Kỳ nhân Toshihide Maskawa
Toshihide Maskawa, một trong ba nhà vật lý Nhật được trao giải Nobel vật lý 2008, sẽ không thể đến Stockholm vào ngày 10-12 năm nay để nhận giải thưởng vì không có hộ chiếu. Bởi xưa nay ông chưa bao giờ rời khỏi Nhật Bản mặc dù ông nhận được nhiều giải thưởng danh giá của nước ngoài
Chi tiết kể trên đã được bà Akiko, vợ của ông, tiết lộ trong một cuộc gặp báo chí tại nhà riêng ở phía Tây thành phố Tokyo hôm 8-10. Hay tin ông được trao giải Nobel danh giá, các nhà báo ùn ùn tới nhà ông săn tin. Họ được nghe những chi tiết thú vị chung quanh cuộc đời và sự nghiệp của ông do chính vợ ông kể lại.
Dị ứng với tiếng Anh
Ngoài chuyện dị ứng với việc đi nước ngoài, ông cũng dị ứng với tiếng Anh - ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trong cộng đồng khoa học quốc tế. Điều này không có nghĩa là ông không biết tiếng Anh nhưng đơn giản là ông không thích nói tiếng gì ngoài tiếng mẹ đẻ.
Ông Toshihide Maskawa từng nhận được nhiều lời mời ra nước ngoài để nhận giải thưởng hoặc thuyết trình nhưng lần nào ông cũng trao quyền đại diện cho đồng nghiệp của mình là Makoto Kobayashi, người cùng chia giải Nobel vật lý lần này, đi nước ngoài thay ông. Tuy vậy, ông nói có thể ông sẽ phá lệ.
Người đàn ông mang cặp kính cận, tóc hoa râm, quê ở tỉnh Aichi này tiếng tăm như cồn lại là một người có tính e thẹn và thường không kiềm chế được xúc động. Trước mặt các nhà báo, ông thổn thức trong nước mắt rồi sau đó lại cười toe toét. Theo hãng tin AFP, các nhà báo đã bị ông mê hoặc trong cuộc gặp gỡ báo chí ngay sau khi có tin ông cùng với Kobayashi và Yoichiro Nambu, một người Mỹ gốc Nhật, được trao giải Nobel trị giá 1,4 triệu USD.
Thậm chí ông giơ hai tay lên khỏi đầu rồi hỏi các phóng viên: “Các anh thích tôi làm như thế này để bày tỏ sự vui mừng của tôi chứ gì?”. Trước đó, ông phát biểu một câu làm các nhà báo bất ngờ: “Tôi thật sự không cảm thấy hạnh phúc” về chuyện đi nhận giải Nobel ở Stockholm. Ông giải thích: “Đó chỉ là một buổi tiệc của tầng lớp thượng lưu”. Ông nói chỉ cảm thấy hạnh phúc thật sự khi “các đồng nghiệp khoa học nói tôi đã làm đúng. Dĩ nhiên, tôi cảm thấy hạnh phúc khi được khen”. Ông cũng nói chỉ cảm thấy hạnh phúc khi lý thuyết của ông và Kobayashi được công nhận năm 2002.
Cặp bài trùng dị thường
Giải Nobel vật lý năm nay được trao cho giáo sư Yoichiro Nambu, 87 tuổi, giáo sư danh dự người Mỹ gốc Nhật thuộc Trường Đại học Chicago - Mỹ; giáo sư Toshihide Maskawa, 68 tuổi, ở Viện Vật lý lý thuyết Yukawa thuộc Trường Đại học Sangyo - Tokyo, giáo sư danh dự Trường Đại học Kyoto và Makoto Kobayashi, 64 tuổi, nhà nghiên cứu vật lý lý thuyết thuộc tổ chức nghiên cứu máy gia tốc năng lượng cao gần Tokyo.
Ông Nambu là người phát hiện hiện tượng phá vỡ đối xứng tự phát, còn Maskawa và Kobayashi tiên đoán sự hiện hữu của những dòng hạt vật chất lạ có tên là quark trong vật lý hạ nguyên tử (subatom). Ông Nambu sẽ nhận được nửa số tiền thưởng, còn hai ông Kobayashi và Maskawa chia đôi nửa còn lại.
