Khó nhập tịch, thất nghiệp cao
Bao năm nay, Thụy Sĩ nổi tiếng là quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất, lương cao và thuế suất thu nhập thấp. Do đó, nhiều công dân các nước châu Âu, nhất là các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), đến đây sinh sống nhưng gặp rất nhiều khó khăn
Công dân EU sinh sống ở Thụy Sĩ đông nhất là người Ý, kế đến người Serb, Bồ Đào Nha và Đức. Phần lớn đều có tay nghề cao. Chừng 200.000 người Đức chẳng hạn đang làm các công việc thu nhập cao như giám đốc xí nghiệp, thầy thuốc, luật sư. Gần đây có thêm nhiều nhà khoa học, giáo sư, song không được dân Thụy Sĩ ưa chuộng lắm.
Không thích bị “Đức hóa”
Có nhiều nguyên nhân lịch sử và hiện thực khiến người Đức thích sống và làm việc tại Thụy Sĩ. Trước hết, đây là một quốc gia trung lập vĩnh viễn, cho nên trước và sau đại chiến II không ít người Đức muốn tị nạn tại Thụy Sĩ. Thứ hai, kinh tế nước này phát triển vững chắc mà thuế suất đánh vào thu nhập lại tương đối thấp, hệ thống an sinh xã hội hoàn hảo, giáo dục hiện đại.
Hơn nữa, người Đức tới đây sống còn có một ưu thế bẩm sinh là tiếng Đức, vốn là ngôn ngữ quan trọng trong 4 ngôn ngữ chính của Thụy Sĩ. 63,7% dân nước này nói tiếng Đức. Nhiều vùng kể cả thủ đô Bern, kinh đô tài chính Basel, Zurich đều nói tiếng Đức. Ở bất cứ đâu cũng có thể thấy người Đức làm việc, từ người phục vụ khách sạn tới người thuyết minh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva.
Sự gần gũi giữa hai dân tộc về ngôn ngữ và văn hóa tạo ra cơ sở tâm lý cho họ chung sống hòa hợp với nhau. Thế nhưng khi lợi ích dân tộc bị xâm phạm thì anh em dù có thân thiết mấy cũng không được. Sinh viên các trường ĐH Zurich và Bern ấm ức nói: Các giáo sư Đức khi lên lớp đều chỉ nói tiếng Đức giọng Berlin chứ không chịu nói và cũng không thích nghe sinh viên nói tiếng Đức giọng Thụy Sĩ, điều đó chạm đến lòng tự tôn dân tộc của người Thụy Sĩ. Người Đức cho rằng tiếng Đức của Thụy Sĩ kém quý phái, thiếu quy chuẩn, ngữ pháp lỏng lẻo, lai tạp ngữ pháp 3 thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, không thể dùng làm ngôn ngữ giảng bài được.
Gần đây dư luận Thụy Sĩ cũng tỏ ra bất bình với kết quả bổ nhiệm giáo sư Trường ĐH Zurich: 25 người bản xứ và 24 người Đức. Một số thầy trò trường này chất vấn: Rốt cuộc đây là Trường ĐH của Đức hay của Thụy Sĩ? Báo Zurich Mới dẫn lời các thầy trò đó nói người Đức đang cướp mất việc làm của người bản xứ; họ không hoan nghênh quá trình “Đức hóa” này.
Khó nhập quốc tịch Thụy Sĩ
Chính quyền và giới doanh nhân Thụy Sĩ đều nói họ hoan nghênh nhân công tay nghề cao của nước ngoài; vì vậy họ không có lý do từ chối nhận những người Đức láng giềng có trình độ văn hóa cao. Nhưng trong thực tế, chính quyền Thụy Sĩ lại luôn luôn tỏ ra rất chặt chẽ trên vấn đề cho người ngoại quốc nhập quốc tịch nước này. Theo luật hiện hành, người nước ngoài phải sống tại Thụy Sĩ đủ 12 năm mới được xin nhập quốc tịch, trừ trường hợp là vợ chồng con cái của công dân Thụy Sĩ thì có thể yêu cầu thấp hơn. Tuy thế, được Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ cho phép nhập quốc tịch cũng chưa đủ mà còn phải được chính quyền cấp bang và cấp thành phố thị trấn sở tại đồng ý. Khi đó còn phải trải qua nhiều khâu điều tra xem xét, phải nộp một khoản lệ phí nhập quốc tịch khá cao, sau đó mới được nhận một cuốn hộ chiếu Thụy Sĩ bìa đỏ. Vì vậy tỉ lệ người nước ngoài nhập quốc tịch Thụy Sĩ thấp nhất trong các nước châu Âu.
Ngoài ra, người nước ngoài sống và làm việc tại Thụy Sĩ bị thiệt hơn dân bản địa về nhiều mặt. Họ không được ưu tiên tìm việc làm, do đó tỉ lệ thất nghiệp của người nước ngoài tại đây năm 2006 lên tới 8,9%, cao hơn gấp đôi người bản xứ (3,3%). Tỉ lệ người ngoại quốc túng thiếu cao tới 21,4%, hơn gấp đôi tỉ lệ của người Thụy Sĩ (10,4%). Cuối năm 2007, tỉ lệ thất nghiệp ở Thụy Sĩ hạ xuống còn 2,6% nhưng tình hình của người nhập cư vẫn chưa được cải thiện mấy.
Kết quả một cuộc trưng cầu dân ý đầu năm nay cho thấy các vấn đề khiến người Thụy Sĩ lo nhất, theo thứ tự là thất nghiệp, hưu trí và sức khỏe, sau đó mới đến mối lo về người nước ngoài. Thế nhưng do chịu ảnh hưởng của sự tuyên truyền chính trị nên người dân nước này khó mà không liên hệ 3 nỗi lo hàng đầu với vấn đề người ngoại quốc ngày một đông.
Hiện nay tại Thụy Sĩ, khi bàn tới đề tài người nhập cư sẽ rất dễ xảy ra tranh cãi. Các trở ngại tiềm ẩn bên trong xã hội Thụy Sĩ đang ngăn cản người ngoại quốc hội nhập vào xã hội nước này. Một số người nước ngoài cho rằng dân Thụy Sĩ thiếu khoan dung độ lượng, ngay cả người nói tiếng Đức mà còn khó nhập cư nói gì đến người Đông Âu.