Lời thú tội của những kẻ gây chiến
Đúng như tiên đoán của Bác Hồ từ đầu năm 1968, Mỹ đã thất bại và phải cuốn cờ về nước vào cuối tháng 3-1973 sau khi không lực Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội bởi một Điện Biên Phủ trên không của quân và dân thủ đô vào cuối tháng 12-1972
Với những trận đánh của các lực lượng phòng không - không quân ta, pháo đài bay B52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 đã bị thiêu xác, chiến dịch Linebacker II bị thảm bại hoàn toàn. Sau đây là những lời thú nhận chính của người cầm đầu Nhà Trắng và những lời kể về nỗi khiếp sợ của những phi công Mỹ sừng sỏ đã tham gia các phi vụ trong chiến dịch Linebacker II này.
Sử dụng B52 là rất sai lầm
Tổng thống R.Nixon thừa nhận: “Ngày 12-12-1972, Mỹ đã hoãn cuộc thương lượng. Tôi đã quyết định như vậy vì Hà Nội buộc chúng ta phải có một bước đi làm thay đổi suy nghĩ của họ. Bằng hành động để chúng ta thuyết phục Bắc VN rằng tốt hơn hết họ nên ký một hiệp định theo các điều kiện của chúng ta hơn là tiếp tục cuộc chiến đấu. Ngày 14-12-1972, tôi đã ra lệnh rải thủy lôi cảng Hải Phòng và cho máy bay trinh sát toàn miền Bắc VN để chuẩn bị ném bom B52 Hà Nội, Hải Phòng. Đó là một quyết định khó khăn nhất mà tôi thực hiện trong thời gian làm tổng thống. Ngày 17-12-1972, tôi ra lệnh bắt đầu chiến dịch thả thủy lôi trên biển và 24 giờ sau, 129 máy bay B52 tiến hành ném bom miền Bắc VN. Trong 12 ngày đêm, chúng tôi ra lệnh cho không quân xuất kích 729 lần bằng B52 và khoảng gần 4.000 lần bằng chiếc tiêm kích bom, ném tất cả 20.000 tấn vào mục tiêu định sẵn”.
Trong quyển Giải phẫu cuộc chiến tranh, TS Grabriel Conco đã vạch rõ sự tuyệt vọng của Tổng thống Nixon: “Mọi người, kể cả không quân Mỹ, đều thừa nhận rằng sử dụng B52 là rất sai lầm. Không quân gây thương vong đáng sợ cho các mục tiêu dân sự, nhưng đồng thời Mỹ phải trả giá chưa từng có”.
Đại úy phi công R.Scott: “Thật đáng kinh hãi...”
Vậy chiến dịch Linebacker II của Mỹ đã diễn ra như thế nào? Đại úy phi công Robert E.Wonfer, lái B52 từ căn cứ Guam - Thái Bình Dương đến Hà Nội, sau này đã kể lại: “Chúng tôi bay trên đường bay quen thuộc của các phi công tiêm kích bom và luôn bị pháo phòng không Bắc Việt theo dõi, 67 chiếc B52 bay dọc theo sông Hồng lên phía Bắc rồi xuống Hà Nội thành một đội hình dài 70 dặm. Tên lửa SAM của Bắc VN phóng dữ dội vào dòng thác B52. Từ lúc bắt đầu cắt bom đến khi vội thoát khỏi mục tiêu, tôi đếm được 36 quả tên lửa SAM phóng vào đường bay của chúng tôi. Bằng cách khéo léo nào đấy, những người điều khiển SAM đã làm các máy bay gây nhiễu điện tử của chúng tôi cho mục tiêu B52 đã bị thất bại. Từng mỗi trận địa phòng không, Bắc VN phóng hàng loạt 6 tên lửa SAM và cho nổ bất cứ đoạn nào trong đội hình của B52”. Còn theo đại úy R.Scott bay trong tốp B52 sau trong đội hình này, “tên lửa SAM bay từng đôi một, đôi sau cách đôi trước chỉ vài giây và đã nổ khá gần khi tôi bay qua. Tôi thấy rõ một quả cầu lửa bùng lên ở phía trước máy bay của tôi rồi lao nhanh xuống như một ngọn đuốc khổng lồ. Tôi đoán đó là một chiếc B52 bị trúng trực tiếp tên lửa SAM. Về sau tôi mới biết đó là chiếc B52G bị bốc cháy. Thật đáng kinh hãi, 4 phi công nhảy dù ra và đều bị bắt”.
