từ đó, các bạn của Cho Seung-hui gọi anh là “chàng trai dấu hỏi”.

Cho có một kiểu nói rất lạ. Giọng nói nhẹ như hơi thở. Bộ mặt của Cho luôn luôn giấu kín đằng sau cặp kính râm, cái nón đội sùm sụp và sự im lặng đến bí hiểm.

img
13 trong số 32 nạn nhân của Cho Seung-hui

Cho tới nay, chính quyền địa phương vẫn đang tìm hiểu vì cớ gì hôm 16-4, Cho Seung-hui xách hai khẩu súng ngắn bán tự động đến trường, hiên ngang rảo khắp các phòng, khóa trái các cánh cửa rồi chẳng nói chẳng rằng vừa đi xả súng bừa bãi vào sinh viên, cô thầy. Cho hành động không phải một lần mà hai lần cách nhau hai tiếng đồng hồ rồi tự kết liễu đời mình bằng một phát súng oan nghiệt trong một căn phòng đầy xác sinh viên.

Người ta đã tìm thấy hai thủ bút, mỗi thủ bút dài ba trang A4 của Cho trong phòng ngủ của mình. Nhưng đây không phải là thư tuyệt mệnh. Chúng cũng không giúp cảnh sát điều tra tìm ra câu giải đáp tại sao Cho lại hành động như vậy.

Người ta chỉ biết rằng, Cho đã trút lên các tờ giấy nỗi căm phẫn của mình đối với những “đứa trẻ giàu có”, “ăn chơi sa đọa”. Phải chăng đây là động cơ khiến Cho giết người? Các nhà điều tra không chắc lắm.

Người đầu tiên cảm thấy lo âu trước một sinh viên kỳ quái là Nikki Giovanni, nhà thơ nữ của trường. Bà Giovanni nói đã linh cảm điều bất thường ở cậu sinh viên tên Cho từ mùa thu năm 2005 khi phụ trách lớp sáng tác. Bà cho biết Cho hay chụp ảnh các bạn học cùng lớp và sáng tác nhiều bài thơ toàn nói về chết chóc. Sự việc này làm nhiều sinh viên trong lớp sợ hãi bỏ lớp.

Ngoài làm thơ, Cho còn sáng tác kịch bản phim khi học lớp viết kịch. Những kịch bản phim của Cho đầy rẫy những cảnh dâm ô và bạo lực. Một kịch bản mô tả cuộc đấu giữa một chàng trai và cha dượng với những cảnh chém nhau bằng búa và cưa máy. Một kịch bản khác nói về sinh viên giết một ông thầy vì ông này quấy rối tình dục học trò.

Ian MacFarlane, cựu sinh viên Trường Đại học Công nghệ Virginia, kể lại: “Khi đọc kịch bản phim của Cho, chúng tôi có cảm tưởng vừa trải qua một cơn ác mộng. Chúng tôi nói nhỏ với nhau rằng cậu này có thể trở thành một kẻ thủ ác trong trường học”.

Bà Giovanni từng bảo Cho cần thay đổi đề tài làm thơ hoặc đừng theo học lớp của bà nữa. Nhưng Cho không vâng lời. Anh nói: “Cô không thể làm em thay đổi”. Bà trao đổi chuyện này với Lucinda Roy, 51 tuổi, người kèm cặp Cho. Bà Roy cho biết cũng từng khuyên Cho nên gặp những người tư vấn về tâm thần. Bà cũng nói sẵn sàng đi cùng với Cho đến trung tâm tư vấn. Cho nói sẽ suy nghĩ kỹ về lời khuyên này, nhưng chứng nào tật nấy.

Bà Roy, nay là một giáo sư nổi tiếng khoa Anh văn của trường, đã báo động trường hợp của Cho với ban giám hiệu. Các quan chức nhà trường ghi nhận lời cảnh báo của bà Roy nhưng cho rằng Cho không đe dọa trực tiếp ai cả cho nên nhà trường không thể làm gì.

img
Lễ tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát tại Đại học Công nghệ Virginia hôm 17-4

Người không nói gì cả

Paul Kim, một sinh viên cùng lớp với Cho, nhớ lại: “Anh ta không bao giờ nói lời nào. Ngay khi cô thầy hỏi, anh ta cũng không nói gì cả. Trông anh ta lúc nào cũng thê thảm, như thể chết rồi. Ngày đầu tiên đến lớp, tôi rất muốn trò chuyện với anh ta nhưng không thể. Anh ta luôn luôn ngồi gần cửa lớp. Hết giờ là anh ta chuồn ngay”. Kim cũng là người đầu tiên chú ý đến sự vắng mặt của Cho trong suốt tháng qua.

Tại thành phố Centreville, người ta cũng nhớ đến Cho như là một thanh niên kỳ lạ. Greg Kearns, người hàng xóm của Cho, thỉnh thoảng cũng hay bắt chuyện với Cho nhưng không lần nào thành công. Kearns bảo: “Anh ta rất kỳ cục. Có một lần, Cho dắt chó đi chơi. Tôi lên tiếng chào hỏi. Cho quay đầu đi nơi khác. Hình như anh ta đang nói chuyện với chính mình, không quan tâm đến ai cả”.

Abdul Shash cũng là hàng xóm của gia đình Cho. Anh nói: “Cho hình như không có bạn bè. Nếu bạn đi gần anh ta, anh ta sẽ bỏ đi chỗ khác ngay”. Theo Shash, cha mẹ của Cho sống khiêm tốn, bình lặng, làm việc chăm chỉ, lúc nào cũng lo lắng cho con cái. Trong những năm đầu đi học Trường Đại học Công nghệ Virginia, cha mẹ Cho thường lái xe mỗi bận 3 – 4 tiếng đồng hồ đưa rước con.

Cho Seung-hui tốt nghiệp phổ thông trung học ở Chantilly năm 2003. Sinh nhật thứ 23 của Cho là ngày 18-1-2007. Cho từ Hàn Quốc di cư đến Detroit ngày 2-9-1992, năm 8 tuổi. Cho mới đổi thẻ xanh hồi tháng 10-2003. Sun Cho, chị của Cho tốt nghiệp khoa kinh tế Trường Đại học Princeton năm 2004 sau khi hoàn tất khóa thực tập hè của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington và Bangkok. Hiện nay Sun Cho là nhân viên hợp đồng của Bộ Ngoại giao Mỹ.