Maskawa và Kobayashi quen biết nhau từ lúc học Trường Đại học Nagoya ở miền Trung nước Nhật, nơi họ tốt nghiệp bằng tiến sĩ vật lý. Cả hai sau đó làm việc chung với nhau nhưng là hai cá tính đối lập nhau. Maskawa mô tả người bạn của mình: “Đó là một quý ông có cái đầu lạnh”. Kobayashi cũng không giấu giếm sự kính nể: “Ông ấy rất giỏi về toán và xây dựng những lý thuyết độc đáo”.
Năm 1972, cả hai thực hiện những nghiên cứu trong lĩnh vực hạ nguyên tử. Hai ông linh cảm có một số hạt hạ nguyên tử hoạt động không theo luật đối xứng mà các ông gọi là quark. Lúc đầu, họ tìm cách chứng minh rằng có ba dòng quark. Sau đó, Maskawa xây dựng lý thuyết 4 dòng quark. Kobayashi là người phản đối Maskawa quyết liệt nhất.
Kobayashi nói với Maskawa: “Không đúng. Không thể như thế được”. Nhưng Maskawa bất chấp phản đối của đồng sự và vẫn tiếp tục tìm hiểu vật chất vận hành như thế nào ở cấp hai nguyên tử. Cho đến một hôm, đang ở trong bồn tắm, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu Maskawa: Không phải 3 hay 4 mà đến 6 dòng quark. Vài tháng sau, ông và Kobayashi đã hoàn thành lý thuyết này. Và 30 năm sau, những cuộc thử nghiệm đã chứng minh rằng lý thuyết của họ hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Bí quyết thành công của ông Maskawa là gì? Có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Ông Maskawa chia sẻ: “Có rất nhiều việc làm cho tôi quan tâm và tôi có thể làm được nhiều thứ trong cùng một lúc”. Chẳng hạn như hồi còn nhỏ, miệng Maskawa học bài trong khi tai thì nghe đài; còn hiện nay ông có thể vừa tính toán vừa xem tivi.
Phá vỡ đối xứng tự phát Theo các nhà vật lý, cách đây 13,7 tỉ năm, có một vụ nổ lớn tạo ra vũ trụ ngày nay. Vụ nổ tạo ra một lượng vật chất và phản vật chất bằng nhau. Ai cũng biết vật chất và phản vật chất có điện tích trái ngược nhau. Khi va chạm nhau, chúng tự hủy hoại theo luật đối xứng. Nhưng trong thực tế đã có một lượng vật chất dôi ra tạo thành các dải thiên hà, các vì tinh tú, trái đất và sự sống hôm nay. Giải thích điều này như thế nào đây nếu không có khái niệm phá vỡ đối xứng tự phát? Giáo sư Yoichiro Nambu là người đầu tiên giải thích hiện tượng phá vỡ đối xứng tự phát đã diễn ra như thế nào từ năm 1960. Lý thuyết của ông giúp chúng ta hiểu một số lực cơ bản trong tự nhiên, chẳng hạn như lực từ trường. Lý thuyết của ông cũng giải thích tại sao những hạt vật chất khác nhau có trọng lượng khác nhau. Xuất phát từ phát hiện nói trên, hai nhà vật lý Toshihide Maskawa và Makoto Kobayashi tìm hiểu một khía cạnh khác của sự phá vỡ đối xứng. Theo hai ông này, hiện tượng lạ kỳ chỉ có thể xảy ra do sự hiện diện của 6 dòng hạt vật chất có tên gọi là quark. Lý thuyết này được hai ông đưa ra năm 1972 nhưng lúc đó chưa ai thấy mặt mũi hạt quark ra sao, phải dùng máy gia tốc bắn phá các hạt cơ bản cấu tạo thành nguyên tử để tìm ra quark. Ba năm sau, 3 dòng hạt quark đã được tìm thấy và 30 năm sau linh cảm có đến 6 dòng quark của họ mới được chứng minh đầy đủ trong những cuộc thử nghiệm trên máy gia tốc. Việc ba nhà vật lý Nhật được trao giải Nobel vật lý không được người Ý hoan nghênh bởi họ cho rằng có một nhà vật lý Ý cũng xứng đáng được trao giải. Đó là Nicola Cabibbo thuộc Trường Đại học La Sapienza. Lý thuyết của Maskawa và Kobayashi, theo họ, đã được xây dựng trên cơ sở công trình của Cabibbo mà bằng chứng là ma trận vạch ra 6 dòng quark mang tên Cabibbo-Kobayashi-Maskawa. Thế nhưng có lẽ theo quy định của giải Nobel, chỉ có tối đa ba người được giải cho nên Cabibbo đã bị hắt hủi. |