Trong đêm đầu của chiến dịch ném bom chiến lược, đã có 7 chiếc máy bay tan xác, trong đó có 3 B52, một số phi công bị thiệt mạng, một số bị bắt, có tên bị mất tích do tan xác theo máy bay. Ngay chiều hôm sau, 19-12-1972, tại câu lạc bộ quốc tế trên đường Lê Hồng Phong (nay là Trung tâm Hội nghị quốc tế), Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng VN đã có cuộc họp báo tố cáo tội ác của Mỹ dùng B52 đánh vào thủ đô Hà Nội với sự trình diện của nhiều phi công Mỹ vừa bị ta bắt làm tù binh đêm 18-12.
Đó chỉ mới là 1-2 ngày đầu, càng về sau, cường suất B52 càng tăng và không lực Mỹ càng bị thảm hại. Số máy bay B52 cũng như tiêm kích bom còn rơi rụng ngày càng tăng và dẫn tới chiến dịch Linebacker II hoàn toàn sụp đổ sau 12 ngày đêm. May mắn sống sót trong chiến dịch Linebacker II, mãi đến 5 năm sau, đại úy phi công lái B52 Daren Kawsky đã viết lại trên tạp chí quân lực Mỹ, số tháng 7-1977: “Ôi! Thật hãi hùng, tôi cứ nơm nớp lo sợ mỗi lần lên máy bay để bay đến Hà Nội. Cứ nghĩ đến hình ảnh đồng đội tôi ngồi gục đầu kinh hoàng trước cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 19-12-1972 thật khủng khiếp. Tôi may mắn sống sót, nhưng nhiều bạn đã tan xác cùng với máy bay trúng tên lửa Bắc Việt”.
VN được ca ngợi
Với thất bại nặng nề sau 6 ngày khởi sự chiến dịch “rải thảm” B52, ngày 25-12-1972, hãng AP (Mỹ) đã phát tin và cảnh báo: “Đây là ngày thứ sáu liên tiếp của cuộc tấn công chớp nhoáng lớn nhất trong cuộc chiến tranh chống VN. Mỹ đã phải trả giá đắt nhất kể từ khi bắt đầu tấn công bằng không quân ra miền Bắc VN tháng 9-1964. Thiệt hại của Mỹ là nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh này”. Với thất bại nối tiếp sau lễ Giáng sinh của không quân Mỹ, chiến dịch này buộc phải kết thúc không kèn, không trống. Ngày 29-12, tổng thống Nixon đã phải hạ lệnh dừng cuộc ném bom này.
Sau này, trong tác phẩm Mỹ ở VN, giáo sư Mỹ Guenter Levy khẳng định: “Chiến dịch Linebacker II là sự thất bại cả về chính trị, quân sự của Mỹ, vì nó không buộc được đối phương đầu hàng. Bắc VN thực tế đã kết thúc cuộc chiến tranh với một hiệp định có lợi cho họ. Sự có mặt của lực lượng vũ trang Bắc VN tại Nam VN được hợp pháp hóa. Chỉ hơn hai năm sau, Bắc VN đã hoàn thành mục tiêu của họ là giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước”.
Thấy ở VN tương lai của loài người Ca ngợi chiến thắng 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 của quân và dân ta, ông Romet Sandra, nguyên chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, đã nói: “VN đồng nghĩa với sự vinh quang, lòng dũng cảm và tinh thần quyết thắng. Mỗi lần đứng bên hố bom do đế quốc Mỹ rải xuống VN, chúng tôi nhận ra rằng nhân dân VN không phải hy sinh chỉ vì VN, mà vì cả chúng tôi. Những người anh hùng ngã xuống trên mảnh đất VN là những liệt sĩ của thế giới, vì họ đấu tranh cho cả thế giới, cho cả nhân dân Mỹ. Chúng tôi thấy ở VN tương lai của cả loài người”. |